Một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác chủ nhiệm lớp 5 năm học 2022- 2023

1.  Đặt đề tài:

Như chúng ta đã biết, Tiểu học là cấp học nền tảng cơ sở ban đầu cho việc hình thành và phát triển toàn diện nhân cách con người, đặt nền móng vững chắc cho giáo dục phổ thông và toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó, giáo viên chủ nhiệm ở Tiểu học là người có vị trí quyết định trong việc hình thành ở học sinh những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và các kĩ năng sống cơ bản để học sinh tiếp tục học lên các bậc học trên cũng như cuộc sống sau này của các em. Để nâng cao chất lượng giáo dục thì việc đầu tiên của người giáo viên là làm tốt công tác chủ nhiệm lớp, nhưng công tác chủ nhiệm lớp không phải là một công việc đơn giản, nó luôn là vấn đề trăn trở đối với hầu hết các giáo viên tiểu học. Từ những vấn đề trên, qua nhiều năm giảng dạy và chủ nhiệm lớp, bản thân tôi cũng đã đúc kết và rút ra được một số kinh nghiệm qua từng năm đồng thời suy nghĩ tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp đi trước có uy tín, có năng lực để công tác chủ nhiệm của mình đạt kết quả cao. Sau đây, tôi xin trình bày kinh nghiệm của tôi về “Một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác chủ nhiệm lớp 5”.

2. Thực trạng:

2.1. Thuận lợi:

- Trong quá trình giáo dục, trường luôn được các cấp, các ngành và các lực lượng xã hội …quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ.

- Nhà trường luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các lớp có đầy đủ phòng học, bàn ghế khang trang, phòng học thoáng mát, nhà vệ sinh sạch sẽ…

- Bản thân giáo viên không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn, hết lòng vì học sinh thân yêu.

- Đa số học sinh chăm ngoan, đủ đồ dùng học tập.

2.2. Khó khăn:

- Việc tổ chức cho các em học sinh các tiết trải nghiệm thực tế hay các hoạt động tập thể ở trường còn hạn chế.

- Khả năng tiếp thu của học sinh không đồng đều.

- Có một số em không chú ý, không có thái độ tích cực học, mà đến lớp như một thói quen, với thái độ lơ đễnh. 

- Đa số vốn giao tiếp của các em rất hạn chế, lời nói chưa được to, rõ ràng, hay có kiểu nói rất nhỏ, nói lắp bắp, không thể nghe được.

3. Biện pháp:

3.1. Tìm hiểu và phân loại học sinh trong lớp

Trong những ngày đầu năm học, nề nếp lớp chưa được ổn định. Trước hết, tôi phải tìm hiểu kĩ từng đối tượng học sinh, biết được hoàn cảnh, năng lực của từng học sinh để có biện pháp giáo dục phù hợp đối với từng đối tượng. Để làm được việc đó, bản thân tôi cho các em viết lí lịch bản thân đồng thời gặp trực tiếp giáo viên cũ các lớp dưới để tìm hiểu. Hằng ngày quan sát, theo dõi các em khi các em chơi, trò chuyện với các em. Thường buổi học đầu tiên tôi cho các em tự giới thiệu về mình trước lớp. Từ đó nắm được phần nào đặc điểm của từng em. Những lúc rảnh tôi thường bắt chuyện để hỏi thăm các em. Khi trò chuyện với các em như vậy ta sẽ nắm bắt được hoàn cảnh, sở thích của các em, đồng thời tạo cho các em cảm giác gần gũi, thân thiện.

3.2. Xây dựng kế hoạch chủ nhiệm

*Bầu Hội đồng tự quản

Đối với học sinh lớp 5 các em đã là học sinh cuối cấp và đã bắt đầu có khả năng lập luận, có tinh thần dân chủ và trách nhiệm với tập thể nên tôi để cho các em ứng cử, đề cử lựa chọn ra lớp trưởng, lớp phó học tập, lớp phó kỷ luật và các tổ trưởng.

* Phân công nhiệm vụ cụ thể cho Hội đồng tự quản lớp

Sau khi đã bầu chọn được Hội đồng tự quản của lớp, tôi phát cho mỗi thành viên của Ban cán sự lớp một quyển sổ, hướng dẫn các em ghi chép cụ thể, khoa học. Tôi giao nhiệm vụ cụ thể cho từng em.

* Tổ chức cho học sinh học nội quy trường, lớp.

Đầu năm học, tôi thường tổ chức cho các em học nội quy của trường, lớp để các em nắm được và thực hiện theo.

* Xây dựng nề nếp và năng lực tự quản của học sinh

Chất lượng học tập được nâng cao hay không thì yêu cầu đầu tiên phải có nề nếp, có quy định. Ngay lần họp phụ huynh đầu năm học tôi đã yêu cầu phụ huynh phải chuẩn bị đầy đủ dụng cụ học tập cho con em. Thông báo với phụ huynh những nội quy chung của nhà trường và nội quy của lớp học.

