Nâng cao hoạt động quản lý sử dụng kháng sinh của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh thông qua việc thiết lập hệ thống quản lý sử dụng kháng sinh tại bệnh viện

Đề kháng kháng sinh hiện đang là một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định rằng thế giới đang sống trong kỷ nguyên phụ thuộc kháng sinh và yêu cầu toàn cầu có trách nhiệm bảo vệ nguồn thuốc kháng sinh quý giá cho thế hệ sau. Trong đó, Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới (Theo báo cáo tại Hội nghị Khoa học Toàn quốc về phòng chống kháng kháng sinh vào tháng 11 năm 2020). Hiện nay chưa có hệ thống giám sát đầy đủ của vấn đề đề kháng kháng sinh. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như: người bệnh phải kéo dài thời gian điều trị, không thể khỏi bệnh; người bệnh có thể tử vong nhanh chỉ vì viêm phổi hoặc mổ đẻ nếu kháng sinh kháng thuốc; vi khuẩn kháng thuốc có thể lây truyền trong cộng đồng gây ra những dịch bệnh nguy hiểm.

Trước thực trạng đề kháng kháng sinh đáng báo động, chương trình quản lý kháng sinh được triển khai chính thức vào năm 2016 thông qua Quyết định số 772/QĐ-BYT bao gồm 7 chỉ số chất lượng kê đơn kháng sinh và 2 chỉ số đo lường sử dụng kháng sinh. Ngày 31/12/2020, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 5631/QĐ-BYT về việc "Hướng dẫn thực hiện quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện", thay thế hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định số 772/QĐ-BYT. Trải qua gần 5 năm chương trình quản lý sử dụng kháng sinh được hướng dẫn bởi Quyết định số 772/QĐ-BYT và Quyết định số 5631/QĐ-BYT, công tác này tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận những kết quả đáng kể nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Chúng tôi nhận thấy rằng thực trạng trong công tác thực hiện QLSDKS vẫn còn nhiều bất cập và việc triển khai đánh giá các chỉ số vẫn chưa được phổ biến do còn gặp nhiều trở ngại như chưa nắm rõ cách thức đánh giá, phân tích dữ liệu, công tác cộng nghệ thông tin tại bệnh viện chưa phát triển.

Do đó, nhóm nghiên cứu của Bộ môn Quản lý Dược phối hợp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM thực hiện đề tài: “Nâng cao hoạt động quản lý kháng sinh của Sở Y tế TPHCM thông qua việc thiết lập hệ thống quản lý sử dụng kháng sinh tại bệnh viện” nhằm xây dựng và hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí đánh giá sử dụng kháng sinh, mức độ kháng kháng sinh và phát triển phần mềm hỗ trợ đánh giá cho công tác quản lý sử dụng kháng sinh tại bệnh viện.

(1) Tài liệu hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí đánh giá chương trình quản lý sử dụng kháng sinh tại bệnh viện

Tài liệu hướng dẫn về Bộ tiêu chí đánh giá chương trình quản lý sử dụng kháng sinh tại bệnh viện là tài liệu đầu tiên được biên soạn với mục tiêu cung cấp bộ tiêu chí đánh giá đồng bộ, khoa học dựa trên các hướng dẫn cập nhật trên thế giới cho Việt Nam. Đặc biệt, tài liệu tập trung cung cấp hướng dẫn chi tiết cụ thể khả thi cho bệnh viện để ứng dụng trong việc đánh giá chương trình quản lý sử dụng kháng sinh tại cơ sở. Nội dung cụ thể của tài liệu hướng dẫn như sau:

Chương 1. Giới thiệu:

Trình bày bối cảnh của việc ứng dụng các tiêu chí đánh giá chương trình quản lý sử dụng kháng sinh tại bệnh viện về khía cạnh khoa học, pháp lý và thực tế tại Việt Nam, trên thế giới. Từ đó cung cấp góc nhìn tổng quát về tính cấp thiết trong việc áp dụng Bộ tiêu chí tại bệnh viện. 

Chương 2. Bộ tiêu chí cho đánh giá chương trình quản lý sử dụng kháng sinh

Trình bày cơ sở lý thuyết và ý kiến đánh giá của các chuyên gia hoạt động thực tế trong hoạt động quản lý sử dụng kháng sinh. Từ đó phân loại và hình thành Bộ tiêu chí đảm bảo được tính ý nghĩa và khả năng ứng dụng các bệnh viện 

Chương 3. Tiêu chí đo lường số lượng

Trình bày thông tin về các chỉ số bao gồm khái niệm, ưu nhược điểm, cách tính, phương thức trình bày dữ liệu, tử số/mẫu số và một số lưu ý khi áp dụng đối với từng chỉ số số lượng 

Chương 4. Tiêu chí đo lường chất lượng

Trình bày một số nội dung cốt lõi mang tính khái quát về khái niệm và ý nghĩa cho từng chỉ số để đảm bảo được tính ứng dụng theo bối cảnh của bệnh viện và chỉ số đo lường chất lượng. 

