'Bái phục' lão nông sáng chế ra nhiều máy nông nghiệp, có máy bằng 30 lao động

Hiệu quả của máy tiết kiệm công lao động đáng kể. Cụ thể, máy có thể thay thế cùng lúc 30 lao động, công suất 100 tấn/ngày. Trong khi chi phí nhiên liệu rất thấp, trung bình lột 1ha keo, tốn 1,2 lít dầu diezen. Máy có trọng lượng 1,2 tấn được gắn với đầu xe tải 2,5 tấn nên dễ di chuyển.

10-00-36_1.jpg

Xuất phát từ nhu cầu thực tế cùng với sự đam mê sáng chế, ông đã cho ra đời nhiều sản phẩm hữu ích phục vụ sản xuất nông nghiệp như máy kết tinh đường, máy ép mía, máy sấy bã mía, máy ép củi nén...

Dù các sáng chế trên hiện không còn phù hợp nữa, nhưng một thời đã giúp ích rất nhiều cho người sử dụng. Đặc biệt gần đây, ông tiếp tục sáng chế ra máy lột vỏ keo được đánh giá cao tại hội thi Sáng tạo KHKT tỉnh Khánh Hòa lần thứ VII và máy bóc mía, củi đa năng được nhiều người quan tâm đặt hàng.

Ông là Nguyễn Thành, SN 1963, ở thôn Đông Dinh, xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa). Dù chưa trải qua trường lớp nhưng ông vốn là thợ cơ khí "gia truyền".

Các ý tưởng sáng chế của ông đều xuất phát từ nhu cầu thực tế khi nắm bắt người dân đang cần gì. Như máy lột vỏ keo được ông sáng tạo khi nhận thấy nhu cầu lao động nông thôn ngày càng hiếm, cộng với việc lột vỏ keo bằng thủ công vô cùng vất vả lại tốn nhiều công sức.

Từ đó, ông nghĩ đến và bắt tay vào thực hiện từ tháng 6/2016. Nhờ sự quyết tâm cao cùng với cơ sở cơ khí sẵn có của mình nên sau 1 năm ông đã chế tạo thành công máy lột vỏ keo mang hiệu quả ngoài mong đợi.

Theo ông Thành, ưu điểm của máy có thể lột vỏ tất cả các loại cây keo có kích thước dài, ngắn, to, nhỏ hay cong, thẳng đều được. Bởi máy được điều chỉnh tự động bằng hệ thống thủy lực. Đặc biệt máy này lột vỏ chỉ chạy qua một lần duy nhất là sạch, trong khi máy khác phải chạy đến 3 lần mới làm sạch hết vỏ.

Cũng theo ông Thành, nguyên lý hoạt của máy bằng động cơ 40 mã lực (HP). Bộ phận chính của máy là hệ thống gồm 5 bánh răng, trong đó 4 bánh nằm ngang, 1 bánh đặt đứng.

Trên bánh răng có gắn các thanh sắt vằn tác dụng ma sát lớn đẩy, kéo cây keo. Bên trong máy có hệ thống lưỡi dao. Khi máy hoạt động 5 bánh răng cùng xoay nhờ truyền động thủy lực tới từng bánh xe sẽ bóc tách vỏ keo theo chiều dài cây.

“Hiệu quả của máy tiết kiệm công lao động đáng kể. Cụ thể, máy có thể thay thế cùng lúc 30 lao động, công suất 100 tấn/ngày. Trong khi chi phí nhiên liệu rất thấp, trung bình lột 1ha keo, tốn 1,2 lít dầu diezen. Máy có trọng lượng 1,2 tấn được gắn với đầu xe tải 2,5 tấn nên dễ di chuyển. Tổng giá trị máy sáng chế khoảng 1 tỷ đồng”, ông Thành chia sẻ.

Được biết, đến nay ông đã làm ra được 2 máy lột vỏ keo, trong đó 1 máy đã đưa đi hoạt động lột vỏ keo thuê được bà con đánh giá hiệu quả cao.

Đối với sáng chế máy bóc mía, củi ông Thành mới cho ra đời vào tháng 8/2017, cũng xuất phát từ nhu cầu công bóc mía khan hiếm khi vào mùa vụ thu hoạch tập trung.

Máy hoạt động dựa trên động lực của xe máy cày 4 bánh, khi hết mùa vụ có thể lắp theo xe cẩu. Máy này có cánh tay đòn dài 5m, vươn cao 7m, truyền động cũng bằng hệ thống thủy lực nên vươn ra hoặc co lại theo ý muốn.

Ưu điểm của máy hoạt động có thể xoay 360 độ nên có thể bóc mía theo yêu cầu vị trí của xe tải đậu chở mía. Công suất của máy bóc được 10 tấn mía/giờ, sức kẹp từ 300 - 500kg nguyên liệu/lần, tương đương 20 bó mía.

Ông Thành cho biết thêm, khi sử dụng máy này có thể thay thế 7 - 8 công lao động trong vòng 4 giờ và chỉ tiêu tốn 1,2 lít dầu diezen/giờ. Mặt khác, máy bóc mía, củi có thể gắn với giàn động lực máy nào cũng được như máy cày hay máy kéo, máy đào miễn sao có thể cơ động. Máy có thể tháo lắp dễ dàng sau vụ mùa và trả lại hoạt động cho máy cày, máy kéo làm động lực sau khi hoàn tất công việc. Hiện giá riêng phần cẩu bóc mía (không gắn động cơ máy cày) là 185 triệu đồng.

Kim Sơ - Báo Nông nghiệp

TinQuânTin tức, sáng chế