Phân nhóm “Đôi bạn cùng tiến”. Khi phân chỗ ngồi, tôi bố trí cho học sinh tiếp thu nhanh ngồi cạnh học sinh còn hạn chế. Em nhanh sẽ theo dõi, hướng dẫn bạn, kèm cặp bạn trong học tập. Nếu đôi bạn nào có tiến bộ thì tôi tuyên dương cho đôi bạn đó để khích lệ tinh thần.

Để làm tốt công tác tự quản, trước hết giáo viên chủ nhiệm phải tập huấn cho Ban cán sự lớp và giao nhiệm vụ cho từng thành viên, sau khi các em đã nhận biết vai trò trách nhiệm của mình các em sẽ có ý thức tự quản tốt. Nhưng trong thời gian đầu năm học giáo viên chủ nhiệm phải theo dõi sát sao các hoạt động của các ban để phát hiện mặt còn hạn chế và uốn nắn kịp thời. Bám sát kế hoạch của Nhà trường, của Đội để vạch ra kế hoạch từng tuần, từng tháng theo từng chủ điểm, từng đợt thi đua để đội tự quản có kế hoạch theo dõi, hướng dẫn các bạn thực hiện.

Học sinh học tập theo nhóm trong giờ học.

Với cách làm trên, tôi đã xây dựng được một kế hoạch chủ nhiệm chi tiết, phù hợp với thực tiễn học sinh của lớp. Đặc biệt đã bầu chọn ra được Ban cán sự lớp có năng lực, có khả năng cùng Giáo viên chủ nhiệm tham gia và điều hành tốt các hoạt động của lớp.

3.3. Thực hiện phong trào thi đua xây dựng “Lớp học thân thiện, học sinh tích cực”

- Tổ chức cho các em lao động, trồng và chăm sóc bồn hoa cây cảnh. Hướng dẫn các em sử dụng nhà vệ sinh hợp lí. Nhắc nhở các em giữ gìn vệ sinh cá nhân.

- Tổ chức các hoạt động tập thể vui chơi, lành mạnh cho học sinh. Đưa các nội dung giáo dục văn hoá truyền thống vào nhà trường thông qua các trò chơi dân gian, các bài hát dân ca, các ngày lễ kỉ niệm. Tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí tích cực, các hoạt động văn hoá, thể thao. Tổ chức các hoạt động văn nghệ,…

- Tổ chức cho học sinh tìm hiểu về các di tích lịch sử, văn hoá của địa phương, các anh hùng,..

- Để xây dựng một tập thể vững mạnh và giúp học sinh học tập tốt, giáo viên cần phát động phong trào “Giữ vở sạch, rèn chữ đẹp”  vì thế mà trong môi trường giáo dục, đặc biệt ở các trường tiểu học đã nhận thấy đây là một nhiệm vụ cần thiết trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, vì vậy mà phong trào “Rèn chữ, giữ vở” tôi luôn thực hiện một cách nghiêm túc và thường xuyên.

Học sinh trồng và chăm sóc vườn trường.

Học sinh tham gia Hội thi Viết thư pháp và Kể chuyện Bác Hồ

3.4.  Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh thông qua các hoạt động ngoài giờ chính khóa:

Tổ chức cho các em tham gia các phong trào Đội. Thông qua các ngày lễ để tổ chức hoạt động và giáo dục truyền thống, đạo đức. Thường xuyên tổ chức các trò chơi dân gian. Tổ chức các văn nghệ vào các buổi sinh hoạt tập thể nên các em trở nên rất tự tin, rất năng động sáng tạo. Nhân gương điển hình “Người tốt, việc tốt” để giáo dục học sinh.

Xây dựng nề nếp, kỉ cương trong và ngoài giờ học, giáo dục tính trung thực trong học tập và rèn luyện.

Kết hợp với Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh để giáo dục kĩ năng sống cho học sinh. Cụ thể:

Đầu mỗi buổi học, trong giờ ra chơi, các buổi sinh hoạt tập thể, buổi học ngoại khóa cũng như lồng ghép vào các tiết học chính khóa, tôi thường trao đổi, trò chuyện với học sinh, từ đó uốn lời ăn, tiếng nói và cử chỉ giao tiếp cho các em. Hướng dẫn các em xây dựng cho mình một thời gian biểu. Hướng dẫn các em kĩ năng tham gia giao thông an toàn. Tổ chức đóng vai, chơi trò chơi để giáo dục an toàn giao thông cho các em để từ đó các em có ý thức tốt trong việc tham gia giao thông.

Trong một số tiết sinh hoạt cuối tuần, tôi tổ chức cho các em chơi trò chơi như Hái hoa dân chủ, Rung chuông vàng,... với các câu hỏi xoay quanh những kiến thức các em đã học nhằm giúp các em hứng thú và khắc sâu kiến thức hơn.

Hàng tháng tổ chức các buổi hoạt động ngoài giờ lên lớp theo chủ điểm tháng, nội dung phong phú để thu hút các em tham gia.

Thường xuyên giáo dục các em tránh xa các tệ nạn xã hội, không để tệ nạn xã hội xâm nhập vào các em. Cụ thể: Phân tích tác hại của các tệ nạn xã hội để các em có định hướng tránh xa. Giáo dục cho các em một số kĩ năng tự bảo vệ bản thân trước các tệ nạn xã hội và trước những kẻ xấu có khả năng xâm hại đến các em.

