Phục tài “nhà khoa học nông dân” chế máy nông nghiệp “2 trong 1”

Dù chỉ học hết lớp 7, chưa một lần được học qua ngành cơ khí, chế tạo, nhưng bằng đam mê của mình, ông Hà Kim Tới (62 tuổi, trú tại xã Võ Lao, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) đã cho ra đời những chiếc máy phục vụ cho nông nghiệp, cũng như nhận được nhiều giải thưởng, bằng khen danh giá.

Dù đã là ông chủ với hơn 20 công nhân lành nghề, nhưng ông Tới vẫn trực tiếp vào xưởng làm với lý do cho "đỡ buồn chân buồn tay".

Dù đã là ông chủ với hơn 20 công nhân lành nghề, nhưng ông Tới vẫn trực tiếp vào xưởng làm với lý do cho "đỡ buồn chân buồn tay".

Đến xã Võ Lao, hỏi ông Tới “máy nông nghiệp”, hầu như từ người già đến trẻ nhỏ cũng đều biết và chỉ dẫn đến tận nhà. Không phải nơi đây còn hẻo lánh hay dân cư ít mà vì từ lâu ông Hà Kim Tới đã nổi danh khắp vùng với tên gọi “nhà khoa học nông dân”. Với người dân nơi đây, ông Tới như một tấm gương sáng để mọi người học tập về sự cố gắng, đam mê, ham học hỏi.

Bên trong khu xưởng rộng hàng trăm mét vuông, với hơn 20 người đang hăng say làm việc bên máy cắt, máy hàn, máy dập khuân, cùng ngổn ngang những phôi thép và những chiếc máy nông nghiệp đã hoàn thiện, chúng tôi không nhận ra đâu là “ông chủ” Hà Kim Tới. Chỉ đến khi chúng tôi lại gần một cậu thanh niên để hỏi thì mới biết được người đàn ông đã luống tuổi đang cặm cụi bên chiếc máy cắt cỡ lớn ở chính giữa khu xưởng là người mình cần tìm.

Tiến lại gần, chúng tôi giới thiệu mục đích tìm đến đây, ông Tới chỉ cười hiền, giọng ngại ngùng: “Thợ ở đây cũng lành nghề hết rồi, nhưng ngồi không để chỉ đạo cũng buồn chân, buồn tay nên tôi cũng tham gia làm cùng với anh em luôn”.

Nói dứt câu chuyện, ông tắt máy, đứng dậy rồi mời khách lên nhà uống nước. Trong khi chờ ông đi rửa tay, thay quần áo, chúng tôi nhìn quanh phòng khách thì thấy treo đầy những Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Danh hiệu nông dân Việt Nam xuất sắc, giải thưởng Nhân tài Đất Việt cùng nhiều Bằng khen của UBND tỉnh Phú Thọ và các Bộ ngành Trung ương.

Với chiếc máy "2 trong 1" của mình, ông Tới vinh dự được nhận giải Nhân tài Đất Việt năm 2019.

Với chiếc máy "2 trong 1" của mình, ông Tới vinh dự được nhận giải Nhân tài Đất Việt năm 2019.

Bên chén trà nóng đậm đặc, nghe “nhà khoa học nông dân” Hà Kim Tới chia sẻ về quá trình ấp ủ, nghiên cứu và chế tạo máy nông nghiệp, chúng tôi như bị “thôi miên” khi lạc vào câu chuyện mà ông kể.

Ông Tới sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở xã Võ Lao, bao quanh chỉ là vùng trồng sắn. Chưa học hết lớp 7, như bao bạn cùng trang lứa khác ở đây, ông đành phải gác sách vở lại để cùng làm đồng ruộng với gia đình.

“Võ Lao là nơi đất khô cằn nghèo khó, chỉ cây sắn là có thể phát triển và được xem là “cây chủ lực” ở đây. Chứng kiến gia đình và bà con vất vả mỗi mùa thu hoạch phải dùng tay hoặc dao thái nạo thủ công mất thời gian mà hiệu quả không cao, trong tôi luôn ấp ủ ý định sẽ chế tạo ra một chiếc máy nào đó để giải phóng sức lao động cho chính mình và những nông dân khác. Nghĩ là vậy, nhưng phải đến năm 1998, khi vợ con đã đầy đủ, tôi mới bắt tay vào nghiên cứu”, ông Tới cho biết.

