Máy lọc nước bằng cùi ngô của nữ sinh 13 tuổi đạt giải thưởng khoa học của Google

Một nữ sinh 13 tuổi thuộc bang Odisha, miền Đông Ấn Độ, đã phát minh ra máy lọc nước bằng cùi ngô giá rẻ. Phát minh của em - Lalita Prasida Sripada Srisai – đã đạt giải thưởng danh giá tại hội chợ khoa học của Google.

lalita4.jpg

Ý tưởng cơ bản của Lalita là sử dụng bộ phận thường bị bỏ đi của cây ngô – cùi ngô – để chế ra một loại máy lọc nước giá rẻ có khả năng hấp thụ sinh học.

Cùi ngô là một chất thải quan trọng trong nông nghiệp vì độ bền cơ học cao, cứng và có nhiều lỗ. Nhờ những đặc điểm này, các chất ô nhiễm trong nước như oxit muối, chất tẩy rửa, bụi bặm, chất nhuộm màu, dầu mỡ đều bị giữ lại trên bề mặt của cùi ngô.

Nếu đường ống nước thải của các hộ gia đình được nối với một bể có nhiều lớp cùi ngô khác nhau, bể này có thể tách được hơn 70 – 80% chất bẩn trong nước.

Các lớp cùi ngô khác nhau trong buồng lọc nước bao gồm: cùi ngô, cùi ngô miếng nhỏ, bột cùi ngô, than hoạt tính làm từ cùi ngô, và lớp cuối cùng là cát sạch.

Đây là một loại máy lọc nước chi phí thấp và thân thiện với môi trường. Không chỉ vậy, ý tưởng này còn mở ra một thị trường mới cho cùi ngô – loại vật liệu thường bị vứt đi trong nông nghiệp.

Lalita đã tiến hành thí nghiệm bằng cách thu cùi ngô từ trang trại gần nhà, phơi dưới nắng Mặt Trời trong vòng một tháng. Cô bỏ đi phần lõi trắng ở giữa của một bắp cùi ngô để tạo thành một lỗ cho nước chảy qua. Kết quả là 50 ml nước thải sinh hoạt từ đường ống của hộ gia đình đã được lọc sạch. Phần nước lọc được đã được kiểm tra về độ tinh khiết.

Thí nghiệm tiếp theo là cho nước nhiễm chất độc hóa học chạy qua 5 lớp cùi ngô khác nhau để lọc. Kết quả quan sát được cho thấy hầu hết những chất có màu trong nước đều bị hấp thụ lại ở tầng than hoạt tính làm từ cùi ngô.

Các hạt bụi bặm đều bị giữ lại ở lớp cùi ngô miếng lớn và miếng nhỏ. Và các chất thải xăng dầu đều được tách ra ở tầng bột cùi ngô. Theo cô Pallabi Mahapatro, giáo viên của Lalita, kỹ thuật lọc nước này có thể sử dụng để loại bỏ các chất thải công nghiệp, làm sạch ao hồ, và bể chứa nước.

Phát minh của Lalita đã đạt giải “Community Impact Award” (Giải thưởng ảnh hưởng cộng đồng) và khoản tiền thưởng 10.000 đô la Mỹ tại Hội chợ Khoa Học Google (Google Science Fair) diễn ra tại California. Cô sẽ được hỗ trợ về nhiều mặt trong vòng một năm để thực hiện dự án của mình.

CPe7IMkW8AACddS.jpg

Google Science Fair là một sự kiện trực tuyến toàn cầu bắt đầu tổ chức từ năm 2011, nhằm tôn vinh những giả thuyết, ý tưởng và thí nghiệm của tất cả những học sinh từ 13 – 18 tuổi trên toàn thế giới.

Người tham gia phải có kết nối internet, tài khoản Google và kết quả dự án phải được trình bày bằng tiếng Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha hoặc tiếng Nga. Sự kiện được tài trợ bởi Google, Lego, Virgin Galactic, National Geographic and Scientific American.

Niên Hồ