Học sinh tham gia Hội thi Rung chuông vàng và tham quan ngoại khóa.

* Khi áp dụng biện pháp này, học sinh lớp tôi đã có cơ hội được trải nghiệm rất nhiều các hoạt động đa dạng, hình thức phong phú, giúp học sinh mạnh dạn, tự tin hơn rất nhiều, các kỹ năng giao tiếp ứng xử, hợp tác cùng giải quyết vấn đề được hình thành và phát triển.

3.5. Phối hợp cùng gia đình học sinh, các ban, ngành, đoàn thể có liên quan

Ảnh hưởng của gia đình đối với trẻ em vô cùng to lớn. Do đó giáo viên chủ nhiệm cần phải kết hợp chặt chẽ với gia đình trong quá trình giáo dục và cụ thể là tiến hành đều đặn các công việc:

- Hằng tháng thông báo kết quả học tập của học sinh cho gia đình biết để phối hợp giáo dục.

- Thường xuyên trao đổi với phụ huynh học sinh để có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường bằng cách trao đổi qua điện thoại, đến nhà, bằng sổ liên lạc.. để phụ huynh giáo dục các em.

- Ngoài ra tôi còn phối hợp với các đoàn thể nhà trường, các ban ngành có liên quan có những biện pháp giáo dục những học sinh chưa thực sự tham gia tích cực các hoạt động của trường, của lớp hay những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tham mưu cùng BGH để bản thân các em được quan tâm nhiều hơn, được hỗ trợ nhiều hơn về vật chất cũng như tinh thần giúp các em vững bước trên con đường học tập. 

4. Kết quả:

Với những giải pháp sử dụng nêu trên, từ đầu năm học, tôi nhận thấy tập thể lớp luôn thoải mái tham gia các hoạt động, tự tin trong học tập, thích đi học, thích được đến lớp. Từ đó, hình thành lớp học thân thiện, việc học tập của học sinh phần nào đã phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác học tập hơn trước. Ban cán sự lớp có khả năng tự quản, mạnh dạn, tự tin, sáng tạo. 

Môn học và hoạt động giáo dục: 

Năng lực, phẩm chất:

Thành tích các phong trào, ngoại khóa:

Học sinh tham gia đầy đủ các phong trào do trường, đội, tổ chức. Kết quả cụ thể:

- Tham gia phong trào kế hoạch nhỏ đạt 520.000 đồng.

- Tham gia tích cực phong trào nuôi heo đất khuyến học năm học 2021-2022: 400.000 đồng.

- Tham gia tích cực phong trào nụ cười hồng năm học 2021-2022: 610.000 đồng.

- Tham gia tốt các hoạt động quyên góp sách của nhà trường.

- Tham gia Hội thi Nét bút tri ân đạt kết quả: giải nhì.

- Tham gia tích cực Hội thao cấp trường: giải ba môn bóng đá, giải nhất môn chạy việt dã nam, giải nhất môn cờ vua nam, giải nhì và ba môn cờ vua nữ, giải nhì và ba môn cờ tướng, giải nhì môn cầu lông.

- Em Võ Ngọc Cẩm Tú, Hà Bảo Duy được vào vòng Bán kết Hội thi Tin học trẻ TP. Hồ Chí Minh lần thứ 31 - năm 2022.

- Em Lâm Hải My đạt giải ba Hội thi IOE cấp trường năm học 2021-2022.

- Em Lâm Hải My đạt giải nhì khảo sát Tiếng Anh giỏi cấp trường, em Cấn Hoàng Lâm đạt giải phong trào khảo sát Tiếng Anh giỏi cấp trường năm học 2021-2022.

- Có 41 học sinh đạt danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”. Tỉ lệ: 100%.

- 100% các em Hoàn thành chương trình Tiểu học.

5. Kết luận:   

Mỗi giáo viên, ai cũng muốn học sinh của mình chăm ngoan, học giỏi, phát triển toàn diện, để sau này trở thành người có ích cho xã hội. Mỗi học sinh Tiểu học như những cây non, chúng ta cần uốn nắn, chăm chút cẩn thận, nhẹ nhàng chỉ bảo, nêu gương nhiều hơn là khiển trách để giúp học sinh tự tin vào bản thân mình và phát triển.

Đứng trước vai trò, vị trí, tầm quan trọng của một giáo viên chủ nhiệm lớp 5 tôi luôn tìm tòi, học hỏi trau dồi nhiều kinh nghiệm hơn nữa, để sao cho lớp mình chủ nhiệm luôn đạt được kết quả và thành tích cao trong mọi lĩnh vực. Chắc chắn rằng biện pháp đưa ra còn nhiều hạn chế, thiếu sót do đúc kết từ kinh nghiệm giảng dạy của cá nhân. Tôi rất mong được sự đóng góp chân thành của quý lãnh đạo và đồng nghiệp để biện pháp được hoàn thiện hơn.

istar.doimoisangtao.vn