Cũng theo ông Tới, suốt 10 năm, ông phải thức khuya dậy sớm cặm cụi nghiên cứu thử nghiệm, sức khỏe giảm sút, cả “núi” tiền không cánh mà bay khi hết lần này đến lần khác thất bại. Đến năm 2008, chiếc máy ruôi (nạo/thái) bằng tay mới được hoàn thiện.

“Chiếc máy ruôi quay bằng tay của tôi ra đời đã đem lại năng suất làm việc cao hơn gần 10 lần so với phương pháp nạo sắn bình thường. Tuy nhiên, trong thâm tâm tôi vẫn chưa hài lòng về cái năng suất ấy, cũng như thiết bị này vẫn cần người nạo vỏ và chất lượng sắn không cao. Do đó tôi quyết định nghiên cứu tiếp để hoàn thiện chiếc máy”, ông Tới tâm sự.

Mỗi sản phẩm hoàn thành, ông đều kiểm tra lại một cách kỹ lưỡng trước khi giao cho khách hàng.

Mỗi sản phẩm hoàn thành, ông đều kiểm tra lại một cách kỹ lưỡng trước khi giao cho khách hàng.

Nghĩ là làm, ông bắt tay ngay vào việc nghiên cứu khi mua sách cơ khí về nghiên cứu, phác thảo bản vẽ, nguyên lý hoạt động, đến các xưởng cơ khí xem cách gò hàn rồi về nhà thực nghiệm. Sau một vài lần phải chỉnh sửa những lỗi do bất hợp lý, cuối cùng máy ruôi sắn TS08 cũng ra đời.

“Máy có cấu tạo đơn giản, gồm khung giá đỡ, mô tơ điện, phễu cấp liệu và lưỡi cắt với hai loại thái sợi và thái lát. Người dùng chỉ cần cho sắn củ vào phễu cấp liệu, máy sẽ tự động hút củ vào lưỡi ruôi nên rất an toàn trong vận hành”, ông Tới cho biết.

Theo tìm hiểu, máy ruôi sắn TS08 là thiết bị cơ khí chưa từng được chế tạo ở Việt Nam. Đặc biệt, máy có thể tách được vỏ, chỉ bớt lại các phần hữu ích của củ sắn và củ sắn được ruôi triệt để. Thao tác vận hành thiết bị đơn giản, an toàn, chỉ cần một người vận hành máy, không gây ô nhiễm môi trường. Không những thế, thiết bị gọn nhẹ, dễ di chuyển, lắp đặt ngay tại các nương, đồi sắn.

Không dừng lại ở chiếc máy ruôi sắn TS08, ông Tới tiếp tục nghiên cứu các loại máy nông nghiệp khác.

Không dừng lại ở chiếc máy ruôi sắn TS08, ông Tới tiếp tục nghiên cứu các loại máy nông nghiệp khác.

Ngoài ra, chiếc máy ruôi sắn TS08 so với bàn nạo quay bằng tay đã cho năng suất cao gấp 10 lần và khi ruôi 60 - 70 tạ củ sẽ giảm được 10 công cạo vỏ. Theo tính toán, nếu ruôi 1 tấn củ sắn tươi bằng máy ruôi TS08 thì chi phí chỉ mất 23.500 đồng, còn bàn ruôi sắn quay bằng tay hết 253.000 đồng, bàn ruôi thủ công chi phí mất 503.000 đồng.

Hiện tại, ngoài công việc tiếp tục nghiên cứu cho ra đời những sáng chế khác, ông Tới còn mở 1 xưởng cơ khí tại nhà, tạo việc làm cho 20 – 25 lao động tại địa phương có thu nhập ổn định từ 5 triệu đồng/tháng/người.

Ngô Hùng/Theo Dân Việt