Một số giải pháp giáo dục học sinh lười, thường xuyên nghỉ học

I. Nguyên nhân

- Do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 năm 2021, hầu hết học sinh bị mất nề nếp trong học tập và lúc nghỉ học do dịch học sinh không có phương tiện giải trí nào ngoài ti vi và máy tính. Việc đó vô tình tạo cho học sinh thói quen tiêu cực như chơi game, xem ti vi bất kể giờ giấc dẫn đến việc lười đi học trực tiếp, không hứng thú trong việc học. 

- Hoàn cảnh gia đình các em không đồng đều, có nhiều thành phần học sinh con nhà nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, học sinh thiếu sự chăm sóc, dạy dỗ từ cha mẹ nên các em không được sự động viên, khuyến khích tích cực. 

- Một số phụ huynh đi làm ăn xa, học sinh ở với ông bà nên nề nếp học tập chưa được quan tâm tốt. 

- Một số học sinh khác lại chưa xác định được mục tiêu và nhiệm vụ học tập nên cũng thường xuyên vi phạm nội quy như: không soạn bài, không làm bài tập, không chú ý nghe giảng,... dẫn đến không hiểu bài nên chán nản trong việc học.

- Có những gia đình nuông chiều, bênh vực con quá mức nên chưa phối hợp tốt với giáo viên trong việc giáo dục trẻ.

- Một số thầy cô quá chú trọng về dạy chữ, ít quan tâm đến dạy người, do đó ít chịu tìm hiểu hoàn cảnh hoặc do ngại mất thời gian nên chưa gần gũi quan tâm đến học sinh làm trẻ nhút nhát, tự ti trong giao tiếp bạn bè đâm ra không thích đến lớp, chán học.

II. Giải pháp

    Bản thân tôi là một giáo viên chủ nhiệm lớp. Đối với công tác chủ nhiệm, tôi quan niệm rằng nếu ví lớp học là một dàn nhạc giao hưởng với sự kết hợp của rất nhiều các âm thanh, nhạc cụ đa màu sắc, đa âm điệu thì giáo viên chủ nhiệm lớp chính là vị nhạc trưởng rất tài ba, bởi để điều hành dàn nhạc ấy, người giáo viên phải là  một người mẹ, người thầy, người bạn, một nhà tâm lý, nhà đạo diễn và là một vị quan tòa  thật công bằng. Hơn thế nữa, người giáo viên chủ nhiệm cần phải cùng lúc đảm nhận tốt tất cả các vai trò đấy. Do đó, đối với tất cả giáo viên chúng tôi, chủ nhiệm lớp là một nhiệm vụ mang lại rất nhiều niềm vui, nổi buồn, rất nhiều kỷ niệm nhưng cũng là một thử thách lớn.

    Mỗi khi phải nhìn thấy một em học sinh có ý định bỏ học, tôi xót xa lắm. Bởi các em còn nhỏ quá, còn non nớt quá, các em chưa thấy được hậu quả của việc nghỉ học sớm. 

    Năm học 2021-2022, lớp 5.5 tôi chủ nhiệm có 35 học sinh, có 3 em có ý định bỏ học để đi phụ gia đình bán vé số. Các em cảm thấy mình đi làm có tiền, có thể nuôi sống bản thân nên thấy việc học trở nên vô nghĩa. Năm học 2022 – 2023, tôi chủ nhiệm lớp 3.4, có 1 học sinh không thích đi học do thường xuyên nghỉ học nên kiến thức bị hỏng đâm ra chán nản, tự ti với bạn bè và phụ huynh ít học, không hiểu giá trị của việc học nên không khuyến khích động viên lại hay nghe lời con. Hễ con kiếm cớ đau đầu chóng mặt là cho con nghỉ. Thương các em càng nhiều thì quyết tâm càng cao, tôi đặt mục tiêu sẽ không để bất kỳ một em học sinh nào rời xa mái trường khi còn quá nhỏ bởi như thế tương lai các em sẽ vô cùng mù mịt. Tôi đã chia sẻ những khó khăn, tâm tư của mình với bạn bè, đồng nghiệp và cấp lãnh đạo nên tôi đã rút ra được một số kinh nghiệp ít ỏi của bản thân mình và tôi có những giải pháp sau:

    1. Tìm hiểu nguyên nhân học sinh bỏ học

- Một là: Đối với việc học sinh bỏ học thì việc quan trọng đầu tiên người giáo viên chủ nhiệm cần làm là tìm hiểu được chính xác nguyên nhân vì sao các em bỏ học để đưa ra biện pháp tác động đúng, hiệu quả.

