Nông dân chế tạo máy làm cám viên giúp giảm 50% chi phí chăn nuôi
Máy làm cám viên cung cấp thức ăn cho thỏ vừa giúp bảo quản thức ăn, dinh dưỡng vừa giúp giảm 50% chi phí chăn nuôi.
Với mong muốn tiết giảm chi phí trong chăn nuôi, một nông dân ở xã Thiện Nghiệp (thành phố Phan Thiết, Bình Thuận) đã chế tạo ra máy làm cám viên tự cung cấp thức ăn cho thỏ. Cám sản xuất từ thiết bị này sử dụng nguyên liệu kết hợp giữa rau cỏ với nguồn cám thô, xoay thành viên, bảo quản lâu ngày vẫn đảm bảo dinh dưỡng.
Có kinh nghiệm nuôi thỏ gần 7 năm, trước đây, cũng như nhiều hộ nông dân khác tại địa phương, anh Tô Thanh Đạt (thôn Thiện Bình, xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết) vẫn sử dụng rau cỏ xung quanh nhà kết hợp với nguồn cám viên mua sẵn về sử dụng làm thức ăn luân phiên cho thỏ.
Qua thời gian, anh nhận thấy việc sử dụng cám viên đóng bao khá tốn chi phí. Trong khi đó, rau, củ, quả… xung quanh nhà thì chỉ có nguồn vào những tháng mưa. Chính vì vậy, anh Đạt nảy ra ý tưởng chế tạo chiếc máy xay cám viên, kết hợp giữa cám thô và rau, củ, quả sẵn có để có thể dự trữ thức ăn lâu hơn.
Sau khi mày mò, tìm hiểu, anh Tô Thanh Đạt tự thiết kế bản vẽ máy làm cám viên. Cấu tạo của máy gồm 3 lưỡi dao gắn vào mô-tơ máy bơm. Các lưỡi dao này có nhiệm vụ băm nhuyễn nguyên liệu, truyền động thông qua một dây cu-roa.
Anh Đạt cũng tự thiết kế hệ thống nạp nguyên liệu thô, ống dẫn nguyên liệu vào guồng máy ra thành phẩm…Toàn bộ chi phí chế tạo chiếc máy làm cám viên cho thỏ ước chừng chỉ 2-3 triệu đồng nhưng hiệu quả mang lại khá lớn.
Anh Đạt chia sẻ: “Trước đây, khi mới thử nghiệm, mình xài bằng máy nổ. Quá trình xài, mình thấy máy nổ không thuận lợi lắm, nên mình mày mò, tìm hiểu rồi đưa máy điện vào chạy. Rồi mình tận dụng xung quanh có sẵn cỏ rau rồi cộng thêm bột bắp, bột mì…cho vào xoay để ra thành cám viên”.
Sử dụng cám viên này, anh chỉ tốn một nửa chi phí so với việc dùng cám bao mua sẵn. Nguyên liệu ban đầu để chế tạo cám gồm 50% rau củ kết hợp 50% nguồn cám thô. Sau khi trộn chung, máy sẽ xay nhuyễn ra thành các viên cám có độ dài 1-2cm. Cám sau khi phơi một thời gian sẽ được bảo quản đến nửa năm, giúp người nuôi chủ động được nguồn thức ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng cho thỏ và hiệu quả hơn cám công nghiệp.
Nói về máy làm cám viên chăn nuôi thỏ của anh Tô Thành Đạt, ông Nguyễn Minh Khoa – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Nghiệp (TP. Phan Thiết) nhận xét: “Anh Tô Minh Đạt cũng là một tổ viên năng nổ của Tổ hợp tác chăn nuôi thỏ Thiện Nghiệp. Anh mày mò tự mua cám, các nguồn thức ăn để về chế biến thêm thành cám viên, rất hiệu quả”.
Với những hiệu quả rõ rệt, cùng với cho phí đầu tư thiết bị không quá cao, Hội Nông dân xã Thiện Nghiệp cho biết thời gian tới có thể giới thiệu chiếc máy này đến các Tổ viên Tổ hợp tác chăn nuôi thỏ của xã, sau đó là có thể nhân rộng ra cho các hộ còn lại trên địa bàn.
Văn Thuận/Theo VOV-TPHCM