Cậu bé 15 tuổi người dân tộc Tày chế tạo thành công “Quạt đa năng”
Xuất phát từ ý tưởng muốn giúp đỡ các bạn nhỏ vùng cao thuận lợi hơn trong việc học tập, cậu bé Ma Văn Hùng (15 tuổi, dân tộc Tày, sống tại thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) học sinh lớp 9, trường THCS Tủa Chùa đã cùng Đào Minh Anh, bạn học cùng lớp chế tạo ra thiết bị “Quạt đa năng” tích hợp hơn 10 chức năng rất tiện ích.
Ấn tượng đầu tiên khi gặp Hùng là một cậu bé có dáng người nhỏ con, gầy gò nhưng rất hoạt ngôn và nhanh nhẹn.
Được Hùng dẫn đi thăm quan phòng học, chúng tôi thực sự bất ngờ vì căn phòng nhỏ của Hùng giống như một xưởng chế tạo với đầy đủ các dụng cụ, thiết bị để bản thân Hùng thỏa sức sáng tạo; trên bàn học có nhiều nguyên liệu, máy móc mà cậu bé này đang chế tạo dở dang.
Hùng chia sẻ: Em thường xuyên tháo mở các thiết bị hỏng hóc trong nhà đem ra sửa và tìm hiểu nguyên lý hoạt động của nó.
Nhiều khi, em phải nhịn ăn sáng để dành dụm tiền mua dụng cụ sửa chữa, hoặc thu gom các loại máy hỏng của hàng xóm rồi tận dụng nguồn vật liệu này để chế tạo ra các thiết bị khác theo ý tưởng đã hình thành trước đó.
Chị Tô Lan Anh, mẹ của Hùng chia sẻ: Từ khi lên 4 tuổi Hùng rất thích thú với trò chơi lắp ghép, từ bộ hình không gian cháu đã lắp ghép rất nhiều hình khác nhau. Khi cháu đang học lớp 3, mỗi lần bố cháu sửa chữa hệ thống điện lưới ở các hộ dân, cháu đều đi theo và chăm chú quan sát tỷ mỉ từng công đoạn.
Đặc biệt, khi có thời gian rảnh rỗi, cháu thường mày mò những đồ điện tử hỏng trong nhà để nghịch chơi. Lên đến bậc trung học cơ sở, khi được biết, có cơ hội tìm hiểu về các nguyên lý cơ bản của môn Vật lý, cũng là lúc Hùng tìm kiếm những thiết bị điện tử hỏng ở trong nhà để tự chế tạo ra các vật dụng khác nhau.
Thấy được sự đam mê của Hùng, gia đình cũng tạo điều kiện về thời gian, dụng cụ và nguyên liệu để cho cháu phát huy được tài năng của mình.
Vẻ mặt hứng khởi khi nói về chiếc “Quạt đa năng” mà Hùng với bạn học cùng lớp Đào Minh Anh chế tạo ra, Hùng chia sẻ: Sinh ra và lớn lên ở huyện vùng cao, em cảm nhận được những thiếu thốn, khó khăn trong học tập và sinh hoạt của các bạn cùng trang lứa khi không đủ điều kiện để mua sắm những loại đồ dùng, thiết bị vận hành bằng nguồn điện. Ở vùng đất này, mùa đông thì lạnh đến nhức buốt chân tay, mùa nắng thì như thiêu như đốt.
Nhìn các bạn mồ hôi nhễ nhại ngồi học bài trong những căn phòng bán trú chật hẹp nên đã thôi thúc em phải “sáng chế” ra loại thiết bị có khả năng quạt mát cho các bạn trên cơ sở phải tiết kiệm, dễ sử dụng nhất. Chính từ ý nghĩ này nên em đã nảy ra ý tưởng chế tạo Quạt đa năng.
