Thầy giáo trường làng Hà Nội sáng chế thiết bị chiếu phiếu học tập đơn giản mà thông minh
Cấu tạo đơn giản, dễ làm, giá thành chỉ từ 330-500 ngàn đồng/sản phẩm, "Thiết bị chiếu phiếu học tập" do thầy giáo Trần Xuân Hiệp, giáo viên dạy toán Trường THPT Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội sáng chế giúp cho những ngôi trường còn khó khăn tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
Thiết bị chiếu phiếu học tập của thầy Hiệp rất đơn giản gồm ba phần chính: Phần 1 là mắt ca-mê-ra gắn trên trục trượt ngang được tận dụng từ "râu" ăng-ten cũ; phần 2 là trục trượt dọc được thiết kế trên hai thanh nhôm (hoặc gỗ) sát nhau tạo thành rãnh trượt dọc và xoay 360 độ, một đầu trục được gắn vào khay đỡ, một đầu gắn vào thanh trượt ngang; phần 3 là giá đỡ được tận dụng từ mảnh ván gỗ, hoặc nhựa đủ lớn để chứa phiếu học tập A4.
Thiết bị này có thể sử dụng chiếu các thí nghiệm trong các môn: Sinh học, Ðịa lý, Vật lý, Hóa học... đồng thời có thể dùng để chiếu các vật thể 3D có kích thước phù hợp trên các góc độ khác nhau.
"Thiết bị chiếu phiếu học tập" của thầy giáo Trần Xuân Hiệp giành giải Nhất Hội thi thiết bị đồ dùng dạy học tự làm cấp Thành phố năm 2016. Thầy Hiệp cũng cho biết, để “chế’ thiết bị này tương đối đơn giản, giá chỉ từ 330-500 ngàn đồng/thiết bị.
“Hơn nữa thiết bị này gọn nhẹ, có thể cho vào hộp và rất dễ mang đi mang lại”, Thầy Hiệp nói. Được biết, tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Hà Nội II năm 2006, thầy giáo Trần Xuân Hiệp về Trường THPT Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội giảng dạy môn Toán.
Ðây là ngôi trường làng với phần lớn học sinh là con em gia đình thuần nông, còn nhiều khó khăn.
Ðiều kiện cơ sở vật chất dạy học ở trường thiếu thốn, lạc hậu. Thầy Hiệp luôn trăn trở làm thế nào để tạo ra những thiết bị, đồ dùng giúp học sinh có điều kiện học tập tốt nhất, đồng thời tạo thuận lợi hơn cho các thầy giáo, cô giáo trong giảng dạy.
Thầy Hiệp luôn tìm tòi, sáng tạo để tiết dạy sau tốt hơn tiết dạy trước, đồ dùng dạy học năm sau tốt hơn năm trước. Sáng kiến của thầy Hiệp được đồng nghiệp, học sinh đón nhận tích cực.
Một số trường lân cận đã nhờ thầy Hiệp chuyển giao cách làm để sử dụng. Ông Ðỗ Duy Khải, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tiến Thịnh đánh giá: Sáng kiến của thầy Hiệp giúp tăng tính tương tác giữa giáo viên và học sinh.
Thầy Hiệp là một giáo viên trẻ đóng góp, cống hiến cho tập thể nhà trường rất nhiều. Miệt mài sáng tạo, thầy Trần Xuân Hiệp còn là một giáo viên luôn đi đầu trong các phong trào lớn của ngành giáo dục như phong trào "Nhà giáo đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn".
Hằng năm, thầy đều tham gia dạy miễn phí cho những học sinh yếu và nhận đỡ đầu từ một đến hai học sinh có hoàn cảnh neo đơn, khó khăn.
H.L