Cặp đôi khiến vảy cá 'nở hoa', tạo việc làm cho trăm người
Tình cờ nhìn thấy vẻ đẹp lấp lánh của những vảy cá rơi vãi dưới nền nhà, Ngọc Biết, Như Quỳnh quyết định bắt loại phế phẩm này “nở hoa” để bảo vệ môi trường, hỗ trợ người khuyết tật.
Tranh, hoa từ… vảy cá
Ngồi bên bàn làm việc, Phạm Như Quỳnh (SN 1998, quận 4, TP.HCM) cầm miếng vảy cá lớn bằng đầu ngón tay lên ngắm nghía. Cô hình dung về một đóa hoa hồng trong đầu. Sau đó, Quỳnh ghép số vảy cá này lại thành những cánh hoa rồi cố định chúng bằng keo.
Cô gái 24 tuổi lặp lại các thao tác trên cho đến khi những miếng vảy đơn lẻ trở thành đóa hồng xinh tươi, sống động như thật. Như Quỳnh biết đến cách dùng vảy của các loài cá lớn để tạo thành những đóa hoa trang trí từ năm 2017.
Năm đó, bạn trai của Quỳnh là anh Lê Ngọc Biết được người nhà tại tỉnh Phú Yên gửi vào cho một số cá biển. Đến đêm, Biết ngồi đánh vảy số cá này để sử dụng.
Trong lúc thu gom vảy cá rơi vãi dưới nền nhà để đem đi vứt bỏ, Biết thấy chúng ánh lên những tia màu lấp lánh. Anh chợt nghĩ đến việc sử dụng loại phế phẩm này làm vật liệu, tạo nên những bức tranh phong thủy độc đáo.
Sau đó, Biết, Như Quỳnh cùng nhóm bạn của mình mang ý tưởng trên đến tham gia cuộc thi “Tôi khởi nghiệp” do Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM tổ chức. Ý tưởng của Biết được ban giám khảo đánh giá cao, có giải thưởng.
“Sau đó, chúng tôi nảy ra ý tưởng sử dụng vảy cá để tạo thành những bông hoa nhiều màu sắc. Chúng tôi nghĩ các loại hoa giả làm từ vảy cá phơi khô sẽ có nét đẹp và sự độc đáo riêng nên quyết định sáng tạo”, Quỳnh nói.
Quyết tâm khởi nghiệp từ nghề chưa từng xuất hiện tại Việt Nam, Quỳnh “lùng sục” khắp TP.HCM để thu mua vảy cá. Tuy nhiên ý tưởng trên quá xa lạ, thậm chí có chút kỳ quặc nên cả nhóm gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên liệu.
Đi đến đâu hỏi mua vảy cá, nhóm của Quỳnh cũng nhận về những ánh nhìn ngơ ngác, đầy hoài nghi từ mọi người. Thậm chí, những người sinh sống xung quanh thấy Quỳnh đem về nhà hàng trăm cân vảy cá cũng tỏ ra bất ngờ, không biết “chúng nó đang làm gì”.
Phải mất đến 2 năm lân la, thuyết phục các tiểu thương bán cá tại các chợ đầu mối, nhà hàng… nhóm của Biết, Quỳnh mới tìm được người đồng ý cung cấp vảy cá.
Để có thể làm hoa, vảy cá phải đủ lớn. Do đó, Quỳnh thường tìm kiếm, mua lại vảy của các loài cá lớn, có trọng lượng từ 5-10kg như: Cá chép, cá chẽm, cá hô… từ các chợ đầu mối, nhà hàng…
Sau đó, loại nguyên liệu này được Quỳnh vệ sinh, khử mùi. Đây được xem là công đoạn khó khăn nhất, đòi hỏi người làm phải hết sức kiên trì.
Quỳnh chia sẻ: “Vảy cá thu mua về có khi còn dính da, thịt cá và có mùi tanh, hôi. Mùi này cũng khiến ruồi nhặng kéo đến bủa vây rất khó chịu. Làm chưa quen, tiếp xúc trong thời gian dài, nhiều bạn chịu không nổi, thậm chí nôn ói.
