Người chế xe đạp bằng tre độc nhất vô nhị ở miền Tây
Với bàn tay khéo léo của người nghệ nhân Khmer ở làng nghề tre Hàm Giang (Trà Vinh) những cây tre mộc mạc được 'chế'thành những chiếc xe đạp vô cùng độc đáo.
Làng nghề tre truyền thống của đồng bào Khmer ở xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, lâu nay vốn nổi tiếng với những sản phẩm đẹp như: bàn ghế, giường, tủ, salon tre... Mấy năm nay, với tư duy cải tiến đầy sáng tạo của người dân, những cây tre còn được “biến hóa” thành những chiếc xe đạp.
Người tạo nên sản phẩm xe đạp tre thú vị này là ông Trì Cảnh (42 tuổi) một nghệ nhân của làng tre Hàm Giang, truyền nhân đời thứ 3 trong một gia đình người Khmer có truyền thống làm nghề tre.
Ông Cảnh kể, gắn bó với làng nghề tre từ nhỏ nên ông đã nếm trải và thấu hiểu những thăng trầm cũng như sự vất vả của người làm nghề tre. Sản phẩm làm ra công phu, mất nhiều thời gian nhưng thu nhập vẫn thấp.
Trăn trở với những khó khăn của nghề tre, ông Cảnh đã tìm hiểu rất nhiều. Ông kể, nhiều đêm mất ngủ, trằn trọc suy nghĩ về nghề gia truyền, chợt một hôm, ông nghĩ đến các khu du lịch sinh thái, nhu cầu sử dụng các vật dụng có nguồn gốc thiên nhiên rất lớn. Suy nghĩ lóe lên trong đầu ông là những sản phẩm xe ngựa, cánh quạt, chuông gió…
“Cuối cùng tôi tự hỏi, khách Tây rất thích chạy xe đạp dã ngoại, có cách nào làm xe đạp bằng tre? Điều này tôi rất khả thi bởi tre vốn bền và cứng cáp”, ông Cảnh nói. Ý tưởng “biến” cây tre ở phum sóc mình thành những chiếc xe đạp độc đáo để cung cấp cho các cơ sở kinh doanh du lịch của ông Cảnh bắt đầu hình thành.
Ông bắt đầu thử nghiệm, chọn những cây tre ưng ý nhất, loay hoay lắp ráp rồi thất bại nhiều lần. Những ngày đầu, đã ráp được hoàn chỉnh sản phẩm nhưng khi chạy thử thì không được, nên ông phải tháo ra hết, rồi làm lại từ đầu.
“Cũng hơi nản nhưng mà nghĩ mình đã làm được thành hình chiếc xe rồi, nếu bỏ ngang thì coi như bỏ hết công sức nghiên cứu từ trước đến nay. Thế rồi, tôi lại bắt tay vào ráp tiếp, coi cái nào chưa được thì tìm cách sửa”, ông Cảnh chia sẻ.
Theo nghệ nhân này, để hoàn thành một chiếc xe đạp bằng tre phải trải qua nhiều công đoạn rất phức tạp.
Tre làm khung sườn là loại tre gai già, thân thẳng, vỏ dày, khoảng cách các mắt tre gần nhau, như vậy khung sườn mới có độ chắc và bền cao. Để tre không bị mối mọt làm hư hỏng theo thời gian, phải ngâm tre làm khung sườn trong nước vôi khoảng 15 ngày, nhờ vậy giúp sản phẩm xe đạp tre của ông sử dụng được từ 7 - 8 năm.
Theo ông Cảnh, công đoạn khó nhất để làm xe đạp tre là khi chế tác sườn xe. Phải tự chế khung sắt, rồi đo độ dài, đường kính của tre, sau đó tra vào làm sao cho tre và lõi sắt vừa khít với nhau. Để làm hoàn chỉnh một sản phẩm, ông Cảnh cùng 2 người thợ nữa phải mất đến 10 ngày.
“Công việc này không thể nào làm gấp được. Khi chỉnh sườn tre bên ngoài, tôi đồng thời phải chỉnh luôn khung sắt bên trong, chưa kể đến đoạn gắn thử xem bánh trước, bánh sau có khớp với nhau hay không. Nếu chưa thì phải tháo ra, tháo vô gắn lại đến khi nào đúng khớp thì thôi”, ông Cảnh nói.
Điều đặc biệt là thứ dùng để kết nối những bộ phận trên khung sườn lại với nhau không phải là ốc vít, hay các mối hàn mà bằng dây mây và chốt tre. Theo ông Cảnh, khi tre đã xử lí mối mọt thì chất tre rất mặn, nếu gắn ốc vít thì tầm 1 - 2 năm sẽ bị ăn mòn, khiến sườn xe đạp bị tuột ra không sử dụng được nữa. Tuy đó chỉ là chi tiết nhỏ nhưng nó lại quyết định sự thất bại hay thành công của chiếc xe đạp tre.
Hiện tại, sản phẩm xe đạp tre của ông Cảnh có 70% bộ phận gồm phần sườn, ghi đông… làm bằng tre, còn lại 30% các bộ phận như: bánh xe, căm, dây xích xe phải mua. Những chiếc xe được thiết kế theo kiểu dáng xe thể thao, được các khu du lịch ưa chuộng.
Mỗi tháng, cơ sở của ông Cảnh bán ra thị trường theo đơn đặt hàng từ 10 - 15 chiếc xe đạp tre với giá từ 5 - 5,5 triệu đồng.
“Ưu điểm nổi bật của xe đạp tre là nhẹ, cảm giác khi đạp xe rất nhẹ chân và đà chạy nhanh hơn”, ông Cảnh nói. Cũng theo ông, chính nhờ ưu điểm kể trên cùng sự độc đáo, lạ mắt nên những chiếc xe đạp tre khi đưa vào sử dụng ở các khu du lịch tại TP.HCM, TP.Nha Trang, Vĩnh Long, TP.Cần Thơ,… đều mang lại cảm giác thích thú, hào hứng cho du khách.
Đình Tuyển - Nhật Hạ (Báo Thanh niên)