Biến khói bụi ô nhiễm thành mực viết
Máy phát điện chạy dầu diesel thường là những cỗ máy gây ô nhiễm. Nhưng liệu có thể biến chỗ bồ hóng mà chúng tạo ra thành thứ gì đó hữu ích không? Một nhóm kỹ sư trẻ tuổi ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ đã tìm ra câu trả lời.
Ô nhiễm khói bụi chính là “đặc sản” của New Delhi. Có những ngày bầu không khí nặng nề tới mức bạn gần như chẳng thể nhìn ra bàn tay của chính mình khi giơ ra trước mặt. Trên thực tế, siêu đô thị này có chất lượng không khí tồi tệ nhất thế giới.
Arpit Dhupar hiểu quá rõ điều này. Anh lớn lên ở New Delhi và mắc nhiều chứng bệnh liên quan tới hô hấp khi sống trong bầu không khí ô nhiễm ở đây khi còn nhỏ. Giờ đây, khi đã 25 tuổi và là một kỹ sư cơ khí, anh quyết định tuyên chiến với vấn nạn ô nhiễm không khí bằng cách đối phó với những chiếc máy phát điện chạy dầu diesel.
Chính những chiếc máy phát điện chạy dầu diesel là những nguồn gây ô nhiễm nhiều nhất ở New Delhi cũng như ở các thành phố khác của Ấn Độ. Chúng thường được sử dụng để tạo ra nguồn điện dự phòng trong những ngày mất điện, một tình trạng phổ biến ở thành phố 17 triệu dân này.
“Vấn đề với động cơ diesel là chúng sinh ra rất nhiều khói từ lượng diesel không đốt cháy hết hay còn gọi là bồ hóng. Đây là thứ rất độc hại với sức khỏe của con người”, kỹ sư cơ khí Arpit Dhupar nói với DW, “Lí do là bởi nó chứa rất nhiều các hạt mịn mà mũi và phổi của chúng ta không thể lọc được. Chúng sẽ đi thẳng vào máu của con người”.
Mực từ bồ hóng
Vẫn có những thiết bị lọc được những hạt bồ hóng nói trên. Nhưng câu hỏi là sau đó xử lý chúng như thế nào? Thông thường người ta sẽ đốt chúng đi, nhưng các nhà sáng chế ở Startup Chakr của kỹ sư Dhupar lại có một ý tưởng khác.
“Ở Ấn Độ, có rất nhiều người bán nước mía dạo. Họ thường sử dụng động cơ diesel loại nhỏ để vận hành máy ép mía của họ”, anh Dhupar cho biết.
Tới một ngày, anh Dhupar để ý thấy rằng khói từ chiếc máy phát điện của một người bán hàng rong đã nhuộm đen bức tường phía sau nó. “Tôi bắt đầu suy nghĩ, tại sao không làm việc này một cách có chủ ý? Tại sao lại không gom chỗ bồ hóng gây ô nhiễm đó và rồi sơn bức tường bằng loại mực tạo ra từ chỗ bồ hóng này?” Dhupar chia sẻ.
Cùng với một số người bạn đang là sinh viên cơ khí, Dhupar trình bày ý tưởng của mình với các giáo sư trong trường đại học của mình cũng như một số chuyên gia khác. Những người giàu kinh nghiệm này đều cho rằng, nếu ý tưởng này khả thi thì chẳng đến lượt Dhupar. “Bạn biết đấy, người ta vẫn thường nói, kẻ ngốc thường không biết việc làm của mình là ngu ngốc nên họ thường cố làm việc đó bằng mọi giá”, Dhupar châm biếm. “Vì chúng tôi chẳng mất gì, thế nên chúng tôi đã cố gắng thử nhiều lần”.
Và nỗ lực của họ đã được đền đáp. Sau nhiều lần tưởng chừng thành công rồi lại thất bại, startup của Dhupar đã sáng chế ra một thiết bị lọc được bồ hóng từ khí thải động cơ diesel với rất ít “đối áp” và giữ nó lại trong một chất lỏng. “Sáng kiến đối áp này vô cùng quan trọng”, Dhupar cho biết.