    Tôi chia nguyên nhân bỏ học của học sinh thành ba nguyên nhân. Một là vì hoàn cảnh gia đình (khó khăn hoặc hoàn cảnh khác). Hai là vì chán học, học yếu, không có mục tiêu và động lực học. Ba là bị ảnh hưởng bởi bạn bè xấu, game, vì cái lợi trước mắt là làm kiếm tiền…

Hai là: Lựa chọn biện pháp tác động phù hợp.

    Người giáo viên cần phải khéo léo lựa chọn biện pháp tác động phù hợp cho từng loại nguyên nhân, và cho dù đó là biện pháp nào thì giáo viên cũng cần phải cân nhắc đến đặc điểm  tâm sinh lý lứa tuổi của các em.

Ba là: Theo sát học sinh sau khi các em quay lại trường học.

Vận động các em đi học lại đã khó, nhưng giữ được cho các em sự kiên định để tiếp tục đi học lại càng khó hơn. Do vậy, giáo viên cần theo sát các em để giúp đỡ, động viên, nhắc nhở, khuyên bảo kịp thời.

    2. Xây đựng tập thể lớp đoàn kết, vững mạnh

    Một tập thể lớp đoàn kết, vững mạnh sẽ là một môi trường học tập và rèn luyện tốt cho tất cả các thành viên, sẽ là nguồn động lực to lớn để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, để các em không chán học, không mất đi mục tiêu học tập đúng đắn và sẽ không muốn bỏ học nữa.

Nhưng một tập thể lớp có đoàn kết, có vững mạnh hay không, nó phụ thuộc phần lớn vào các giải pháp mà giáo viên chủ  nhiệm đề ra, áp dụng cho chính lớp mình. Tôi xin chia sẻ một số giải pháp như sau:

Một là: Tìm hiểu đối tượng học sinh.

    Đây là khâu quan trọng đầu tiên khi bắt đầu đảm nhận công tác chủ nhiệm bất kỳ một lớp học nào, giáo viên phải tìm hiểu đặc điểm tất cả học sinh nhưng cần tập trung hơn vào nhóm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và nhóm học sinh có ý thức chưa tốt (học sinh cá biệt).

    Ở nhóm học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nên quan tâm, động viên, giúp đỡ bằng nhiều hình thức (tinh thần, quỹ học bổng, hỗ trợ…) để các em giảm bớt phần nào gánh nặng học phí, để các em thấy mình được yêu thương, được chia sẻ…từ đó hạn chế việc các em bỏ học.

   Ở nhóm học sinh cá biệt, cần có biện pháp tác động đến ý thức một cách phù hợp ngay từ đầu để định hướng hành vi, suy nghĩ tích cực cho các em. Chúng ta đều biết rằng giáo dục một học sinh cá biệt, có học lực yếu kém mất nhiều công sức, thời gian không kém gì so với việc bồi dư­ỡng một học sinh giỏi, nên giáo viên chủ nhiệm cần tìm hiểu, giáo dục bằng cả tình yêu thương và lòng bao dung như một người cha, người mẹ.

- Hai là: Xây dựng khối đoàn kết trong lớp học.

   Để xây dựng được khối đoàn kết lớp học thì vai trò định hướng của giáo viên chủ nhiệm là vô cùng quan trọng. Có rất nhiều cách để làm được điều đó, và một trong những cách hiệu quả nhất là xây dựng được phong trào, hoạt động tập thể của lớp, bởi chỉ khi các em cùng sinh hoạt, cùng hoạt động, cùng chia sẻ, cùng vui, cùng buồn với nhau thì mới có thể hiểu nhau, yêu thương nhau, đoàn kết với nhau được. Tôi tin chắc rằng, nếu được học tập trong một môi trường như thế, các em sẽ không nỡ bỏ học, không muốn bỏ học nữa.

