Trường học nổi – giải pháp hiệu quả cho trẻ em vùng lũ
Mỗi mùa mưa lũ qua đi, việc đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân sống trong khu vực bị ảnh hưởng vốn đã khó, việc duy trì lịch học cho các em học sinh vùng lũ càng khó hơn. Mặc dù vậy, trong cái khó đã ló cái khôn, người dân Bangladesh đã tìm ra một giải pháp hiệu quả giúp các em học sinh không bị gián đoạn việc học hành.
Vào một buổi sáng nóng nực, trong căn phòng trần thấp dựng bằng tre, có khoảng 20 học sinh lớp 4 ngồi thành hai dãy đang chăm chú đọc sách. Đây là khung cảnh có thể bắt gặp ở bất cứ lớp học nào vùng ngoại ô Bangladesh. Tuy nhiên không phải bên ngoài trường học nào tại đây cũng có thể nghe thấy tiếng bọt nước òng ọc xung quanh hay tiếng của động cơ thuyền máy chạy qua.
Lớp học đặc biệt này được dựng lên trên một chiếc thuyền gỗ neo tại bờ sông gần ngôi làng Nasiar Kandi, thuộc quận Natore, cách thủ đô Dhaka của Bangladesh 170km về phía Tây Bắc Bangladesh. Đây là một trong số 20 “lớp học nổi” do Shidhulai Swanirvar Sangstha – một tổ chức phi lợi nhuận, quản lý.
Nhờ có 20 trường học nổi ở khu vực Chalan Beel này mà gần 70.000 trẻ em nông thôn nghèo khó ở quốc gia Nam Á được cắp sách đến trường.
“Trong trường hợp trẻ em không thể đến trường do thiếu phương tiện, thì ngôi trường của chúng tôi sẽ đảm nhận luôn nhiệm vụ đưa đón các em”, anh Mohammad Rezwan, Người sáng lập Shidhulai Swanirvar Sangstha cho biết.
Anh Rezwan chính là các tác giả của ngôi trường nổi này. Ngôi trường nổi được thiết kế dựa trên việc cải tiến chiếc thuyền gỗ truyền thống của Bangladesh. Thuyền dài 15m, rộng 3m, với sức chứa 30 học sinh và một giáo viên. Mái thuyền được dựng bằng khung kim loại có thể chịu được những trận mưa lớn. Mỗi một ngôi trường như vậy gồm có 2 tầng. Trong trường được trang bị bàn, ghế, thư viện, bảng đen. Và đặc biệt, dù là một ngôi trường nổi, nhưng nó vẫn được thiết kế rất chu đáo với những khu vui chơi dành cho các em học sinh vui đùa trong giờ ra chơi.
“Ngôi trường được xây dựng không chỉ nhằm mục đích truyền đạt kiến thức, mà còn mang đến cơ hội vui chơi, rèn luyện cho các em với thư viện, khu huấn luyện, khu vui chơi. Tất cả đều được chúng tôi tích hợp trong trường học nổi”, anh Mohammad Rezwan, Người sáng lập Shidhulai Swanirvar Sangstha chia sẻ.
Để xây dựng một ngôi trường nổi như thế này, anh đã bỏ ra 18.000 USD với khoảng thời gian từ 3 đến 4 tháng.
Không chỉ giảng dạy theo lối truyền thống với sách và bút, trong thư viện của trường học nổi còn được trang bị máy tính và kết nối với Internet để các em học sinh được tiếp cận với tri thức bên ngoài. Máy tính của trường được cấp điện từ các tấm pin mặt trời lắp ở trên nóc thuyền.
Lượng điện tạo ra từ những bảng pin năng lượng mặt trời trên nóc thuyền còn dùng để sạc điện cho những chiếc đèn tích điện mà các em học sinh mang theo. Nhờ đó, buổi tối về nhà, các em có ánh sáng để tiếp tục việc ôn luyện kiến thức học được ở trên lớp.
“Cháu rất yêu ngôi trường này vì nó luôn ở trên sông. Nhờ có nó mà cháu được đi học quanh năm ngay cả khi nước dâng cao ngập vào nhà chúng cháu”, em Mosammat Rekha, 1 học sinh của trường nổi cho biết.
Những người chị và anh họ của Mosammat Rekha đều không được may mắn như em, vì không được đến lớp, nên không ai biết đọc và biết viết do ngôi làng nơi họ sống thường xuyên bị chia cắt với thế giới bên ngoài, bởi những trận lũ đột ngột.
Nhưng cô bé 7 tuổi này giờ lại có thể học bảng chữ cái mỗi ngày, và vui chơi an toàn bất chấp những hệ lụy mà biến đổi khí hậu đang gây ra ở ngoài kia.
“Bọn trẻ giờ chẳng phải lo lắng về chuyện không thể đến lớp kể cả vào những ngày mưa lũ nữa. Ở huyện này, có biết bao ngôi trường bị ngập khi lũ về. Nhưng đây là một ngôi trường không “đứt đoạn”, tức là bọn trẻ chẳng bị mất buổi học nào. Tuyệt vời nhất là bọn trẻ còn được chơi đùa trong sân trường và tiếp cận với những cơ sở vật chất hiện đại nữa”, bố của em Mosammat Rekha chia sẻ.
Không chỉ mang đến cơ hội tiếp cận kiến thức cho thế hệ trẻ, trường học nổi vận hành nhờ năng lượng mặt trời còn là nơi trao đổi kiến thức của các bậc phụ huynh khi các em tan học. Ngoài việc giúp xóa mù chữ cho chính các bậc phụ huynh và người làng, họ còn được hướng dẫn về cách làm nông nghiệp bền vững, về thị trường, về dinh dưỡng, hay thích nghi với biến đổi khí hậu, và thậm chí là các quyền của người phụ nữ.
Bangladesh, quốc gia có mật độ dân số đông nhất và nghèo vào bậc nhất thế giới, được Liên Hiệp Quốc đánh giá là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Hàng triệu người ở quốc gia nằm thấp hơn mực nước biển này, đang bị buộc phải thích nghi với những dòng sông tràn bờ, nước biển dâng và thời tiết cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp.
Sự gia tăng thường xuyên của các đợt mưa, bão, lũ lụt nghiêm trọng đã và đang cản trở cơ hội học hành của nhiều trẻ em nước này, đặc biệt là học sinh vùng nông thôn, bởi vào mùa mưa bão, các trường học ở nông thôn Bangladesh đều đóng cửa. Vì thế, mô hình trường nổi là sáng kiến hữu ích đối với nền giáo dục ở các nước đang phát triển như Bangladesh.
Sáng kiến trường học nổi này của anh Rezman cũng đã được một số nước thường xuyên có bão lụt như Campuchia, Nigeria, Philipines, Zambia áp dụng theo.
Hoài Thanh (Theo AFP)