Vận dụng mô hình Lớp học đảo ngược vào dạy học nhằm phát triển năng lực tự học cho học sinh lớp 3
ĐẶT VẤN ĐỀ
1. Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tự học ở học sinh tiểu học
Qua một thời gian nghiên cứu và giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018, tôi thấy để hoàn thành tốt chương trình lớp 3 đòi hỏi học sinh phải có ý thức tự học, tự tìm tòi khám phá kiến thức ngoài giờ học. Do đó, việc rèn luyện năng lực tự học cho học sinh thông qua cải tiến phương pháp và hình thức dạy học truyền thống, tìm kiếm những phương pháp mới, hiệu quả là điều cần thiết
Xuất phát từ những lí do trên, với vai trò là giáo viên trực tiếp giảng dạy cho học sinh lớp 3, tôi đã chọn đề tài Sáng kiến kinh nghiệm là “Vận dụng mô hình Lớp học đảo ngược vào dạy học nhằm phát triển năng lực tự học cho học sinh lớp 3” vì tôi thấy Lớp học đảo ngược (Flipped Classroom) là một trong những mô hình dạy học hiện đại đáp ứng được những yêu cầu trên. Mô hình này giúp học sinh học tập hiệu quả hơn, làm chủ quá trình học tập của chính mình.
2. Khái niệm mô hình Lớp học đảo ngược
Mô hình lớp học đảo ngược là phương pháp dạy học tiên tiến bằng cách “đảo ngược” quá trình dạy học so với mô hình dạy học truyền thống. Trong mô hình lớp học đảo ngược, các hoạt động “học ở lớp, làm bài tập ở nhà” (trong mô hình lớp học truyền thống) được chuyển thành các hoạt động tự học ở nhà qua đọc tài liệu, video bài giảng, học trực tuyến, nghiên cứu bài học qua internet và khi đến lớp học sinh sẽ làm bài tập, trao đổi, chia sẻ các nội dung của bài học, giải quyết các vấn đề, tình huống do giáo viên đặt ra. Học sinh sẽ phải làm việc với bài giảng trước thông qua đọc tài liệu, tóm tắt tài liệu, nghe giảng thông qua các phương tiện hỗ trợ như các clip, bản trình chiếu cũng như tìm kiếm, khai thác các tài liệu để phục vụ cho việc nghiên cứu bài học. Qua phương pháp dạy học này, học sinh sẽ được tiếp cận các kiến thức ở nhà. Tự mình trải nghiệm, khám phá, tìm tòi các thông tin liên quan về bài học thay vì vào lớp tiếp thu một cách thụ động từ giáo viên.
Mô hình lớp học đảo ngược
Ưu điểm và hạn chế của mô hình Lớp học đảo ngược
* Ưu điểm:
- Học sinh có nhiều quyền kiểm soát hơn. Các em được tự do học theo tốc độ của mình. Học sinh có thể tạm dừng hoặc tua lại nội dung các bài học, viết ra các câu hỏi mà em cần giải đáp để trao đổi với thầy cô và bạn bè trong lớp.
- Học sinh dễ tiếp cận nội dung bài học. Các em có nhiều thời gian tìm hiểu, đào sâu kiến thức và vận dụng lý thuyết để thực hành nhiều hơn.
- Khuyến khích việc học tập lấy học sinh làm trung tâm và cộng tác.
- Phụ huynh có thể xem các bài giảng của con ở bất kì lúc nào. Điều này giúp phụ huynh hỗ trợ con em mình học tập tốt hơn đồng thời có cái nhìn sâu hơn về chất lượng giảng dạy mà con em mình đang được tiếp nhận.
* Hạn chế:
- Giáo viên cần có nhiều kỹ năng hơn so với lớp học truyền thống và cần có nhiều thời gian chuẩn bị cho tiết học “đảo ngược”.
- Đòi hỏi tính chủ động học tập của học sinh rất cao. Một số học sinh có thể không thích hợp với việc học tập độc lập.
- Học sinh cần có máy tính hoặc điện thoại thông minh và internet tại nhà
- Phụ huynh cần phải phối hợp cùng giáo viên và đồng hành trong quá trình tự học, chuẩn bị bài ở nhà của con em.
3. BIỆN PHÁP THỰC HIỆN
Giai đoạn 1: Trước giờ học trên lớp
Sau khi lựa chọn được bài có nội dung phù hợp để vận dụng Lớp học đảo ngược, tôi thiết kế bài giảng, ghi âm, ghi hình và chia sẻ các tài liệu cho học sinh lên internet như K12online, youtube,… Bước đầu, có thể đảo ngược một số nội dung nào đó trong 1 môn học. Khi giáo viên cũng như học sinh quen dần thì tăng thêm
Bài giảng của tôi trên K12online.
Bên cạnh đó, tôi cũng khai thác thêm các bài giảng trên mạng nếu thấy phù hợp từ kho học liệu số của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học liệu OLM của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội,…
Tham khảo bài giảng từ nhiều nguồn tin cây trên internet.
Giao nhiệm vụ học tập cho học sinh. Học sinh sẽ xem, nghe bài giảng trước khi đến lớp. Các em có thể làm một số bài tập đơn giảng ngay tại nhà dưới sự giúp đỡ của ba mẹ. Học sinh có thể thảo luận với nhau và với giáo viên thông qua zalo, zoom, google meet,…
Học sinh xem bài giảng trước khi đến lớp.
Học sinh trao đổi với cô và bạn qua zoom.