    3. Luôn tạo niềm vui, hứng thú cho học sinh khi đến trường

- Tâm lí học sinh tiểu học là rất hiếu động và thích khám phá những điều mới lại; thích được khen và tuyên dương. Vì vậy để các em thấy đến trường là niềm vui, giáo viên cần tổ chức các giờ học nhẹ nhàng, thoải mái. Biểu dương kịp thời khi các em tiến bộ. Bất kì một sự khen thưởng đúng lúc, đúng thực chất đều góp phần tạo niềm tin và kích thích các em ham học. Dù đó chỉ là những tràng pháo tay hoặc một bông hoa khi các em có tiến bộ hoặc đi học chuyên cần. 

- GVCN trò chuyện riêng với học sinh để tâm sự, tìm hiểu, khuyến khích động viên những hành vi cử chỉ đạo đức tốt của các em, khơi gợi niềm đam mê học tập ở các em, nhờ bạn bè thân của HS hỗ trợ việc học.

- Thi đua khen thưởng ở lớp, ở trường là động viên các em tích cực hoạt động thi đua và coi trọng, khích lệ những cố gắng những điểm mạnh của học sinh, làm cho bản thân học sinh đó vươn lên hơn nữa, giúp HS bớt mặc cảm, tự ti về điểm yếu của mình.

   4. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong nhà trường

    Bên cạnh việc truyền đạt kiến thức trong giờ học thì các phong trào của Đội cũng giúp các em học sinh rèn luyện tốt hơn về nhiều mặt. Thông qua các hoạt động vui chơi thì các em có thể gần gũi bạn bè hơn, các em có thể tự tin hơn thể hiện bản thân.

    Tổ tư vấn tâm lý học đường trong nhà trường có vai trò quan trọng là hỗ trợ học sinh giải quyết những khó khăn trong việc không tập trung trong giờ học, lơ là việc học, tìm hiểu các mối quan hệ và cả những rối loạn cảm xúc, nhân cách...

   5. Phối hợp với phụ huynh học sinh

    Giáo viên chủ nhiệm nên việc phối hợp với gia đình học sinh nếu thấy các em có biểu hiện lơ là trong việc học, chán nản không muốn đến trường thì phải trao đổi với phụ huynh để tìm hiểu nguyên nhân. Giáo viên phải nói rõ cho phụ huynh biết tình hình học tập của HS, phân tích lợi ích của việc học tập cho PH hiểu (đối với những PH ít học), nhờ cha mẹ động viên HS.

    GVCN luôn xác định “gia đình” là trường học đầu tiên của các em. Ảnh hưởng giáo dục của gia đình là nền móng cho sự hình thành và phát triển nhân cách của các em, đó là tác động trực tiếp thường xuyên, liên tục và mạnh mẽ nhất. 

   6. Việc tranh thủ sự hỗ trợ của Ban giám hiệu

- Báo cáo tình hình lớp có học sinh có nguy cơ bỏ học với lãnh đạo nhà trường để tìm được sự tư vấn phù hợp.

III. Hiệu quả mang lại

    Bằng những việc làm cụ thể, trong năm học trước đã mang lại nhiều kết quả thiết thực là đảm bảo được sỉ số lớp. Cái được lớn nhất đó là làm thay đổi được nhận thức và hành động của rất nhiều phụ huynh về nghỉ học dài ngày và bỏ học giữa chừng của học sinh. Học sinh đã đi học đều và hứng thú hơn khi đến trường.

IV. Bài học kinh nghiệm

    Qua thực tế và kinh nghiệm, bản thân tôi đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm sau:

- Để lôi cuốn được các em đến trường, người giáo viên cần phải thực sự yêu thương, quan tâm học sinh. Thường xuyên nêu gương những học sinh yếu kém có tiến bộ trong học tập ở trong và ngoài trường, ở tiết sinh hoạt dưới cờ, giúp các em tự tin hơn và tránh được mặc cảm, tự ti.

- Đối với học sinh thường xuyên nghỉ học, thường là học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc tiếp thu chậm giáo viên cần kiên trì, tế nhị, động viên khuyến khích là chủ yếu, xem mọi sự tiến bộ dù rất nhỏ của các em đều là một thành tích đáng kể.

- Đối với những học sinh cá biệt, giáo viên cần gặp riêng phụ huynh ân cần nhắc nhở, nếu nhiều lần mà học sinh vẫn nghỉ học thì có biện pháp “cứng hơn” là cho phụ huynh kí vào giấy cam kết.

istar.doimoisangtao.vn