Theo Hùng, “Quạt đa năng” được tích hợp 10 tính năng hữu ích như: Làm mát không khí xung quanh trong thời gian ngắn; sưởi ấm trong khi nhiệt độ xuống thấp; bắt muỗi; hút bụi bẩn, lọc không khí; đèn học; máy nghe nhạc; đồng hồ để tiện theo dõi thời gian; đo nhiệt độ, độ ẩm; sạc dự phòng cho điện thoại, đèn ngủ cảm biến…
Quạt đa năng được chạy bằng nguồn điện lưới nhưng có gắn ắc quy và tấm năng lượng mặt trời phòng khi mất điện. Nguyên liệu để làm “Quạt đa năng” được Hùng tận dụng đồ điện tử hỏng trong nhà hay phế liệu thu mua với giá rẻ ngoài các cửa hàng điện tử trên địa bàn.
Theo Hùng, để chế tạo thành công “Quạt đa năng” Hùng và “cộng sự” phải mất gần một năm, chi phí mất 500.000 đồng.
Giới thiệu về “Quạt đa năng”, Hùng nói: Sản phẩm rất cơ động, dễ dàng sử dụng khi có đầy đủ các công tắc được ghi chú cẩn thận công dụng.
Thiết bị này có thể hoạt động khi có điện và không có điện. Vì quạt đã được gắn thêm tấm năng lượng mặt trời và mạch phát điện xoay chiều nên nó có thể tận dụng được năng lượng sạch, phù hợp nơi vùng sâu, vùng xa với nguồn điện thế yếu hoặc các vùng chưa có điện.
Hùng tâm sự: Để hoàn thành sản phẩm “Quạt đa năng” này, em và bạn Đào Minh Anh đã được thầy giáo Đỗ Việt Hùng, giáo viên dạy Vật lý, trường THCS Tủa Chùa giúp đỡ rất nhiều.
Chính thầy đã tạo thêm cho chúng em nguồn động lực, niềm tin trong suốt quá trình thực hiện chế tạo sản phẩm.
Thầy Đỗ Việt Hùng cho biết: Khi biết được ý tưởng và nhận thấy khả năng sáng tạo của hai em, tôi rất vui. Khi hai em đề xuất kế hoạch thực hiện, tôi tận tình hướng dẫn cụ thể về nguyên lý hoạt động của các loại máy cho các em.
Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên khuyến khích các em chế tạo ra nhiều vật dụng điện tử có ích cho cuộc sống thực tế. Hai em Hùng và Minh Anh là những học sinh rất thông minh, nhanh nhẹn, có ý tưởng và sức sáng sáng tạo rất phong phú, thiết thực, gắn liền với cuộc sống đời thường…
Sản phẩm “Quạt đa năng” tuy còn hết sức thô sơ về mẫu mã nhưng qua vận hành, áp dụng vào cuộc sống thực tế đã cho thấy những hiệu quả nhất định.
Đặc biệt hơn, với sản phẩm “Quạt đa năng” này, tại cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Điện Biên lần thứ nhất, năm học 2016 - 2017”, Ma Văn Hùng và Đào Minh Anh đã đạt giải Nhất trong sự bất ngờ, thán phục và đầy vui mừng của Hội đồng giám khảo.
Sau thành công này, Hùng và Anh trở thành đại diện duy nhất của huyện Tủa Chùa và sản phẩm "Quạt đa năng" là 1 trong 2 mô hình xuất sắc của toàn tỉnh lên đường tham dự cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, Nhi đồng toàn quốc lần thứ 13” tổ chức vào tháng 10-2017.
Thiết nghĩ với “hạt giống” như Ma Văn Hùng và Đào Minh Anh, ngành Giáo dục tỉnh Điện Biên, gia đình và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh cần có những định hướng, hỗ trợ nhiều hơn nhằm giúp các em khơi dậy tiềm năng, phát huy tư duy sáng tạo;
Đồng thời giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo để biến những ý tưởng, ước mơ của các em thành hiện thực.
Theo TTXVN