Học sinh chế tạo robot cứu hỏa điều khiển từ xa vì... tò mò

Từ thắc mắc làm sao dập tắt đám cháy trong địa hình chật hẹp, hai học sinh cấp 2 ở Thừa Thiên - Huế đã tạo ra được chú robot cứu hỏa điều khiển từ xa bằng sóng RF.

Tổng chi phí của Robot khoảng 2 triệu đồng. Ảnh: Nhật Tuấn.

Tổng chi phí của Robot khoảng 2 triệu đồng. Ảnh: Nhật Tuấn.

Vào cuối năm 2017, khi xem chương trình tin tức có đưa về các vụ hỏa hoạn lớn ở TP. HCM, Hà Nội, hai bạn Lê Mai Hương và Trần Văn Tuấn (trường THCS Lâm Mộng Quang, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) đã có chung một thắc mắc. Đó là làm sao để dập tắt đám cháy trong địa hình ngoằn ngoèo, chật hẹp, rò rỉ khí ga... mà xe cứu hỏa không vào được. 

Hai bạn đem câu hỏi này đến hỏi thầy giáo Trương Phức. “Khi đó, tôi cười và bảo các em nên tập trung vào học để thi học sinh giỏi. Đến hôm sau, em Hương nói, em có ý tưởng tạo ra xe cứu hỏa điều khiển từ xa. Tôi thấy đây là một ý tưởng hay và lập tức lên kế hoạch thực hiện, giúp đỡ các em”, thầy Phức kể lại.

Chia sẻ về lý do chọn sóng RF, Mai Hương cho biết, sóng RF có bước sóng trung bình, có tần số khoảng từ 3Khz đến 300Ghz. Đây là sóng rất thông dụng, ngay cả trong bộ điều khiển từ xa của xe đồ chơi trẻ em cũng có sóng này.

Dùng bộ điều khiển sóng RF, lính cứu hỏa đứng cách đám cháy một khoảng cách an toàn (>50m) vẫn có thể điều khiển robot di chuyển vào dập tắt đám cháy. 

Mai Hương bên sản phẩm của nhóm. Ảnh: Nhật Tuấn.

Mai Hương bên sản phẩm của nhóm. Ảnh: Nhật Tuấn.

Theo tìm hiểu, nguyên vật liệu của robot được tận dụng từ các sản phẩm đã hỏng như bộ vi mạch từ các CPU của máy tính cũ, hai động cơ điện một chiều lấy từ động cơ quạt trong máy tính, động cơ dùng để nâng, hạ vòi phun tận dụng từ động cơ làm cần gạt nước của các xe ô tô cũ (mua từ phế liệu), bộ điều khiển từ xa tận dụng từ xe đồ chơi của trẻ em… Robot chỉ được trang bị một thiết bị mới, đó là camera hồng ngoại với giá 600.000 đồng.

Theo Mai Hương, nhờ có hệ thống bánh xích có bản bằng cao su chịu lực và nhiệt cao, xe robot có thể kéo vòi phun nước vượt qua mọi địa hình để dập tắt đám cháy. Xe robot cũng di chuyển linh hoạt như tiến, lùi, quay trái, quay phải. Vòi phun có thể nâng lên hay hạ xuống để phun nước dập tắt đám cháy ở mọi góc độ.

“Ngoài ra, robot có khả năng làm việc trong môi trường khắc nghiệt, độc hại, cháy nổ, phóng xạ như khói, bụi, ban đêm... Đồng thời, camera truyền hình ảnh hiện trường, vị trí người bị nạn, vị trí đám cháy, kết cấu hạ tầng ra bên ngoài ở những vùng không có sóng wifi”, Văn Tuấn cho hay. 

Sắp tới, nhóm tiếp tục phát triển theo hướng sử dụng các cảm biến nhiệt độ, vật thể, tia hồng ngoại, camera giám sát để robot có khả năng tránh vật cản, nhìn xuyên được khói bụi, phát hiện phán đoán nguy hiểm, người bị nạn truyền về trung tâm điều khiển. Ngoài ra, phát triển thêm hệ thống thang trượt để robot có thể leo lên được những tòa nhà cao tầng dập tắt đám cháy trên cao mà xe cứu hỏa hiện nay không phun tới.

Trao đổi với Tạp chí Khám phá, thầy Trương Phức - Giáo viên hướng dẫn, cho biết Hương và Tuấn đều là học sinh giỏi, năng động. Trong thời gian khoảng 4 tháng, các em thực hiện xong sản phẩm này.

“Dù có nhiều khó khăn, nhưng các em có niềm đam mê nghiên cứu, miệt mài thực hiện từ ngày này đến ngày khác nên cuối cùng cũng tạo ra được sản phẩm. Với giá thành rẻ, nguyên liệu dễ tìm, dễ chế tạo, kích thước gọn nhưng động cơ cực mạnh, vòi phun có thể phun nước đi xa với khoảng cách gấp 10 lần chiều dài robot”, thầy Trương Phức chia sẻ.

Nhật Tuấn - Báo Khám phá

Bài gốc