Nhà sáng chế xứ cà phê và loạt máy nông sản hữu ích
Chiếc máy sấy nông sản, máy tách vỏ cà phê của anh Đặng Văn Bẩy đã giúp bà con ở xã Hòa Ninh (huyện Di Linh, Lâm Đồng) đỡ vất vả hơn mà lại thu về năng suất cao. Anh được xem là tấm gương lao động điển hình của tỉnh.
Sinh ra ở một làng quê nghèo có nghề dệt vải truyền thống tại xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, Đặng Văn Bẩy lớn lên trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Gia đình vốn đông anh em, nhà nghèo nên anh buộc phải bỏ ngang con đường học hành khi đang lớp 4.
Năm 1980, anh Bẩy 15 tuổi đã theo bà con trong làng đi lập nghiệp theo lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước về phát triển vùng kinh tế mới tại huyện Di Linh, Lâm Đồng. Lúc đấy, hoàn cảnh quá nghèo, tuổi đời còn quá trẻ và chuyện học vấn bị dở dang, không có sự lựa chọn nào khác, anh “lân la” đi làm thuê, dần dần tìm đất khai hoang, mở rộng diện tích trồng cà phê. Năm tháng trôi qua, anh lập gia đình và bằng nghị lực của cả hai vợ chồng, cuộc sống của gia đình anh phát triển nhanh, sớm có tích lũy.
Di Linh được biết đến là thủ phủ cà phê ở Nam Tây Nguyên. Mỗi khi đến mùa thu hoạch, nan giải nhất là khâu phơi cà phê. Tìm sân phơi đã cực, lại còn phải… trông trời để tránh mưa, nếu không hạt sẽ bị thâm đen, giảm chất lượng. Trước tình trạng thời tiết mưa nắng thất thường, với niềm đam mê sáng chế, anh Bảy cho ra đời chiếc máy sấy nông sản. Sau 4-5 năm mày mò nghiên cứu chế tạo, đến năm 2014, chiếc máy sấy NK700 đầu tiên thành hình. Tuy nhiên, phải mất thêm nhiều tháng điều chỉnh, máy mới hoạt động ổn định.
Trước đó, từng đi làm thuê tại các lò rèn, gò, hàn, sửa chữa máy… nên anh biết chút ít về nghề này. Anh mua sắt thép về rồi ngày đêm tìm hiểu, chế tạo. Máy cũng phát huy tác dụng nhưng có nhược điểm là sau khi chà, vỏ và nhân cà phê lẫn lộn nên phải tốn công quạt và sàng sảy, tỷ lệ hao hụt cà phê nhân khá cao.
Để khắc phục tình trạng này, anh tìm cách sáng chế máy tách vỏ cà phê. Sau 3 năm, chiếc máy mơ ước của nhà nông đã thành hình. Quá phấn khởi, năm 2000, vợ chồng gom góp hết vốn liếng và vay mượn thêm để mở xưởng cơ khí Toàn Thắng.
Cũng trong thời gian này anh cho ra đời máy chà khô với công suất cao, có hệ thống bảo quản nhân tốt. Anh Đặng Văn Bẩy cho biết: “Sản phẩm máy chà vỏ cà phê Toàn Thắng có ưu thế là công suất cao, tiết kiệm được nguyên liệu chạy máy nổ. Đối với máy chà khô, chất lượng cà phê nhân được đảm bảo, không bị dập bể, thổi sạch vỏ. Còn máy chà tươi, nhân cà phê bị ảnh hưởng không đáng kể. Nhờ vậy, sản phẩm máy chà cà phê Toàn Thắng bán ra được thị trường chấp nhận, bà con nông dân mua nhiều và sản xuất đến đâu được tiêu thụ hết đến đó”.
Những sản phẩm do anh chế tạo, nhiều các thiết bị hỗ trợ sản xuất máy trên thị trường không có, buộc anh Bẩy phải tự mày mò sáng tạo. Để những chiếc máy đầu tiên ra đời, anh Bẩy đã phải dồn rất nhiều suy nghĩ và công sức, tất cả vì mục đích giảm sức lao động của người nông dân. Với những sản phẩm đã thành công, anh Bẩy không dừng lại mà liên tục nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng, công suất của sản phẩm.
Hải Hà/Theo Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo