Kỹ sư "nông dân" và chiếc máy ép gạch

Mặc dù gặp không ít khó khăn về kiến thức, về cơ sở vật chất, về thói quen của người dân trong việc sử dụng gạch nung truyền thống làm vật liệu xây dựng… song, những trăn trở khi đất canh tác của người nông dân đang dần bị băm nát bởi các lò gạch nung thủ công; môi trường đang ngày càng bị đe dọa do ô nhiễm từ khói bụi của các lò gạch lại càng thôi thúc ông Hồ Văn Hoàn ở xóm 6, Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) tìm tòi, nghiên cứu. Và một sản phẩm mới sản xuất gạch xây không nung đã được ông chế tác thành công, đang được nhiều cá nhân, tổ chức sử dụng.


Về Quỳnh Lưu một ngày nắng gắt, qua Thị trấn Giát, trước mắtchúng tôi là vô số các cơ sở đúc gạch táp lô mà người dân địa phương thường gọi là "sò", giới khoa học gọi là gạch không nung. Gạch không nung được bà con phơi trắng hai bên Quốc lộ 1A.

Không chỉ sản xuất, người dân nơi đây đã sử dụng sản phẩm này rất thông dụng, từ xây bờ rào, đến xây nhà tầng. Nhiều công trình đang được xây dựng từ loại gạch này.
 
Chỉ với 40-50 triệu đồng là có thể sở hữu một máy để sản xuất gạch không nung công suất 5-6 ngàn viên/ca (1 ca tương đương 1 ngày công). Công nghệ đó, về Quỳnh Văn không ai không biết “tác giả” là kỹ sư nông dân Hồ Văn Hoàn (SN 1960) ở xóm 6, Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) chủ doanh nghiệp tư nhân Hồ Hoàn Cầu.

Cũng như bao miền quê khác, người dân không còn lạ cảnh đào đất ruộng, qua nhào nặn rồi nung đốt khiến khói bay mù mịt. Cùng với gạch ra đời là môi trường bị đe dọa, đất ruộng không ngừng bị đào bới.

Vì thế, nếu dùng đất nung sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất canh tác và vấn đề an ninh lương thực. Ngoài ra, gạch nung cần lượng củi đốt đáng kể, phải dùng lượng than hóa thạch khổng lồ dẫn tới nạn chặt phá rừng, làm mất cân bằng sinh thái.

Nhận thức được bất cập đó, ông Hồ Văn Hoàn, kỹ sư cơ khí có nhiều năm kinh nghiệm trong đúc gang, chế tạo máy móc đã trăn trở nghiên cứu, chế tác thành công máy sản xuất gạch không nung.

Ông Hoàn tâm sự: Gia đình chúng tôi làm nghề cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp nông thôn từ năm 1990. Trong thời gian gần 20 năm nghiên cứu, thiết kế và sản xuất, sửa chữa các loại máy móc, thiết bị, nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Năm 2004 khi tìm hiểu thị trường xây dựng, tôi thấy nhu cầu vật liệu trong nông thôn rất lớn, trong khi đó, sản phẩm gạch nung ảnh hưởng lớn tới môi trường sống nên tôi đã nghiên cứu chế tạo dây chuyền sản xuất gạch ép xi măng (máy đúc sò táp lô).

Từ công suất ban đầu 2000 viên/ca nay cải tiến đạt công suất 6.000 viên/ca. Từ máy ép bằng cơ học nay chuyển sang máy ép tự động. Đây là dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng giá rẻ: nguyên liệu là bột đá, cát sỏi, đá 0,5; đá 1x2 cùng với xi măng qua máy nhào trộn thành hỗn hợp, đóng ép trong 2 đến 3 ngày là sử dụng xây dựng được ngay.
 
Trưởng phòng Công thương – UBND huyện Quỳnh Lưu nhận xét: Sản phẩm máy ép gạch không nung của doanh nghiệp Hồ Hoàn Cầu đã góp phần làm sạch môi trường, phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước cũng như thế giới; tiện lợi cho người sử dụng, đem lại hiệu quả kinh tế cao giúp xóa đói, giảm nghèo cho vùng sâu, vùng xa, vùng núi nhờ việc dùng nguyên liệu tại chỗ ép thành gạch.

Ngoài ra, do khôngphải qua khâu nung đốt mà công nghệ giúp tiết kiệm năng lượng, không gây ô nhiễm môi trường; làm sạch môi trường (tận dụng nguyên liệu là phế thải rắn trong công nghiệp).

Song song với những hiệu quả về xã hội là hiệu quả về kinh tế: giá thành rẻ, vốn đầu tư thấp, thiết bị dây chuyền gọn nhẹ, nhà xưởng đơn giản, tiết kiệm vận chuyển do sản xuất tại chỗ… Cái hay nữa của máy ép gạch này là từ hộ cá nhân đến tổ chức đều có thể đầu tư sản xuất được.
 
Do tính phổ cập cao tháng 5/2010 ông Hồ Văn Hoàn được Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam mời tham dự Hội thảo quốc tế về vật liệu không nung tại Thủ đô Hà Nội.

Nhờ tính năng ưu việt của dây chuyền, hiện nay nhiều khách hàng ở các tỉnh, thành khác đã tìm đến đặt mua, sử dụng. Không những thế, dây chuyền sản xuất gạch của doanh nghiệp Hồ Hoàn Cầu còn có mặt ở tận nước bạn Lào, Angola, châu Phi (do người Việt đưa sang).

Chỉ tính riêng xã Quỳnh Văn hiện có 100 dây chuyền. Nhiều xã ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cũng ra lắp đặt loại máy này.

Trong năm 2008, cơ sở đã xuất bán được 250 bộ dây chuyền, năm 2009 bán 300 bộ. Các năm 2010, 2011 đều đặn có hàng trăm khách hàng đặt mua. Mỗi bộ dây chuyền cần 5 lao động trực tiếp cộng 5 lao động bốc xếp tiêu thụ cung cấp vật liệu.

Bộ dây chuyền sản xuất gạch ép xi măng đã đăng ký bản quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Năm 2007 được cấp bằng sáng tạo và đạt giải Ba hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật Nghệ An. 
 
Gạch táp lô không xa lạ với nhiều người, đặc biệt thời kỳ bao cấp, khi mà việc sản xuất và sử dụng gạch công nghệ tuynel không thông dụng như bây giờ.

Tôi còn nhớ, khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, cũng như nhiều gia đình khác, bố mẹ tôi đã phải tự đóng gạch trong nhiều năm để xây căn nhà mới. Nguyên liệu là cát sạn, xỉ than sau khi đã đun nấu và bồ tạt (và  cả gạch ngói, vôi vữa của các công trình cũ) ...

Nguyên liệu sau khi đã được nhào trộn thì được đổ vào khuôn kích thước bằng 3 - 4 viên gạch bây giờ, dùng búa đầm mạnh. Sau khi đã nén chặt thì lấy khuôn ra... và tiếp tục đóng. Cứ như thế, cả buổi chỉ được vài ba chục viên gạch.

Tuy nhiên, nhiều gia đình tự túc gạch vì một phần do kinh tế khó khăn, phần vì ngày đó gạch đỏ không phổ biến như bây giờ. Còn hiện nay, đúc gạch táp lô đã tiên tiến hơn nhiều, sử dụng bằng máy móc hiện đại.

Điều đáng nói, trước vấn đề môi trường đang trở nên cấp bách như hiện nay, việc sử dụng và nhân rộng mô hình gạch xi măng cốt liệu, không sử dụng đất và chất đốt là hết sức quan trọng. 

Theo Báo Nghệ An

TinQuânTin tức