Bí quyết giúp trẻ em thời đại số tập trung

Cùng với những lợi ích thiết thực, công nghệ hiện đại và các sản phẩm của nó (như điện thoại thông minh hay mạng xã hội) khiến người dùng phải phân tán sự chú ý. Với trẻ em, điều này có thể dẫn đến suy giảm năng lực trí tuệ, qua đó tác động tiêu cực đến học tập và sinh hoạt thường ngày. Bài viết sau đây sẽ chia sẻ rõ hơn vấn đề cũng như đưa ra một số hướng giải quyết thiết thực.

Khi các bậc phụ huynh bây giờ còn là một đứa trẻ, các bạn chắc không có nhiều lựa chọn giải trí sau giờ học hoặc vào cuối tuần: vào những lúc rảnh rỗi, hoặc là sẽ đến chơi nhà bạn, hoặc là xem TV - TV lúc ấy chỉ có vỏn vẹn vài kênh.

Thế là các bạn phải đọc sách và không màng đến bất cứ điều gì khác ngoài những trang giấy; hàng giờ liền, thậm chí cả ngày trôi qua, vẫn có thể đọc không ngơi nghỉ. Như đã nói ở trên, vì lúc ấy không có nhiều lựa chọn giải trí, nên tập trung dường như là lựa chọn duy nhất khả dĩ đối với các bạn.

Tua thời gian đến hiện tại, bọn trẻ ngày nay đang muốn sống trong một thế giới đầy những thứ gây mất tập trung. Hoặc là bọn trẻ bám lấy những chương trình TV, trò chơi điện tử, tin nhắn từ bạn bè,... hoặc là thông báo ứng dụng điện thoại, tiếng mẹ chúng nói chuyện điện thoại từ phòng bên vọng sang, tin nhắn từ gia đình,... làm bọn trẻ bận tâm dù chỉ trong chốc lát.

Cảnh tượng một đứa trẻ dành vài giờ đọc sách hoặc làm bài tập về nhà mà không bị làm phiền đã trở thành một cảnh tượng từ nơi quá khứ xa lắm hiện về.

Ở một quá khứ gần với hiện tại hơn rất nhiều, một nhóm các nhà nghiên cứu ở Việc Nghiên cứu Brookings mới đây cho biết rằng tiếp xúc liên tục với những yếu tố gây mất tập trung sẽ làm giảm chức năng điều hành của não bộ của trẻ.

Về cụm từ chức năng điều hành, Trung tâm Phát triển Trẻ em của Đại học Harvard đã định nghĩa, đó là một loạt quá trình tâm lí cho phép chúng ta lên kế hoạch, tập trung chú ý, ghi nhớ chỉ dẫn, và thực hiện nhiều công việc một cách hiệu quả.

Để tìm hiểu cách thức giúp trẻ cải thiện chức năng điều hành cũng như luyện khả năng tập trung, Kathy Hirsh-Pasek và Claire Cameron, hai tác giả tham gia nghiên củu của viện Brookings đã cho một số lời khuyên.

Sử dụng hợp lí thời gian nhìn màn hình

Với trẻ từ hai đến năm tuổi, Viện Nhi khoa Hoa Kỳ đề xuất phụ huynh chỉ nên cho trẻ xem các chương trình 'thích hợp' trong khoảng thời gian không nhiều hơn một giờ đồng hồ.

Theo lời Tiến sĩ Cameron, một chuyên gia về giáo dục trẻ nhỏ của Khoa Giáo dục của Đại học Buffalo, không phải chương trình TV nào cũng tốt cho trẻ, và chính sự thay đổi quá nhanh các tình tiết trong hầu hết phim hoạt hình hiện nay đã ảnh hưởng đến khả năng tập trung.

Bà dẫn chứng bằng một nghiên cứu cho thấy trẻ mẫu giáo hay xem phim hoạt hình SpongeBob Square Pants thường bị suy giảm tập trung hơn so với trẻ xem các chương trình diễn ra chậm hơn hoặc trẻ dành thơi gian vẽ tranh.

