Tài xế Ấn Độ nhận giải thưởng vì không bấm còi xe trong suốt 18 năm
Một tài xế Ấn Độ đã nhận được giải thưởng Manush Mela vì đã không bấm còi một lần nào trong suốt 18 năm qua. Ấn Độ vốn nổi tiếng là một quốc gia đông đúc, nơi các tài xế luôn phải dùng còi xe để xin đường. Nhưng với Dipak Das, một lái xe ở Kolkata, ông tin rằng Ấn Độ có thể thay đổi điều này và đường phố rồi sẽ được trả lại vẻ đẹp yên tĩnh của nó.
Còi xe là thứ ‘đặc sản’ không thể thiếu trên đường phố Ấn Độ, vì người ta sử dụng chúng nhiều hơn việc nhìn qua gương chiếu hậu. Một số xe thậm chí không có gương, trong khi một số khác lại xếp gương lại để tránh va chạm với xe khác.
Thay vào đó, các tài xế Ấn Độ không ngừng bấm còi trên những con đường đông đúc đến mức tai nạn có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Điều này gây ra ô nhiễm tiếng ồn, cản trở sự phát triển của xã hội.
Một tài xế mang tên Vijay Agarwal cho biết: “Mọi người cần phải biết sự trầm trọng của vấn đề ô nhiễm tiếng ồn hiện nay,” trong khi hầu như tất cả những người lái xe đều thiếu kiên nhẫn.
Tuy nhiên Dipak Das không nằm trong số đông đó. Ông đã làm tài xế cho nhiều người nổi tiếng, chẳng hạn như Pandit Tanmoy Bose hay tay guitar Kunal, và tất cả họ đều đánh giá cao nỗ lực giảm ô nhiễm tiếng ồn của ông.
Das cam kết không bấm còi khi lưu thông trên đường và hy vọng rằng hành vi của ông sẽ giúp truyền cảm hứng cho các tay lái khác. Ông đã không bấm còi trong suốt 18 năm, và ông mong những người khác cũng sẽ như vậy.
"Tôi nghĩ nếu các tài xế tuân thủ quy định không bấm còi, họ sẽ trở nên cảnh giác hơn trong khi lái xe. Nếu người lái xe có cảm giác về không gian, tốc độ, và thời gian, họ không cần dùng đến còi xe", ông nói.
Khi hành khách yêu cầu ông bấm còi, ông lịch sự từ chối và nói với họ rằng đó không phải là giải pháp. Trên chiếc xe của ông có dán một tấm áp phích nhỏ kèm câu nói, "Còi xe chỉ là một khái niệm. Tôi quan tâm nhiều hơn đến trái tim của bạn.”
“Đó không phải là một điều gì đó khó thực hiện được. Những gì chúng ta cần là cách quản lý và nỗ lực của chính quyền,” Das nói.
Giải thưởng Manush Mela tôn vinh những công dân có những giải pháp độc đáo và hữu ích cho xã hội. Supida Sarker, một trong những thành viên của ban tổ chức giải năm nay, nói rằng Das rất được mọi người yêu mến, nên chuyện ông nhận được giải cũng là điều dễ hiểu.
Hiệp (Theo odditycentral)