Kỹ sư Bùi Hiển: Trước Tết máy bay hoàn hảo cất cánh

Dù chỉ hơn 1 tháng nữa đến Tết, kỹ sư Bùi Hiển vẫn đang cố gắng hoàn thiện, tập bay để cất cánh máy bay "Bùi Hiển".

Mô hình chú ong thợ chăm chỉ

Ngày 10/1, liên hệ với kỹ sư Bùi Hiển (63 tuổi, Bình Dương) lúc 12h trưa ông vẫn đang hăng say sửa chữa cho chiếc máy bay "Bùi Hiển" tại xưởng của mình.

Ông cho biết: "Tôi đang có ấp ủ đưa "Bùi Hiển" cất cánh trên bầu trời một cách thực thụ là bay trong sân bay, nên cần phải hoàn thiện mọi chi tiết kỹ thuật, sau đó tập bay trong nhà xưởng đủ giờ, dự định tôi sẽ bay tại sân bay Phú Lợi trước Tết nguyên đán.

Hiện tại, chỉ sau vài tháng cân chỉnh, tôi đã hoàn thành máy bay và sẵn sàng cất cánh và sau khi cất cánh thành công, tôi sẽ dành 1 - 2 tháng để khoác thêm “bộ áo” cho máy bay theo phong cách chú ong thợ.

Tôi lựa chọn hình tượng con ong thợ, vì thấy bên Mỹ có sử dụng biểu tượng của con muỗi để làm máy bay, nên tôi làm giống như con ong cho khác, làm xong chắc chắn sẽ vô cùng đẹp.

Con ong thợ nó có nhiều điểm để học hỏi chăm chỉ, thông minh, hình dáng thiết kế chiếc máy bay rất giống con ong, khi mà hoàn thiện bay lên trời thì chỉ nhìn thấy con png chứ không phải chiếc máy bay".

Nói rõ thêm về những cải tiến của máy bay "Bùi Hiển" so với trước đây, ông Hiển cho biết thêm: "Tôi quyết định chọn Bùi Hiển để thực hiện giấc mơ cất cánh trên bầu trời bởi làm cánh đồng trục là cực kỳ khó, gian nan, nhưng tôi vẫn quyết tâm làm cho được, tự tạo ra thử thách cho bản thân mình.

Khi ổn định rồi, quạt quay êm rồi thì việc lái nó lại cực kỳ đơn giản, chứ không phức tạp như hệ thống gồm cánh quạt chính và quạt đuôi như “Giấc mơ”.

Tôi đã tiến hành thay máy và bộ phận cùng cánh để điều khiển, cánh inox ngày xưa đã được thay bằng cánh nhôm.

Ngay cả vị trí đặt hệ thống làm mát tôi cũng đã tính toán sao cho tận dụng tốt nhất luồng gió từ quạt thổi xuống. Tôi cũng đã cân chỉnh tới từng gram cho trọng lượng của cánh quạt và chỉnh góc cánh chính xác tuyệt đối.

Những ngày vừa qua tôi cân bằng tĩnh cho cánh quạt, làm cho hai nửa cánh quạt phải cân đối tuyệt đối qua trục chính. Lúc đầu, hai bên cánh quạt dưới chênh lệch khoảng 5 gram, còn cánh trên là khoảng 3 gram, nhưng bây giờ thì êm rồi.

nam-2017-may-bay-bui-hien-se-cat-canh-tren-bau-troi_201438469.jpg

Tôi đang tiếp tục cân bằng động, tức là kiểm tra độ ổn định của cánh quạt khi quay, mà cơ bản thấy quạt quay êm ru, ngon lắm, không cần phải sửa gì nữa. Giờ muốn bay thì cứ kéo ga là bay lên thôi”.

Cũng theo ông Hiển, trên máy bay ông trang bị một thùng xăng 20 lít giúp nó có thể bay được hơn 1h đồng hồ. Hệ thống điều khiển gồm cần kéo ga (điều khiển bằng tay phải), cần điều chỉnh góc cánh (điều chỉnh bằng tay trái) và bàn đạp chuyển hướng trái/phải (điều khiển bằng hai chân).

Máy bay không người lái mới dùng cho mục đích thương mại

Trong một diễn biến liên quan, kỹ sư Bùi Hiển tâm sự: "Tôi vẫn theo đuổi máy bay không người lái, còn máy bay "Bùi Hiển" chỉ để làm thành bộ sưu tập còn ứng dụng thực tế thì hơi khó, chỉ có thể bay thử.

Máy bay không người lái, tôi cũng đã hoàn thiện xong, ngày 20/1, Đại học Bách Khoa Hà Nội sẽ đem bộ điều khiển vào cho tôi, rồi tập nửa tháng mới bay được.

Tôi chỉ bay thử "Bùi Hiển" trước Tết, cũng đang đợi thủ tục xin đường bay, tọa độ bên sân bay Phú Lợi, rồi hoàn chỉnh cho việc cất cánh, chuẩn bị đưa vào nhà xưởng để tập, hoàn thiện xong mới đi xin giấy phép.

Để làm tất cả những chiếc máy bay này tôi chưa bao giờ nghĩ đến kinh tế mà chỉ nghĩ đến làm sao thực hiện được hết những gì mình mơ ước khi còn có sức khỏe, thỏa sức với đam mê sáng chế".

Theo Báo Đất Việt

TinQuânTin tức, sáng chế