Khi thầy viết bảng, bụi phấn... hết rơi rơi nhờ viên phấn đặc biệt
Với viên phấn 'thân thiện' của Đặng Như Kim Ngân, bụi phấn sẽ không còn 'cơ hội' vương trên tóc thầy cô, mà sẽ được thu hồi để tái sử dụng.
Tạo nhân tính từ cho hạt phấn
“Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi. Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng. Có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy…” lời bài hát quen thuộc đã đi vào tâm thức bao thế hệ thầy cô và học trò. Phấn viết là sản phẩm được sử dụng phổ biến trong trường học vì có nhiều điểm ưu việt như có thể viết, xóa dễ dàng, giá rẻ… Tuy nhiên, bụi phấn lại rất độc hại không chỉ với sức khỏe con người mà còn với môi trường.
Mặc dù hiện nay trên thị trường có các loại phấn chống bụi, nhưng loại phấn này chỉ đảm bảo sức khỏe người dùng chứ chưa đảm bảo vệ sinh môi trường. Từ trăn trở này, Đặng Như Kim Ngân, nữ sinh Trường THPT Hai Bà Trưng, thành phố Huế, đã nảy ra ý tưởng thu hồi bụi phấn để tái sản xuất.
“Cần phải thêm nhân cho phấn viết là hạt từ để khi viết có thể kết hợp với phấn chống bụi hiện nay và dùng tấm lau từ để thu hồi bụi phấn và tái sản xuất. Nếu làm được điều này thì phấn viết sẽ vừa đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng, đảm bảo môi trường, tiết kiệm về mặt kinh tế”, Ngân chia sẻ.
Với sự giúp đỡ của cô giáo Dương Vân Anh và bố, Ngân đã lên ý tưởng, nghiên cứu và thử nghiệm. Đầu tiên, em nghiên cứu về các nguyên liệu phấn viết và quy trình sản xuất hiện nay. Sau đó, nghiên cứu xem loại bột từ nào phù hợp. Tiếp đến, em làm thử nghiệm phấn để so sánh với phấn thông thường và kiểm chứng.
Trong quá trình nghiên cứu, Ngân gặp những khó khăn về việc chọn vật liệu bột từ phù hợp. “Lúc đầu, em tận dụng sẵn bột mực in có trong nhà để làm. Nhưng do bột này rất độc và giá thành cao nên em nghĩ đến việc dùng bột sắt. Tuy nhiên, sắt rất khó bảo quản nên em đã thất bại rất nhiều lần”.
Dù nhiều lần thất bại nhưng cô bé vẫn quyết tâm làm bằng được ý tưởng của mình. Ngân đã thêm nhân cho phấn viết bằng các hạt có tính từ cao. Sau đó, dùng tấm lau bảng từ (được tận dụng từ nhựa và nam châm vĩnh cửu) để thu hồi khi lau bảng. Hầu hết các hạt phấn từ (có nhân là hạt sắt và hạt ô - xít sắt từ) đều bị hút và có khả năng nhiễm từ để hút tiếp các hạt khác tạo thành một khối bền vững.
Giảm chi phí, giảm tối đa chất thải ra môi trường
Sau khi hoàn thành sản phẩm, Kim Ngân đã đưa sản phẩm của mình đến kiểm định tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh. Kết quả cho thấy, khi lau bảng, phấn chống bụi thông thường có lượng bụi phấn thải ra không khí nhiều hơn phấn từ 4,2 lần. Còn lượng bụi phấn thải ra không khí khi lau bảng của phấn từ rất thấp, chỉ bằng 7% so với tiêu chuẩn cho phép của môi trường.
Nói về khả năng ứng dụng sản phẩm, Ngân tự tin cho biết, phấn từ có thể dễ dàng sản xuất trên các dây chuyền sản xuất phấn hiện có, chỉ bổ sung một số rất ít vật liệu mới vào hỗn hợp nguyên liệu phấn lúc phối trộn. Vật liệu bổ sung thông dụng, giá hợp lý nên giá thành sản phẩm tăng không đáng kể.
Ngoài ra, bột phấn sau khi thu hồi có thể chuyển về nơi sản xuất để tái sản xuất ra sản phẩm mới, giảm chi phí cũng như giảm tối đa chất thải ra môi trường.
Loại phấn mới có khả năng chống bụi rất cao và có thể thu hồi bụi phấn gần như hoàn toàn (trên 95%), màu sắc không thay đổi khi viết lên bảng.
Với những ưu điểm nổi trội, mới mẻ và sáng tạo, đề tài của Kim Ngân đã giành được giải Ba cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018.
Nói về những dự định sắp tới, Kim Ngân cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm nhân phấn bằng bột niken, nghiên cứu về các loại bột từ và chọn ra loại tối ưu nhất để hoàn thiện cho sản phẩm phấn viết bảo vệ sức khỏe và môi trường.
Cẩm Lai - Báo Khám phá