Với những trẻ lớn hơn, giới hạn thời gian vô định nhắn tin, tìm kiếm, trò chuyện, và chơi game sẽ khó khăn hơn vì hầu hết các bé giờ đây đều có cho riêng mình một chiếc điện thoại thông minh. Dù thế, phụ huynh vẫn có thể (và nên) có tiếng nói trong việc này.

Tiến sĩ Hirsh-Pasek, giáo sư Tâm lí công tác tại Đại học Temple, đề xuất đặt ra những khoảng thời gian cả bố mẹ và con cái đều không sử dụng các thiết bị điện tử (như trong bữa tối), và yêu cầu trẻ không sử dụng điện thoại trong lúc làm bài tập về nhà.

Cùng với đó, Viện Nhi khoa Hoa Kỳ còn gợi ý đặt ra những khu vực “không sử dụng thiết bị di động” trong nhà như phòng ngủ.

Với trẻ thanh thiếu niên, Tiến sĩ Cameron đề nghị các phụ huynh thảo luận với trẻ để đặt ra giới hạn. Theo bà, việc thảo luận một cách cởi mở và xây dựng đồng nghĩa với việc trẻ là người cùng lập ra quy định, và vì thế trẻ - những người đang ở trong độ tuổi nhạy cảm - sẽ thấy bớt bị áp đặt bởi phụ huynh hơn. Cùng với đó, Tiến sĩ Hirsh-Pasek đề nghị phụ huynh khuyến khích trẻ tắt âm thông báo khi chúng đang cố tập trung.

Cùng trẻ đặt quy định về việc ôm đồm nhiều việc cùng lúc

Các tín đồ công nghệ thường nghĩ rằng họ bẩm sinh là những người 'đa năng', nhưng theo Tiến sĩ Hirsh-Pasek, chỉ có 2% trong số họ thực sự đa năng. Cũng theo vị tiến sĩ này, những người trong số 98% còn lại sẽ bị giảm đi 30% năng suất làm việc nếu họ cố tỏ ra đa năng.

Với lời khuyên này, các vị phụ huynh sẽ lí do để nhắc nhở con mình rằng trẻ sẽ đọc xong một cuốn sách kinh điển (như Macbeth của đại thi hào Shakespeare) nhanh hơn với nhiều kiến thức đọng lại trong đầu hơn nếu như trẻ không màng đến điện thoại, TV, máy chơi game, và cả tiếng chó sủa trong suốt thời gian ngâm cứu cuốn sách.

Luôn suy nghĩ trước khi hành động…

Tâm lí hấp tấp luôn tác động tiêu cực đến chức năng điều hành. Tiến sĩ Hirsh-Pasek cho biết: "Ngay cả người lớn cũng hấp tấp. Chúng ta thường lao vào trả lời thư điện tử chỉ để nhanh chóng dọn bớt hòm thư (qua đó dọn bớt việc) cho chúng ta.”.

Sẽ tốt hơn cho trẻ em và người lớn nếu họ dừng lại cân nhắc chính xác điều họ muốn làm ở hiện tại, trong cả ngày, và suốt cả tương lai lâu dài sắp tới. Cũng theo Tiến sĩ Hirsh-Pasek, bà luôn khuyến khích cô cháu gái 2 tuổi của bà suy nghĩ trước tiên, đếm đến 3, rồi mới hành động.

Thói quen cân nhắc trước khi thực hiện ở trên chính là yếu tố “tự kiểm soát” trong chức năng điều hành, và nó có ý nghĩa cả về mặt xã hội lẫn mặt học tập. Thói quen này sẽ rèn cho trẻ tiếp cận các hoạt động một cách có mục đích thay vì nhảy liên tục từ kích thích này sang kích thích khác, đồng thời cũng giúp trẻ linh hoạt xử lí tình huống nếu thực tế không diễn ra đúng như kế hoạch.