“Những động cơ này rất dễ bị hỏng trước các luồng khí thải, thứ mà chúng ta vẫn gọi là đối áp. Và chúng tôi đã có thể tận dụng được phần hiệu suất hiệu suất bị giữ lại đó ở mức đối áp thấp. Đây là điều chưa từng làm được trong ngành công nghiệp”, nhà sáng chế trẻ cho biết.
Phần bồ hóng được giữ lại trong chất lỏng mà nhà sáng chế đề cập ở trên sẽ được nhóm nhà sáng chế sử dụng cho một mục đích khác. Đó chính là trở thành màu để sơn tường.
Thế giới sẽ không còn thiếu mực
Sau khi giải pháp lọc bồ hóng diễn ra với một vài quy trình và các vật chất độc hại đã được loại bỏ, nhóm nghiên cứu phân vân, khách hàng cần loại mực như thế nào.
“Những gì bạn phải làm là cho một lượng chất phụ gia như thế nào cho phù hợp”, Dhupar cho biết.
Sau đó bạn có thể in mọi thứ từ áo phông, cốc cà phê cho tới các tấm thiệp hay bao bì đóng gói.
“Khách hàng lớn nhất của chúng tôi là hãng máy tính Dell. Họ sử dụng loại màu mà chúng tôi tạo ra để in thùng các-tông đựng laptop của họ”, Dhupar cho biết.
Nhưng cũng như ngành kinh doanh chính của Dell không phải là in thùng các-tông, mục tiêu của startup Chakr không phải là trở thành một công ty sản xuất mực in. “Vấn đề là chúng tôi đang nỗ lực giải quyết không chỉ là nguồn cung mực cho thế giới mà còn là có quá nhiều chất gây ô nhiễm”, Dhupar giải thích.
Theo đó, việc lắp đặt những hệ thống lọc chất gây ô nhiễm để trả lại sự trong sạch cho bầu khí quyển mới là mục tiêu của Startup Chakr.
Cho tới nay, Startup Chakr mới bán ra thị trường khoảng 50 thiết bị sản xuất mực in từ khí thải của động cơ diesel, nhưng họ lại nhận được sự quan tâm từ các tập đoàn lớn như Tập đoàn dầu mỏ Ấn Độ và tập đoàn Điện tử và kỹ thuật Bosch của Đức, một tập đoàn hàng đầu thế giới chuyên cung ứng công nghệ và dịch vụ. Cùng lúc, sáng kiến của Startup Chakr cũng đã dành được một số giải thưởng, mà gần đây nhất là giải thưởng Nhà quán quân trẻ của Trái đất, 1 giải thưởng của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc UNEP.
Không chỉ dừng lại ở máy phát điện chạy dầu Diesel
Mặc dù Chakr vẫn đang trong hành trình tìm kiếm khách hàng tiềm năng, nhưng các nhà sáng chế đã nhìn ra thêm 1 nguồn nguyên liệu mới cho mình: những con tàu chạy trên biển.
Tàu thủy chở khách và tàu chở hàng nổi tiếng thải ra nhiều khói bụi hơn xe hơi và máy phát điện. Các oxit lưu huỳnh hay SOx chính là những khí thải độc hại mà các động cơ diesel cỡ lớn vận hành những con tàu này thải ra.
“Chúng tôi đã nâng cấp được công nghệ hiện tại của chúng tôi để phù hợp với động cơ của tàu thủy. Với công nghệ mới này, chúng tôi có thể giảm khí Sox phát thải tới 90%”, Dhupar cho biết.
Đến nay, thế giới đã có bộ lọc SOx, tuy nhiên nhược điểm của hệ thống này là tiêu thụ rất nhiều năng lượng.
“Hiện tại, điều họ làm là phun nước vào buồng đốt nhiên liệu để SOx không phát thải vào không khí. Công nghệ này đươc gọi là lọc hơi đốt bằng nước. Nhược điểm của nó là tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Bởi thế, mục tiêu của chúng tôi là một công nghệ tiêu hao ít năng lượng để giảm bớt chi phí vận hành”, Dhupar giải thích.
Hoài Thanh (Theo DW)