Mỗi lần có vảy cá, chúng tôi đều cố gắng xử lý thật nhanh trước khi loại phế phẩm này bị hỏng, bốc mùi, gây ô nhiễm môi trường. Sau khi tuyển chọn từng vảy cá ưng ý, đạt chuẩn trong 5-10kg vảy vừa mua, chúng tôi đem đi làm khô và nhuộm màu”.
Hỗ trợ người khuyết tật
Những ngày đầu làm hoa từ vảy cá, Quỳnh thất bại liên tục. Trước đó, cô chưa từng trải qua lớp học nghệ thuật nào. Quỳnh cũng không tìm được người đi trước để học hỏi kinh nghiệm vì cho đến lúc này, cô là người đầu tiên làm hoa giả bằng vảy cá.
Tuy nhiên, cô gái không từ bỏ ý định và quyết tâm tự mày mò. Mỗi lần cầm một miếng vảy cá lên, Quỳnh ngắm nghía, mường tượng trong đầu về hình dạng của một đóa hoa. Sau đó, cô sắp xếp, kết các mảnh vảy cá lại với nhau sao cho chúng ra hình dạng bông hoa hiện lên trong trí óc.
Quỳnh nói: “Làm đi làm lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng kết được đóa hoa hồng từ vảy cá. Tuy vậy, những đóa hoa đầu tiên ấy rất xấu.
Song, tôi không từ bỏ vì nghĩ rằng, công việc này khi thành công sẽ góp phần bảo vệ môi trường. Bởi, chúng tôi đang tận dụng, biến một loại phế phẩm, rác thải thành những vật dụng trang trí đẹp, độc đáo”.
Suy nghĩ trên thúc đẩy cô gái sáng tạo, khéo léo hơn trong việc lựa chọn các vảy cá, cách xếp đặt chúng để tạo những đóa hoa sống động, rực rỡ sắc màu. Sau khi hình thành những đóa hoa bằng vảy cá, Quỳnh dùng đất sét để tạo hình thân và lá.
Để sản phẩm của mình thêm thật, thêm đẹp và sống động, Quỳnh còn kết hợp chúng với nhiều phụ kiện khác như: Lá cây, hoa, bướm, côn trùng sấy khô... Trông từ xa, nếu không thật để ý, hiếm có người phát hiện những đóa hồng, đồng tiền, tulip… Quỳnh đang trưng bày được tạo nên từ vảy cá.
Sau ít năm làm hoa từ vảy cá, Như Quỳnh nhận thấy công việc này rất phù hợp với người khuyết tật, lao động nhàn rỗi. Thế nên, ngay sau khi đã nắm vững kỹ thuật, cô gái chủ động đến tìm người khuyết tật để “truyền nghề”.
Cô gái tận tình hướng dẫn, ở lại bên những người này cho đến khi họ có thể tự tay tạo ra đóa hoa bằng vảy cá đạt yêu cầu. Khi những người Quỳnh hướng dẫn đã có thể tự làm hoa, cô và nhóm bạn của mình đem vảy cá đã qua xử lý đến cho họ gia công.
Bằng cách này, hiện nay, Quỳnh và nhóm bạn đang tạo ra việc làm có thu nhập ổn định cho hơn 80 người khuyết tật tại TP.HCM. Không chỉ thế, Quỳnh và Biết còn muốn tạo việc làm cho những lao động nhàn rỗi ở quê nhà Phú Yên.
Cô gái cho biết: “Ở quê tôi, đa số đàn ông đi làm còn các mẹ, các chị thường ở nhà lo nội trợ. Các mẹ, các chị rất muốn có việc làm để tạo ra thu nhập lúc nhàn rỗi. Nhưng ở quê lại rất ít công việc phù hợp với họ.
Sau khi làm hoa từ vảy cá, tôi thấy công việc này rất phù hợp với các mẹ, các chị ở quê. Thế nên, tôi hướng dẫn, gửi vảy cá đã qua xử lý về cho họ làm. Tôi sẽ nhận hoa thành phẩm và thanh toán tiền gia công. Tôi hy vọng, với cách này sẽ tạo ra việc làm cho những lao động nhàn rỗi ở quê nhà”, Quỳnh nói thêm.
THEO HÀ NGUYỄN