Ứng dụng giúp người khiếm thính tiếp cận thông tin sức khỏe

Ứng dụng Sex eLimu hỗ trợ chuyển ngữ sang thủ ngữ và ngược lại, giúp cộng đồng người khiếm thính dễ dàng tiếp cận thông tin về sức khỏe, giới tính.

Theo thống kê, tại Kenya có hơn 300.000 người bị khiếm thính và đa phần những người này không được tiếp cận với các thông tin chăm sóc sức khỏe cơ bản, đặc biệt là HIV/AIDS.

Người dùng có thể tải ung dụng Sex eLimu trên nền tảng Android và iOs

Người dùng có thể tải ung dụng Sex eLimu trên nền tảng Android và iOs

Trước thiệt thòi này của những người khiếm thính, anh Hudson Asiema đã quyết tâm tìm ra một phương án để giải quyết tình thế này bằng một ứng dụng có tên là Sex eLimu. Anh Hudson kỳ vọng, thông qua ứng dụng này, các thành viên của cộng đồng người khiếm thính sẽ không bị hạn chế về mặt thông tin liên quan đến chăm sóc y tế.

“Sex eLimu là một ứng dụng trên điện thoại thông minh mà ban đầu chúng tôi tập trung phát triển vì mục đích giáo dục. Và bây giờ, trên nền tảng đó, chúng tôi hướng dẫn người dùng hiểu biết hơn về nhiều chủ đề khác nhau. Cụ thể là cho tới lúc này, chúng tôi tập chung vào cộng đồng người khiếm thính”, anh Hudson Asiema, nhà sáng chế ra ứng dụng Sex eLimu cho biết.


Sex eLimu giống như một người phiên dịch, dịch thông tin đầu vào sang thủ ngữ và ngược lại.

Trên thực tế, ứng dụng Sex eLimu dựa trên một ý tưởng không hề mới. Sex eLimu nhận thông tin về y tế rồi sau đó “chuyển ngữ” chúng thành thủ ngữ, ngôn ngữ ký hiệu dành riêng cho người khiếm thính. Sex eLimu cũng phân loại thông tin y tế thành nhiều chủ đề khác nhau chẳng hạn như giới tính,  kế hoạch hoạch hóa gia đình, các biện pháp tránh thai….sau đó, tự động dịch sang ngôn ngữ ký hiệu và ngược lại, dịch từ ngôn ngữ ký hiệu thành ngôn ngữ bản địa.

Để kiểm nghiệm sự ổn định của ứng dụng Sex eLimu, anh  Asiema đã phối hợp với một start-up chuyên về lồng ấp sơ sinh ở thủ đô Nairobi của Kenya.

“Chúng tôi có thể thử nghiệm và đưa ra kết luận xem ứng dụng này có dễ sử dụng và hữu dụng đối với cộng đồng người khiếm thính hay không. Hiện chúng tôi đang hướng tới khách hàng tiềm năng ở độ tuổi 15-24”, cô Anne Lawi, đại diện của startup lồng ấp Nailab, đơn vị phối hợp thử nghiệm ứng dụng Sex eLimu cho biết.


Sex eLimu cũng phân loại thông tin y tế thành nhiều chủ đề khác nhau để người dùng tiện sử dụng.

Sau một thời gian thử nghiệm, người dùng đều tin rằng, ứng dụng có thể giúp thu hẹp khoảng cách giao tiếp giữa người khiếm thính và phần còn lại của cộng đồng. Cùng lúc đó, ứng dụng giúp người khiếm thính hiểu biết và thuận lợi hơn khi đi tới các phòng khám gặp bác sĩ, những người vốn không hiểu về ngôn ngữ ký hiệu.

“Như chúng ta đều biết, chỉ có những người thuộc cộng đồng người khiếm thính mới thông thạo thủ ngữ, còn các các sĩ thì rất ít người biết loại ngôn ngữ này. Bởi thế, chúng ta cần phải có một phiên dịch viên. Nếu không có phiên dịch, thì họ bắt buộc phải viết ra. Lúc này lại nảy sinh một vấn đề. Đó là bác sĩ hay dùng các thuật ngữ y học, thứ mà rất ít người khiếm thính hiểu được, bởi họ vốn bị hạn chế về mặt thông tin y tế trong cuộc sống. Do đó, “người phiên dịch” Sex eLimu lại hỗ trợ rất hiệu quả trong tình huống này”, anh Joseph Barasa, điều phối viên của tổ chức phi lợi nhuận tư vấn sức khỏe phòng chống HIV/AIDS ở Kenya cho biết.

Mặc dù vẫn còn đang ở trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng ứng dụng Sex eLimu đã “có đất dụng võ”.

Cho tới nay, đã có khoảng 1800 người tải ứng dụng này của chúng tôi. Đặc biệt, không chỉ có người khiếm thính Kenya, mà người tải ứng dụng còn là người nước ngoài nữa”, anh Hudson Asiema, nhà sáng chế ra ứng dụng Sex eLimu phấn khởi chia sẻ.

Hiện, anh Asiema đang kêu gọi sự hỗ trợ để hoàn thiện sáng kiến của mình. Anh cho biết, thách thức lớn nhất hiện tại của anh là dữ liệu về chăm sóc sức khỏe đối với những nhóm người bị coi là tách biệt với sự phát triển chung của xã hội này.

Cho dù vẫn còn một con đường dài ở phía trước, nhưng anh Asiema hy vọng rằng, trong tương lai, ứng dụng Sex eLimu của anh sẽ vươn ra khỏi biên giới Kenya, từ đó trao thêm quyền cho các thành viên của cộng đồng người khiếm thính trên toàn thế giới, giúp họ hiểu hơn về tình hình sức khỏe bản thân, từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn.

Hoài Thanh (Theo CCTV)