Ứng dụng Công nghệ thông tin vào việc đánh giá nhằm thúc đẩy sự phát triển kĩ năng đọc trong môn Tiếng Việt cho học sinh lớp 5
1. Thực trạng:
Phân môn Tập đọc lớp 5 có vai trò, vị trí nhất định trong việc góp phần phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học cho học sinh. Tuy nhiên, hiện nay, việc giảng dạy phân môn này đang bộc lộ những hạn chế sau: (i) Hình thức giảng dạy của giáo viên chưa đa dạng về hình thức, (ii) Việc nhận xét, đánh giá kĩ năng đọc của học sinh chưa minh bạch, công bằng và khách quan, (iii) Thời gian trên lớp để kiểm tra đánh giá bị giới hạn, (iv) Học sinh thường nhàm chán, chưa phấn đấu để tiến bộ trong đọc thành tiếng và đọc hiểu, (v) Học sinh chưa phát huy năng lực tự học trong phân môn Tập đọc. Từ đó tác giả đề xuất ứng dụng một số phần mềm như ClassDojo, Padlet và Plickers để giải quyết các hạn chế nêu trên
2. Nội dung giải pháp
2.1 Sử dụng ứng dụng quản lí lớp học ClassDojo
Với phần mềm này Giáo viên tạo ra các hành vi cụ thể góp phần phát huy hoặc cải thiện kĩ năng đọc của học sinh. Sau đó, giáo viên cho HS thực hiện các hành vi, kĩ năng về đọc và đánh giá trực tiếp học sinh theo thang điểm đã thiết lập sẵn.
Để được điểm thưởng như các bạn, các em sẽ cố gắng giơ tay phát biểu và giáo viên có nhiều cơ hội phát hiện những hạn chế của các em và chỉnh sửa, giúp các em khắc sâu kiến thức, kĩ năng hơn. Từ đó, các em được cải thiện và nâng cao kĩ năng đọc trong môn Tiếng Việt.
2.2 Sử dụng ứng dụng Padlet để trưng bày và đánh giá sản phẩm
Giáo viên vào ứng dụng Padlet.com và tạo ra một bức tường để trưng bày sản phẩm học tập của học sinh. Giáo viên gửi link đến các em học sinh để phụ huynh hỗ trợ đăng sản phẩm học tập lên tường. Sau đó, các em được xem mẫu, học hỏi lẫn nhau và cải thiện về kĩ năng đọc,thực hiện đánh giá bằng các biểu tượng và bình luận đơn giản.
Giáo viên đã thực hiện trưng bày các sản phẩm của học sinh như:
Video clip về đọc đoạn văn.
Video clip về học thuộc lòng.
Video clip trả lời câu hỏi liên quan đến nội dung đoạn văn.
2.3. Sử dụng phần mềm Plickers để đánh giá học sinh trực tiếp trên lớp.
- Sử dụng phần mềm để tạo bộ câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Cụ thể: Giáo viên đã giao nhiệm vụ đọc và tim hiểu bài trước ở nhà cho học sinh qua ứng dụng Padlet, khi lên lớp, sau khi học sinh thảo luận nhóm để tìm hiểu bài xong. Giáo viên sẽ kiểm tra lại bằng cách sử dụng phần mềm Plickers để trình chiếu, học sinh chỉ cần cầm tấm bìa lựa chọn đáp án A, B, C, D. GV dùng điện thoại quét mã trên tấm bìa, xuất đáp án trên màn hình chiếu, học sinh có thể nhanh chóng theo dõi kết quả lựa chọn của bản thân và các bạn trong lớp. Từ đấy, cùng đánh giá kết quả chung một cách rất thuận tiện.
3. Hiệu quả áp dụng giải pháp
- Với ứng dụng ClassDojo cho phép giáo viên tạo ra các hành vi cụ thể để đánh giá trực tiếp kĩ năng học sinh theo thang điểm đã thiết lập sẵn, rõ ràng và tường minh. Chính về thế tạo sự phấn đấu mỗi ngày ở các em ở kĩ năng đọc thành tiếng.
- Với ứng dụng Padlet, Cả phụ huynh và học sinh sẽ nắm bắt được kĩ năng đọc của học sinh, khả năng tự học và tương tác cùng bạn bè của học sinh được phát huy khi đã nắm được tiêu chí ở phần mềm Classdojo. Từ đó, học sinh sẽ tăng tính thi đua và thể hiện bản thân qua việc rèn đọc nhiều hơn.
- Với ứng dụng Plickers: giáo viên và học sinh cùng tổ chức các trò chơi khởi động, củng cố bằng hình thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn, thay vì theo hình thức khác dùng hoa đa năng hoặc bảng con (chỉ có giáo viên quan sát được kết quả mà học sinh lựa chọn). Trong khi sử dụng phần mềm này toàn bộ học sinh sẽ quan sát và theo dõi được kết quả làm việc của tất cả các bạn trong lớp, học sinh được thấy chính câu trả lời của mình. Hạn chế tình trạng học sinh né tránh trả lời câu hỏi.
Sau thời gian học trực tuyến năm học 2021-2022 và gần 3 tháng trong năm học 2022-2023, việc sử dụng biện pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào việc đánh giá, học sinh đã có nhiều cải thiện tích cực kĩ năng đọc trong môn Tiếng Việt lớp 5. Cụ thể
95% HS tích cực quay clip đọc và gửi trên phần mềm.
85% HS tự đánh giá bài đọc của bạn bè trên Padlet thông qua tiêu chí ở ClassDojo, từ đó khắc phục hạn chế của bản thân.
100% HS tích cực sử dụng thẻ từ và mong đợi được sử dụng thêm ở các môn học khác.