Kỹ sư Hà Trọng Dũng: Từ 'Vua đồ chơi Việt Nam' tới Nhà sáng chế vì sức khỏe cộng đồng
Kỹ sư Hà Trọng Dũng là một trong những người đầu tiên mang ý tưởng sản xuất đồ chơi trẻ em về Việt Nam. Không chỉ vậy, ông còn cho ra đời sáng chế hữu ích vì sức khỏe cộng đồng, đó là bộ 3 cơ lý trị liệu, được đánh giá là liệu pháp y học mới.
Chuyện ít biết về Ông vua đồ chơi của Việt Nam
Kỹ sư Hà Trọng Dũng sinh năm 1946. Ngay từ nhỏ, ông đã có niềm đam mê đặc biệt với kỹ thuật, sáng chế. Ông từng được giải thưởng trong Cuộc thi tranh vẽ Thiếu nhi Thế giới ở Nhật Bản khi đang học lớp 4. Năm 20 tuổi, ông đã trở thành giáo viên dạy vẽ kỹ thuật tại trường Trung học cơ khí thuộc Bộ cơ khí và luyện kim.
Với tư duy tốt, từ năm 1979 đến năm 1985, ông trở thành một "cây bút" cứng của Tạp chí Khoa học và kỹ thuật quân sự. Đây chính là cơ hội, điều kiện để ông nghiên cứu kỹ thuật các khí tài quân sự, phục vụ cho việc sáng chế ra những sản phẩm hữu ích sau này với nguyên tắc nhanh, mạnh và hiệu quả.
Năm 1988, ông rời quân đội và đi học tiếng Anh khi gần 40 tuổi. Vào thời điểm đó, Tổng cục Dạy nghề tuyển dụng các chuyên gia tiếng Anh, ông Hà Trọng Dũng tham gia kiểm tra và bắt đầu làm phiên dịch tiếng Anh trong lĩnh vực y tế ở Iraq. Tại đây, ông đã trực tiếp tham gia cứu trợ hàng ngàn bệnh nhân, làm việc với hàng trăm y bác sĩ Việt Nam và Iraq tại 12 bệnh viện lớn nhỏ. Chính nhờ điều này mà ông có kiến thức y học sâu sắc, làm tiền đề cho sáng chế phát minh ra Bộ 3 cơ lý trị liệu để phục vụ sức khỏe cộng đồng sau này.
Cũng trong thời gian sống tại Iraq, ông có điều kiện đi thăm thú các bảo tàng lịch sử, nhà thờ và la cà các cửa hàng đồ chơi trẻ em. Vì vậy ông có suy nghĩ khi về Việt Nam nhất định sẽ phải sản xuất đồ chơi trẻ em. Ngay sau khi về nước, năm 1990, ông đã quyết định xin nghỉ hưu non, mở nhà trẻ thực nghiệm tư nhân ngay trong gia đình ở 41 Hàng Đậu, Hà Nội.
Vị kỹ sư già chia sẻ: "Từ năm 1991 - 1994, tôi nuôi thêm hai thợ hàn, mỗi que hàn ngày ấy có giá 2.000 đồng. Ngày đó, tôi vận động gia đình mở nhà trẻ ngay tại gia, các em trực tiếp được chơi những đồ chơi mới sáng chế. Trẻ con chính là nguồn tạo cảm hứng trực tiếp cho tôi nên ít gặp thất bại trong mỗi sản phẩm. Ở các nơi khác, người ta thiết kế đồ chơi theo kiểu mô phỏng nên dễ thất bại".
Chỉ một thời gian ngắn sau, những đồ chơi bằng gỗ được phía công ty và các em học sinh rất chuộng và thích thú như la bàn, xích đu, bập bênh, cầu chui, xà đơn xà kép, con quay gió,... Ông đã tự bỏ tiền thuê thêm thợ hàn để hoàn thiện các mẫu đồ chơi phức tạp hơn.
Đồ chơi của kỹ sư Hà Trọng Dũng nổi tiếng từ đó, ông là một trong số những người đầu tiên có ý tưởng sản xuất đồ chơi ở Việt Nam. Sản phẩm của ông rất đa năng, tuy nhiên, ông luôn chú trọng đến hiệu quả rèn luyện sức khỏe của đồ chơi với trẻ em.
Có nhiều người cho ý tưởng thiết kế đồ chơi và mở nhà trẻ tại gia là gàn dở nhưng với ông, nó thỏa mãn niềm say mê và khả năng thiết kế đồ chơi tài tình của ông. Sau khi đồ chơi được tung ra thị trường và tiêu thụ tốt, đến năm 1998, kỹ sư Hà Trọng Dũng quyết định thuê đất ở khu Hào Nam (Đống Đa, Hà Nội) để thành lập xưởng sản xuất đồ chơi. Cuối năm 1998, nhận lời thiết kế sân chơi Vườn cổ tích của Đài truyền hình Việt Nam, ông đã chế tạo đồ chơi, cây hạt dẻ, đồ dùng liên tiếp trong 5 buổi ghi hình đầu tiên và nhận được rất nhiều sự khen ngợi. Đây cũng là một trong những chương trình giúp kỹ sư Dũng hoàn thiện ý tưởng phát triển đồ chơi cho trẻ từ tiểu học, THCS lên THPT.
