Mang ánh sáng đến các hộ dân nghèo bằng chai nhựa bỏ đi

Liter of Light là một dự án mang ánh sáng đến các hộ dân cư nghèo do tổ chức MyShelter ở Philippines khởi xướng. Họ dùng các chai nhựa bỏ đi được đổ đầy nước và chất tẩy trắng gắn lên mái nhà, từ đó thắp sáng căn nhà nhờ phản chiếu ánh sáng mặt trời.

Theo Illac Diaz, người sáng lập MyShelter, giải pháp này giúp đưa ánh sáng vào các căn nhà - vốn được xây rất sát nhau và không có cửa sổ.

Tuy vậy, giải pháp chỉ hữu hiệu vào buổi sáng. Để giải quyết vấn đề này, một bóng đèn LED nhỏ gắn với một tấm pin năng lượng mặt trời được đưa vào chai, qua đó kể cả khi trời lặn, đèn vẫn có thể sáng.

Từ năm 2012, Liter of Light đã mang ánh sáng đến 850.000 hộ gia đình trên nhiều quốc gia, trong đó có Philippines, Ai Cập và Colombia bằng các phương án dùng chai nhựa, đèn bàn và đèn đường được cải tiến.

Đây là một phương án thân thiện hơn so với các loại đèn dầu thường dùng bởi chúng không dễ gây hỏa hoạn và nguy hại đến sức khỏe con người.

Người dân cũng có thể tự làm chiếc ‘đèn nhựa’ này bằng cách trộn 3 milimet khối chất tẩy trắng vào 1 lít nước.

Hỗn hợp có thể tồn tại trong 5 năm. Tổ chức cũng đã đào tạo người dân tự chế đèn bàn dùng năng lượng mặt trời và bán với giá 10 USD, qua đó tăng thêm thu nhập của họ. Dự án đã đăng những bài hướng dẫn này lên YouTube.

Theo Diaz, dự án có mục tiêu giải quyết vấn đề thường gặp của những chương trình xóa nghèo: Sự bền vững. Nhiều tổ chức thường cứu trợ người nghèo bằng các vật phẩm nhưng chưa nghĩ đến chuyện người dân cần có kỹ năng sửa chữa khi đồ hỏng hóc.

“Nếu bạn không thể tự lắp đặt và sửa chữa tại nơi ở của mình, bạn luôn luôn phải sống phụ thuộc,” Diaz nói. “Phụ nữ trong làng hoàn toàn có thể kiếm vật dụng trong chợ và tạo nên các món đồ gia dụng. Chúng tôi muốn có ý tưởng đột phá từ chính họ.”

Một vấn đề khác mà Liter of Light muốn giải quyết là các chất thải nhựa. Bằng cách tái sử dụng chai nhựa cũ, nhóm kì vọng sẽ giảm thiểu được lượng rác thải trong cộng đồng.

Theo thống kê của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, khoảng 8 triệu tấn chai nhựa thải ra biển mỗi năm, tương đương với việc đổ một xe chất thải xuống biển mỗi phút.

Diaz kì vọng Liter of Light có thể giúp được 1 triệu người vào năm 2020 thông qua các giải pháp sáng tạo của mình. Quan trọng hơn, đó là giải pháp mà ai cũng làm được.

“Người dân có thể dùng ý tưởng của chúng tôi để kiếm tiền từ chính sân nhà mình. Đó là điều chúng tôi muốn. Một dân tộc mà mỗi người đều làm chủ, chứ không cần phụ thuộc vào một ai khác.”

Hiệp (Theo huffingtonpost)