Sáng kiến mới trong chống dịch tả lợn châu Phi của Thanh Hóa
Chi cục thú y tỉnh Thanh Hóa đã áp dụng sáng kiến rắc rơm ra mặt đường rồi tưới hóa chất và rắc vôi bột lên trên, giúp tăng hiệu quả phòng dịch.
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi đã và đang lan rộng ra nhiều tỉnh thành ở phía Bắc, Chi cục thú y tỉnh Thanh Hóa đã áp dụng sáng kiến rắc rơm ra mặt đường rồi tưới hóa chất và rắc vôi bột lên trên, giúp tăng hiệu quả cho công tác tiêu độc, khử trùng phương tiện ra vào vùng dịch.
Để đối phó với dịch tả lợn Châu Phi, các địa phương trên địa bàn Thanh Hóa ngoài việc thực hiện phun tiêu độc, khử trùng bằng hóa chất, rắc vôi bột và cách ly vùng dịch với bên ngoài; tại các hố chôn lợn dịch tả châu Phi, sau khi bị tiêu hủy đã được các nhân viên thú y rắc vôi bột và phun khử trùng tiêu độc ít nhất trong vòng 3 tuần nhằm tận diệt virut dịch bệnh.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng lập các đội kiểm tra lưu động động vật liên ngành kiểm soát 24/24 giờ đối với lợn, sản phẩm từ lợn ra, vào địa bàn…
Ông Đặng Văn Hiệp - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết, sáng kiến rắc rơm, vôi và phun hóa chất ra đường là cách làm hiệu quả và được đánh giá cao.
“Đó là sáng kiến anh em làm thực tế nghĩ ra, thấy kinh nghiệm thì làm ví dụ đường nhiều phun sao hết được, cả chặn đầu ổ dịch tốt nhất biện pháp phun là lót để phun nước vào để hóa chất vào cho xe lăn, xe đạp, xe máy đều chủ động đi qua.
Tại địa điểm vùng dịch xảy ra hoặc điểm chốt huyện thì làm rất tốt, xe ra xe vào vùng dịch còn kể cả xe không vào vùng dịch mà đi qua hóa chất như vậy cũng rất tốt”, ông Hiệp nói.
Ông Hiệp cũng cho biết thêm, hiện nay tại các chốt chặn ra vào vùng đệm, vùng uy hiếp, lực lượng chức năng tiến hành rắc rơm ra mặt đường rồi tưới hóa chất khử trùng và rắc vôi bột lên trên với độ rộng, độ dày và chiều dài đủ 3 - 5 vòng bánh xe phương tiện cơ giới để mọi phương tiện cơ giới qua lại đều được khử trùng, tiêu độc. Còn tại vùng ổ dịch, tất cả các xe ra vào đều phải được phun hóa chất tiêu độc khử trùng và được kiểm soát nghiêm ngặt.
Sáng kiến này của Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa đang được người dân vùng dịch hưởng ứng và các cơ quan đánh giá cao về tính hiệu quả, đồng thời đang cho áp dụng ra phạm vi toàn tỉnh.
Sỹ Đức - VOV