Anh nông dân đam mê sáng tạo công cụ sản xuất nông nghiệp

Xuất thân là một nông dân, từ nhỏ đến nay cuộc sống gia đình anh luôn gắn bó với ruộng đồng ở ấp Béc Hen Lớn, xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Vì thế, công việc lao động ruộng đồng cực nhọc đối với anh Lê Văn Khanh không có gì xa lạ.

image001934D255.jpg

Với niềm đam mê làm sao chế tạo ra những công cụ lao động phục vụ trong sản xuất nông nghiệp, nhằm giảm bớt sức lao động nặng nhọc của người nông dân khi đến mùa cày, cấy và tính ham học hỏi những điều mới lạ, đặc biệt là trong lĩnh vực chế biến ra các loại công cụ, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Và trải qua nhiều công đoạn tìm tòi, học hỏi, sáng tạo, chế biến, lắp ráp…Anh Khanh đã thành công trong việc chế tạo ra một công cụ cấy lúa không cần dùng động cơ máy nổ nhưng có năng suất cao gấp 3 lần so với cách cấy lúa truyền thống ở địa phương.

Với bản tính ham học hỏi những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, anh thường tiếp cận với những thông tin có liên quan đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Qua sách báo và các phương tiện truyền thông, anh thường xuyên suy nghĩ, tìm cách chế tạo ra một công cụ cấy lúa để giúp cho người nông dân giảm bớt sức lao động trong những ngày mùa.

Tháng 3 năm 2016, anh đã sáng tạo thành công ra một công cụ cấy lúa thủ công và đưa ra đồng thử nghiệm thì thành công như ý muốn với phương pháp dùng sức người điều khiển công cụ cấy lúa đi thành hàng thẳng tắp, mỗi lần cấy được 4 bụi.

Tuy nhiên, chưa dừng lại với kết quả đó và qua góp ý của những người nông dân địa phương, anh tiếp tục nghiên cứu và nâng cấp công cụ. Đến nay thì công suất của công cụ cấy lúa đã được nâng lên với mỗi lần thao tác, di chuyển đã cấy được 6 bụi lúa thẳng hàng, không ngã đỗ và so với lao động cấy lúa truyền thống thì năng suất đã nâng lên gấp 3 lần.

Cụ thể là nếu sử dụng công cụ cấy lúa nầy thì với mảnh ruộng có diện tích 1.000m2, anh chỉ thao tác trong vòng gần 3 giờ là cấy xong mãnh ruộng. Nếu một người cấy theo kiểu truyền thống thì gần 8 giờ mới xong.

Trao đổi với chúng tôi, anh Khanh cho biết: Do đồng ruộng ở địa phương thuộc vùng đất trũng, sâu, đất mềm và nhão, nên các vụ mùa trước đây có một số nông dân đã đưa máy cấy vào sử dụng, nhưng không đạt kết quả vì khi vận hành thì bị lún, máy không cơ động được và cũng không thể cấy đúng hàng được.

Riêng với công cụ cấy lúa do anh sáng chế thì rất phù hợp với vùng đất trũng, sâu, hiệu suất cấy lúa rất bảo đảm. Ngoài ra, chỉ với 4 kg hoặc 6 kg lúa giống (giống Nàng hoa chín hoặc giống RVT) sau khi gieo mạ 12 ngày thì có thể mang đi cấy được một công đất (1.300m2) và với phương pháp cấy lúa này đã giảm rất nhiều chi phí như:

Lúa giống, ngày công lao động dặm lúa, thuốc bảo vệ thực vật…Đặc biệt là với phương pháp cấy lúa này, năng suất đạt gần 1 tấn trên 1.000m2, so với phương pháp xạ lúa truyền thống, chi phí đầu tư luôn cao hơn và năng suất lại giảm hơn gần 100 kg/1.000m2.

Điều làm anh trăn trở hiện nay là do không có kinh phí nên việc sáng tạo của anh tạm dừng lại ở kết quả này. Nếu được cơ quan chức năng hỗ trợ đầu tư cho vay vốn thì anh sẽ tiếp tục nghiên cứu sáng tạo công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp một cách tốt hơn, góp phần tạo ra những sản phẩm có nhiều tính năng, công dụng hữu ích hơn.

Ngô Minh - Hội nông dân Việt Nam

TinQuântin tức, sáng chế