Vẽ mắt giả để tránh bị sư tử vồ
Các nhà bảo tồn động vật liên tục làm việc trên nhiều phương diện để giúp động vật hoang dã phát triển, bao gồm bảo vệ môi trường sống, ủng hộ luật chống săn bắn trái phép và góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Họ cũng không quên lưu tâm đến các cách mà động vật hoang dã tương tác với con người - vốn cũng quan trọng không kém. Động vật hoang dã có bản năng đi săn gia súc, do đó để lại những hậu quả không nhỏ tới đời sống của nông dân. Rất may, các nhà nghiên cứu ở Đại học South Wales đã tìm ra giải pháp thông minh để giải quyết xung đột này.
Cùng với Khu bảo tồn động vật ăn thịt Botswana và những người chăn nuôi địa phương, các nhà nghiên cứu đã dành 4 năm để nghiên cứu điều gì sẽ xảy ra nếu họ vẽ vết đen trên lưng gia súc. Kết quả thật đáng ngạc nhiên: những con vật được vẽ “mắt giả” có xác suất sống sót cao hơn nhiều so với những con không có bất kỳ dấu hiệu nào hoặc những con được sơn bằng các dấu chéo đơn giản.
Giải pháp thú vị và sáng tạo này là kết quả trong quá trình quan sát các cách tự vệ của các loài, trong đó có một số loài khi sinh ra đã có vết như mắt giả ở phía sau để đánh lừa thú săn mồi. Sau khi quan sát kỹ lưỡng, các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng sư tử là kẻ săn mồi chính tấn công gia súc.
Những con sư tử này - vốn có tập tính rình rập con mồi để vồ một cách bất ngờ - khi nhìn thấy những con “mắt giả” sẽ nghĩ rằng con mồi đang để ý mình, và do đó sẽ bỏ đi, kết thúc một cuộc tấn công tiềm tàng.
Đó là một phát hiện quan trọng có thể giúp những người nông dân tại những khu vực có hệ sinh thái phức tạp, nơi động vật hoang dã có thể tự do xâm nhập vào đất nông nghiệp và giết hại gia súc.
Nhiều người trong số những nông dân này sau đó đã sử dụng các biện pháp bất hợp pháp để giết động vật hoang dã với danh nghĩa bảo vệ đàn của họ. Bằng cách sử dụng giải pháp đơn giản này, họ có thể cứu động vật của mình mà không gây nguy hiểm cho động vật hoang dã.
Cách làm này hiệu quả đến mức nào? Trong suốt 4 năm nghiên cứu, 2.061 con gia súc được quan sát qua 49 đợt, mỗi đợt kéo dài 24 ngày. Mỗi đàn được chia làm 3 nhóm nhỏ, trong đó một nhóm được vẽ “mắt giả”, một nhóm được đánh dấu chéo, và nhóm còn lại không được đánh dấu. Trong số 683 con gia súc được vẽ mắt, không có con nào chết trong suốt 4 năm. 15 trong số 835 gia súc không sơn đã chết dưới móng vuốt sư tử; con số này ở nhóm đánh dấu chéo là 4.
Tất nhiên chúng ta sẽ cần nhiều nghiên cứu hơn để kiểm chứng giải pháp. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng kết quả có thể khác nếu toàn bộ đàn được sơn. Do đó, họ đề nghị chỉ vẽ lên những cá thể có giá trị nhất trong đàn.
Cũng không loại trừ khả năng sư tử sau quá trình dài sẽ quen dần với những con “mắt giả” và lại tiếp tục tấn công gia súc. Dù thế nào, đây cũng là một kỹ thuật hiệu quả với chi phí thấp để bảo tồn sự toàn vẹn của toàn bộ hệ sinh thái cũng như góp phần giáo dục cộng đồng địa phương về cách con người và động vật có thể sống hòa thuận.
Thái Hiệp (Theo Mymodernmet)