Giáo viên cần gửi video cho học sinh xem trước vài ngày đến khoảng 1 tuần để học sinh có đủ thời gian chuẩn bị
Tạo vài chọn lựa cho học sinh. Ví dụ thay vì xem video, học sinh có thể chọn học qua “game online”…
Tuy nhiên, cần lưu ý là việc dùng video để “đảo ngược” không thay thế việc đọc sách giáo khoa! Đọc sách giáo khoa cũng là 1 phần của “đảo ngược”. Có thể yêu cầu học sinh xem sách giáo khoa trong khi học sinh học qua video. Có thể tham khỏa thêm qua các nguồn tài liệu khác. Mỗi thứ đều có vai trò của nó và cần dùng một cách thích hợp.
Lên kế hoạch giúp học sinh tự học các tiết phụ đạo trong tuần.
Giai đoạn 2: Trong giờ học
Học sinh sẽ thảo luận nhóm, chia sẻ những kiến thức mình đã biết qua phần tự học ở nhà, giải đáp những thắc mắc của bạn thông qua hiểu biết của mình.
Vậy, giáo viên sẽ làm gì trong giờ học trên lớp?
- Giáo viên theo dõi, giúp đỡ, tổ chức trò chơi,…và cuối cùng sẽ cùng học sinh chốt những kiến thức trọng tâm. Giáo viên và học sinh cùng đào sâu, làm bài tập để có thể đạt đến các bậc cao hơn.
- Dạy cá thể hóa
- Dạy phụ đạo, bồi dưỡng học sinh
- Tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh chọn lựa
- Làm việc nhóm; hỗ trợ hướng dẫn nhóm nhỏ
- “Học sinh dạy nhau”
Giai đoạn 3: Sau giờ học
- Giáo viên hỗ trợ, trao đổi, giải đáp thắc mắc của học sinh về nội dung đã học. Đồng thời giáo viên sẽ kiểm tra, đánh giá việc tiếp nhận kiến thức, kỹ năng của học sinh.
- Học sinh thảo luận, trao đổi và thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên giao.
2. Vận dụng kết hợp các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực
Có nhiều phương pháp và kĩ thuật dạy học được sử dụng trong quá trình giảng dạy học sinh như: Kĩ thuật “Khăn trải bàn”, Kĩ thuật “Các mảnh ghép”, Kĩ thuật KWL, phương pháp trò chơi, phương pháp đóng vai,…
Ví dụ: Trong bài “Tự hào truyền thống Việt Nam (tiết 1) môn Đạo đức tôi đã kết hợp vận dụng mô hình Lớp học đảo ngược, kĩ thuật KWL, phương pháp trò chơi, phương pháp làm việc nhóm.
Tôi giao nhiệm vụ cho học sinh về nhà tự học trước thông qua sách, các nguồn trên internet,… dưới sự hỗ trợ của phụ huynh. Đối với bài này, tôi thực hiện “đảo ngược ở cả bài tập 1 và 2.
* Bài tập 1: Kết hợp “đảo ngược” với kĩ thuật KWL, phương pháp thảo luận nhóm và phương pháp trò chơi
Tôi cho học sinh giải thích ý nghĩa của các chữ K-W-L.
Chia học sinh thành nhóm 6, viết vào bảng màu vàng những gì em đã biết, viết câu hỏi thắc mắc của mình cần giải đáp vào bảng màu xanh. Sau khi học sinh thảo luận nhóm và ghi vào các bảng như yêu cầu, lớp trưởng tiến hành điều khiển các nhóm nêu câu hỏi và các nhóm khác sẽ giải đáp câu hỏi cho bạn dựa trên những kiến thức mà em đã tìm được trong quá trình tự học trước ở nhà.
Vận dụng kĩ thuật KWL trong tiết dạy.
Giáo viên chốt kiến thức thông qua trò chơi “Ngôi sao may mắn”.
* Bài tập 2: Kết hợp “đảo ngược” với phương pháp thảo luận nhóm và phương pháp trò chơi
Học sinh tự học và thực hiện bài tập (tô màu vào những bạn nghiêm trang khi chào cờ) trước ở nhà. Khi vào tiết học, các em trao đổi với bạn cùng nhóm về bài tập mà các em đã thực hiện. Thay vì vào lớp mới thực hiện thì giờ đây các em có nhiều thời gian hơn cho việc trao đổi, bàn bạc, phân tích nội dung và những vấn đề liên quan trong tranh để rút ra kiến thức cho bản thân.
Chốt kiến thức thông qua trò chơi “Ai mà ngoan thế!”
Như vậy, qua tiết dạy được kết hợp mô hình Lớp học đảo ngược với phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực tôi thấy học sinh thích thú hơn, tiết học sinh động, học sinh tích cực trao đổi bàn bạc, chủ động hơn trong việc tiêp thu kiến thức. Giáo viên cũng có nhiều thời gian sâu sát các nhóm, các cá nhân để giúp đỡ, hướng dẫn khi cần thiết.
4. KẾT LUẬN
Với việc áp dụng mô hình Lớp học đảo ngược trong giảng dạy nhằm phát triển năng lực tự học cho học sinh, tôi đánh giá cao sự mới mẻ của mô hình và tư duy bản thân cũng đang dần được thay đổi với chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, bản thân cần dành nhiều thời gian để nghiên cứu về mô hình mới mẻ này để có thể vận dụng một cách tốt nhất mang lại hiệu quả cao trong việc giảng dạy và giáo dục.