Thành công là vậy, nhưng ông Hà Trọng Dũng vẫn luôn băn khoăn không có người kế tục việc làm đồ chơi cho trẻ em. Ông cứ nhắc mãi về sự vô tâm của người lớn với trẻ em khi bắt các em học quá nhiều mà quên mất các em đang ở tuổi ăn, tuổi chơi.
Với kinh nghiệm của một nhà giáo, một nhà báo nên ông rất khéo léo xử lý tình huống, thuyết khách rành rọt, làm nổi bật giá trị của sáng chế, của sản phẩm, đồng thời ghi nhật ký công tác khá đầy đủ, gặp ai, ở đâu, liên lạc thế nào... Nhờ phát triển mạng lưới rộng khắp từ Bắc tới Nam nên đồ chơi của kỹ sư Hà Trọng Dũng sản xuất trở thành quà tặng của đại sứ quán hay tổ chức quốc tế cho trẻ em ở vùng sâu vùng xa, vùng bị thiệt thòi về giáo dục. Ông đã được báo chí trong và ngoài nước mến mộ vinh danh là Ông vua đồ chơi Việt Nam.
Nhà sáng chế vì sức khỏe cộng đồng
Tuy thành công với các sản phẩm đồ chơi trẻ em, nhưng trong ông lúc nào cũng tiếc nuối về những điều chưa làm được. Nên khi đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, ông lại cho ra bộ 3 sáng chế: Cơ lý trị liệu.
Sáng chế đầu tiên trong bộ 3 này chính là "Ghế giường gấp đa năng", từng được Giải thưởng Sáng chế Toàn quốc 2014. Sản phẩm này hiện đang giúp nhiều người già và bị bệnh nặng có thể tự vận động, giảm thiểu yêu cầu trợ giúp.
Ý tưởng tạo ra sản phẩm trên bắt đầu từ năm 1988 khi ông làm phiên dịch trong lĩnh vực y tế tại Iraq. Trong hai năm làm việc tại đây, cứu hàng nghìn bệnh nhân, ông nhận ra cuộc đời con người sẽ phải trải qua thời kỳ sức khỏe tốt và bệnh tật đeo bám khi về già, nhất là căn bệnh mà bệnh nhân phải sống nhiều năm ở bệnh viện.
Năm 2005, kỹ sư Hà Trọng Dũng mới bắt đầu thực hiện ý tưởng tạo sản phẩm chiếc ghế giường đa năng hỗ trợ cho đối tượng ưu tiên là người già bị liệt do tai biến mạch máu não, đột quỵ, tai nạn nửa người, người khó khăn trong sinh hoạt. Thiết bị còn hỗ trợ khả năng luyện tập phục hồi các khớp.
Qua nhiều năm, ông Dũng tiếp tục hoàn thiện sản phẩm. Giờ đây chiếc ghế giường đa năng với 100 tình huống và 12 tư thế chuyển đổi từ ghế sáng giường, không chỉ dùng cho người già bị bệnh, mà còn phục vụ những người khác như trẻ em, phụ nữ có thai, thậm chí người có sức khỏe bình thường vẫn có thể sử dụng chiếc giường để nằm nghỉ, đọc sách, ăn uống.
Đến tháng 5/2018, ông chính thức tiếp tục công bố sáng chế Tay nắm trị liệu, đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp ở Cục Sở hữu trí tuệ và lan tỏa giá trị của sáng chế ra cộng đồng. Không chỉ vậy, ông còn sáng chế ra bàn tập chân trị liệu.
Bộ 3 sáng chế cơ lý trị liệu này của kỹ sư Hà Trọng Dũng được đánh giá cao, giúp chăm sóc sức khỏe cộng đồng, thông qua vận động ngay tại chung cư, bệnh viện và gia đình.
Ông Nguyễn Hữu Cẩn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ từng chia sẻ: "Tôi đã gặp gỡ và tìm hiểu rất nhiều nhà sáng chế nổi tiếng của Việt Nam nhưng có lẽ chưa được gặp ai và bị ấn tượng như găp anh Hà Trọng Dũng, một nhà sáng chế đích thực của Việt Nam. Tôi thực sự ấn tượng và xúc động bởi trí tuệ, lòng đam mê sáng tạo, sự hy sinh bản thân, những sức lực to lớn mà anh đã dành cho các hoạt động sáng tạo suốt hàng chục năm qua và đến tận bây giờ. Tôi vinh dự vì được gặp anh, được học từ anh và hiểu được lý do thúc đẩy động lực sáng tạo của anh. Đó là mang lại lợi ích cho xác hội, cho bất kỳ cá nhân, cộng đồng nào ở Việt Nam và thế giới".
Hương Mi/Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo