Cô gái Đồng Tháp thành công với sáng chế từ phụ phẩm nông nghiệp
Trăn trở khi nhiều phụ phẩm nông nghiệp bị bỏ uổng phí, cựu sinh viên Đoàn Ngọc Minh Thùy (29 tuổi), Khoa Công nghệ sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đã nghiên cứu li trích tinh dầu từ những thứ được xem là rác thải trong nông nghiệp để sản xuất thành công hơn 70 loại tinh dầu mang mùi hương tự nhiên, an toàn cho người tiêu dùng.
Thùy sinh ra và lớn lên ở phường An Thạnh, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp), giáp biên giới Campuchia. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2012, cô từ bỏ nhiều cơ hội việc làm nơi thành phố lớn, trở về quê hương với suy nghĩ tìm kiếm cơ hội, ý tưởng để “làm sao vùng quê nghèo miền biên giới của mình có cuộc sống tốt hơn, kinh tế được cải thiện hơn”.
Trong một lần đi thăm trang trại quýt hồng Lai Vung, một loại trái cây đặc sản của vùng Đồng Tháp, Thùy thấy có đến một nửa số cây quýt khi thu hoạch bị tỉa bỏ để dồn cho những trái có chất lượng tốt hơn. Với những hiểu biết học hỏi được từ phòng thí nghiệm trong những ngày còn ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Thùy chợt nảy ra ý tưởng có thể tận dụng những nguyên liệu thừa này để tạo ra những mùi hương tự nhiên. Điều này có thể giúp tăng thêm thu nhập cho nông dân, đồng thời, tạo dựng một thương hiệu mới của Đồng Tháp về tinh dầu.
“Xắn tay áo” vào công việc nghiên cứu, với những kinh nghiệm tích lũy được từ thời sinh viên, Thùy đưa ra một quy trình sản xuất kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong sản xuất tinh dầu thiên nhiên. Với mỗi trái quýt, cam, bưởi, Thùy tiến hành li trích tinh dầu bằng phương pháp “lôi cuốn hơi nước” truyền thống. Sau đó, tinh dầu được làm sạch bằng công nghệ “chưng cất phân đoạn” với hệ thống máy móc mà Thùy “đặt hàng” từ các doanh nghiệp trong nước. Điều này đảm bảo loại bỏ hoàn toàn các tạp chất và thu được tinh dầu tinh khiết.
Sản phẩm của Thùy đã được kiểm nghiệm tại Viện Pasteur. Từng mẫu tinh dầu đều được phân tích sắc ký GCMS, tức là phân tích thành phần trong tinh dầu hoàn toàn an toàn cho người sử dụng và không có tạp chất.
Tháng 11/2016, sản phẩm của Thùy lọt vào vòng chung kết Cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp toàn quốc do Trung tâm nghiên cứu, hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp tổ chức. Theo đó, Dự án xây dựng vườn nguyên liệu hương Đồng Tháp đã phát triển mạnh, tạo đà để cô gái 9X này thành lập Công ty TNHH Tinh dầu Hương Đồng Tháp.
Dự án được tham gia chương trình “Phiên chợ xanh tử tế”. Cũng chính tại phiên chợ này, Thùy gặp gỡ những khách hàng đầu tiên và có cơ hội được học hỏi, hợp tác với những doanh nghiệp khác cùng chí hướng.
Tuy nhiên, “những sản phẩm của mình đều điều chế từ các phụ phẩm nông nghiệp nên nhiều người bày tỏ hoài nghi về chất lượng sản phẩm”, Thùy chia sẻ. Do đó, Thùy đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp đưa nhiều sản phẩm cùng một lúc để khách hàng lựa chọn với giá cả ưu đãi. Đồng thời, Thùy cũng sẵn sàng giới thiệu cho khách hàng những sản phẩm khác trong mạng lưới các đối tác của mình nếu khách hàng quan tâm, với kỳ vọng các doanh nghiệp hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.
Từ những thành quả đầu tiên với tinh dầu quýt hồng Lai Vung, Thùy tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất nhiều loại tinh dầu từ các loại thực vật khác như: vỏ bưởi, lá tràm, gạo sen, lá hương thảo, lá bạc hà, lá sả Java, lá sả chanh…
Đến nay, doanh nghiệp của Đoàn Ngọc Minh Thùy đã sản xuất khoảng 70 loại tinh dầu, mỗi loại mang một mùi hương khác nhau. Các sản phẩm tinh dầu thiên nhiên mang thương hiệu “Hương Đồng Tháp” đã có mặt tại hàng trăm cửa hàng tiện lợi, các trung tâm chăm sóc sức khỏe, bệnh viện ở TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng…
Bên cạnh đó, “Hương Đồng Tháp” cũng thường xuyên có mặt tại các hội nghị, triển lãm, hội chợ trong và ngoài nước. Đoàn Ngọc Minh Thùy chia sẻ, cô đang có kế hoạch đưa sản phẩm của mình ra khắp thế giới để mỗi người dân khi sử dụng tinh dầu sẽ biết đến Việt Nam nhiều hơn.
HỒNG PHÚC/Theo Dân tộc & Phát triển