Chương 5. Triển khai ứng dụng tại bệnh viện

Hướng dẫn ứng dụng bộ tiêu chí trên thực tế nhằm giúp các bệnh viện xác định các tiêu chí và phương pháp phân tích phù hợp, giúp tối ưu hóa nguồn lực, đồng thời đảm bảo tính khoa học và chất lượng đánh giá hoạt động quản lý sử dụng kháng sinh tại bệnh viện.

Bộ tiêu chí đã tổng hợp các chỉ số quản lý sử dụng kháng sinh dựa trên các tổ chức trên thế giới và văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam (Quyết định số 5631/QĐ-BYT), với mong muốn có thể cung cấp một công cụ ý nghĩa, thiết thực, hỗ trợ bệnh viện trong công tác quản lý sử dụng kháng sinh. Tài liệu này có thể được sử dụng tham khảo trong giảng dạy cho các đối tượng sinh viên ngành Dược chuyên ngành Chăm sóc Dược, học viên sau đại học chuyên ngành Tổ chức Quản lý Dược. Đây cũng là tài liệu tham khảo cho các đơn vị liên quan bao gồm Ban quản lý sử dụng kháng sinh tại các cơ sở y tế từ tuyến trung ương, tuyến tỉnh, đến y tế cơ sở.

(2) Phần mềm hỗ trợ đánh giá công tác quản lý sử dụng kháng sinh tại bệnh viện

Đồng hành cùng sự ra đời của tài liệu hướng dẫn, nhóm nghiên cứu cũng phát triển phần mềm Quản lý sử dụng kháng sinh, một ứng dụng trực tuyến hoàn toàn miễn phí là kết quả của đề tài.

Kết quả hỗ trợ của phần mềm

  • Các chỉ số về hiệu quả của chương trình Quản lý Sử dụng Kháng sinh - đối với sử dụng KS điều trị, được thống kê theo thời gian

  • Kết quả điều trị KS: Số ca dùng KS, Số ca dùng KS điều trị, % số ca mắc có số Đợt nhiễm khuẩn > 1 đợt, % số ca cải thiện khi xuất viện, LOS, LOT, DOT, COT, Chi phí sử dùng KS

  • So sánh LOT/1000, DOT/1000 ngày giường theo các phân nhóm: Độ tuổi (Người lớn/Trẻ em), Nhóm khoa: ICU, Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Nhiễm; Phân nhóm Hoạt chất Kháng sinh

Mục tiêu

  • Đánh giá phần nào Thực trạng sử dụng KS tại BV

  • Đánh giá hiệu quả các can thiệp của chuong trình QLKS

  • Nâng cao chất lượng điều trị kháng sinh

  • Nâng cao chất lượng quản lý bệnh viện tại các tiểu mục C9.4 và C9.6 tại 83 tiêu chí chất lượng BV

  • Việc phân tích, đánh giá không mất nhiều thời gian như trước đây 

Chức năng chính

  • Quản lý danh mục bệnh viên, danh mục dược bệnh viện, danh mục hoạt chất kháng sinh

  • Tra cứu kết quả phân tích chỉ số quản lý sử dụng kháng sinh, thể hiện kết quả các chỉ số quản lý kháng sinh

  • Hệ thống biểu đồ chart có tính tương tác thể thiện kết quả liên quan đến đối tượng mong muốn

  • Tra cứu thông tin liên quan đến các mẫu báo cáo quản lý sử dụng kháng sinh.

  • Xử lý các tính toán và phân tích biểu đồ

  • Báo cáo đặc thù dựa trên dữ liệu có sẵn.

  • Quản trị hệ thống, phân quyền.

  • Nhập, xuất dữ liệu file excel, file pdf

[Link video các tính năng của phần mềm: https://youtu.be/-5MGXvP66iw]

Sự kết hợp của tài liệu hướng dẫn và phần mềm trực tuyến sẽ giúp các bên liên quan có cái nhìn tổng quan về chương trình quản lý kháng sinh, đồng thời có công cụ hỗ trợ để tính toán các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chương trình.

Từ các kết quả đạt được của đề tài: "Nâng cao hoạt động quản lý kháng sinh của Sở Y tế TPHCM thông qua việc thiết lập hệ thống quản lý sử dụng kháng sinh tại bệnh viện” nhóm nghiên cứu hi vọng giải pháp này có thể hỗ trợ các bên liên quan hiểu đúng, từ đó thực thi đúng các tiêu chí đánh giá và nâng cao hiệu quả của chương trình quản lý sử dụng kháng sinh tại bệnh viện. Điều này sẽ đem lại ý nghĩa và giá trị đóng góp tích cực đối với nhiều cơ sở y tế khác nhau từ tuyến trung ương, tuyến tỉnh, đến y tế cơ sở. Từ đó đồng bộ hóa hoạt động chương trình quản lý kháng sinh tại Việt Nam và mang lại lợi ích nhiều nhất cho người bệnh và cho cộng đồng.

 istar.doimoisangtao.vn