Hòa tấu bằng những nhạc cụ hỏng
Vừa qua, 400 nhạc công ở Philadelphia đã cùng nhau tấu lên những giai điệu du dương tại chương trình Symphony for a Broken Orchestra. Nhưng những âm thanh tại đây không giống như những gì bạn thường nghe tại các buổi hòa nhạc, bởi tất cả nhạc cụ được sử dụng đều là đồ hỏng.
Đây là ý tưởng của David Lang, nhà soạn nhạc từng nhận giải Grammy. Buổi hòa nhạc thể hiện sự thiếu thốn tài chính tại khu trường học ở Philadelphia.
Trong chương trình, 400 nhạc sĩ từ 8 tới 83 tuổi sẽ chơi những tác phẩm của ông bằng các nhạc cụ gãy, hỏng. Hơn 1,500 nhạc cụ này là những đồ gãy, hỏng không có kinh phí sửa chữa ở khu trường học của Philadelphia.
“1.500 nhạc cụ gãy, điều đó có nghĩa 1.500 trẻ em mất đi cơ hội chơi nhạc và thay đổi cuộc đời mình,” Lang nói. “Không gì đau đớn hơn sự thật đó.”
Ý tưởng của Lang đến vào năm ngoái khi Robert Blackson - giám đốc bảo tàng nghệ thuật Temple Contemporary thuộc Đại học Temple - đến thăm một ngôi trường ở phía nam Philadelphia. Tại đây ông phát hiện những chiếc dương cầm hỏng bị bỏ trong phòng thể thao.Ông nảy ra ý tưởng sửa đàn và giúp nó hoạt động trở lại.
“Đó chỉ là bề nổi của tảng băng,” Blackson nói. “Tôi nghĩ rằng: nếu có quá nhiều đàn hư như vậy ở đây, con số ở ngoài kia là bao nhiêu?”
Blackson đã chụp hình từng nhạc cụ và đăng tải lên trang web “Adopt an Instrument”, nơi mọi người có thể bỏ ra tối thiểu 50 USD để tài trợ việc sửa chữa nhạc cụ. Sau khi sửa xong, chúng sẽ được trả về trường, phục vụ việc giảng dạy cho học sinh.
Cho đến nay, 500 nhạc cụ đã được sửa nhờ sự giúp đỡ của mọi người. Theo Blackson, họ đã gây quỹ lên đến 280.000 USD. Số tiền này sẽ là nguồn kinh phí đáng kể cho hệ thống trường học ở Philadelphia “để họ luôn có khả năng sửa chữa nhạc cụ,” Blackson nói.
Một nhạc cụ bị hỏng chắc chắn sẽ không thể ‘êm tai’ như nhạc cụ mới. Mặc dù vậy, Lang đã vận dụng tài tình các âm thanh ‘vỡ’ đó để tạo nên một bản nhạc du dương. “Mục tiêu cuối cùng không phải là một bài hát hay,” Lang nói, “mà là để gây quỹ tu sửa nhạc cụ và trả nó về tay của các học sinh.”
Ngay cả cách chơi các nhạc cụ hỏng này cũng rất khác bình thường. Ví dụ như các nhạc công chơi công-tra-bát gãy sẽ để ở bên cạnh và gõ lên bằng dùi trống.
“Không phải nhạc cụ nào cũng sẽ được chơi như cách thông thường, nhưng chúng vẫn phát ra âm thanh tuyệt hay,” Lang nói. “Đó thật sự là phép màu khi mỗi người tìm ra một cách khác nhau để chơi nhạc cụ.”
Bên cạnh việc sửa đàn, nhóm dự án cũng lắp đặt các bộ sửa nhạc cụ tại từng trường học để sửa chữa các hư tổn nhỏ. “Tại đất nước này, chúng ta không có đủ tiền để sửa đồ đạc hay tiếp tục những di sản mà chúng ta được thừa hưởng. Chúng tôi dùng âm nhạc để hàn gắn cộng đồng.” ông Lang nói.
Hiệp (Theo Theguardian)