… và luôn luyện tập

Trung tâm Phát triển Trẻ em của Đại học Harvard đã đưa ra một số hoạt động bổ ích để phụ huynh cùng thực hiện với con mình để cải thiện chức năng điều hành của trẻ.

Các hoạt động được sắp xếp theo lứa tuổi từ trẻ sơ sinh cho đến trẻ vị thành niên, bao gồm cả những trò chơi như Simon Says  hoặc Go Fish sẽ giúp trẻ nhỏ ghi nhớ thông tin và lên ý tưởng cho những bước tiếp theo. Những trò chơi vỗ tay hoặc đọc thơ có vần đơn giản sẽ giúp tăng cường trí nhớ và khả năng thực hiện.

Với trẻ lớn hơn, các nhà khoa học của cả Việc Nghiên cứu Brookings lẫn Trung tâm Phát triển Trẻ em của Đại học Harvard đều đề xuất cho trẻ tham gia những hoạt động truyền thống vốn đòi hỏi duy trì tập trung như võ thuật, khiêu vũ, nhạc cụ, hay kịch nghệ.

activities-to-get-your-kids-playing-outside.jpg

Tiến sĩ Cameron cho biết: "Chắc chắn trẻ sẽ không sử dụng điện thoại khi bạn đang thủ một vai kịch sau giờ học. Bằng cách đó, trẻ đang tự rèn cho mình thói quen lờ đi mọi thông báo tin nhắn chất đống trên màn hình.”.

Ngoài ra, trẻ vị thành niên cũng nên tự xem lại liệu chúng làm chủ điện thoại hay điện thoại kiểm soát chúng. Theo tiến sĩ Cameron, trẻ không nhất thiết đưa mắt qua nhìn màn hình mỗi lần có thông báo tin nhắn xuất hiện, và nếu trẻ không nhìn vào màn hình trong một thời gian tương đối dài thì có nghĩa là trẻ đang làm một công việc chúng yêu thích hơn hoặc có lợi cho chúng hơn.

Một bí quyết cho vấn đề tin nhắn này là các phụ huynh có thể hướng dẫn trẻ nhắn tin theo từng đợt thay vì chốc chốc lại mất tập trung để trả lời mỗi lần thông báo tin nhắn sáng lên.

Phụ huynh là tấm gương cho trẻ noi theo

Trẻ sẽ hình thành thái độ tích cực đối với việc rèn luyện khả năng tập trung, nếu như chúng tận mắt thấy bố mẹ chúng cũng rất tập trung.

Vì thế, bố mẹ hãy để trẻ tận mắt thấy mình đọc sách hoặc đắm mình vào một công việc yêu thích, tắt các thiết bị di động trong một khoảng thời gian tương đối - nhất là không sử dụng điện thoại trong bữa tối, theo lời Tiến sĩ Hirsh-Pasek, và tuyệt đối không nhắn tin khi đang lái xe.

iStock_000040003222_Large.focus-none.original.jpg

Cuộc sống số hiện tại đầy rẫy những yếu tố gây mất tập trung, và thật không may là ngay cả các bậc phụ huynh cũng gặp khó khăn với các vấn đề giảm sự chú ý và nghiện mạng xã hội.

Dù thế, Tiến sĩ Hirsh-Pasek cho rằng sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn nếu mọi người xem và đối phó với những yếu tố công nghệ gây xao lãng như một vấn đề vệ sinh.

Bà nhận định: "Nhiệm vụ của các bậc phụ huynh chúng ta là tạo môi trường và điều kiện để bọn trẻ phát triển. Nếu bạn vào phòng con bạn và thấy căn phòng bừa bộn đến mức không thể tìm thấy sách vở, bạn vẫn phải giúp con bạn dọn phòng - căn phòng không nhất thiết phải sạch sẽ tinh tươm sau khi dọn, nhưng bạn vẫn phải làm. Tương tự như vậy, chúng ta cần trao cho bọn trẻ phương tiện chúng cần để thành công trong một thế giới rối ren như chính căn phòng bừa bộn của chúng.”.

Quốc Huy (theo Lifehacker)