Học sinh ‘chế’ “cần hái đa dụng” giúp thu hoạch cau, thay bóng đèn từ xa

Công cụ cần hái đa dụng giúp cho những người đi thu mua hái cau, thu hoạch trái cây hay thợ thay bóng đèn… có thể nâng cao năng suất, tính an toàn, hiệu quả, giúp cải thiện đời sống của người dân vùng quê.

Hình 1: Thiết bị cần hái của hai em học sinh cấp 2. Ảnh: Nhật Tuấn.

Hình 1: Thiết bị cần hái của hai em học sinh cấp 2. Ảnh: Nhật Tuấn.

Chủ nhân của sáng chế này chính là em Nguyễn Đắc Quang Huy và Lê Hải Phú (học sinh trường THCS Đặng Hữu Phổ, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế).

Giảm thiểu rủi ro khi lao động cho người dân

Quang Huy cho hay, trong cuộc sống thực tế, các em nhận thấy một số công việc của người lao động còn khó khăn và dễ gặp tai nạn lao động như việc dùng thang để hái cau, hái trái cây với các cây thân gỗ.

Cần hái có nhiều tính năng. Ảnh: Nhật Tuấn.

Cần hái có nhiều tính năng. Ảnh: Nhật Tuấn.

“Đặc biệt, trong trường hợp có những độ cao khá lớn so với chiều dài của thang và cũng bất tiện trong việc di chuyển. Hoặc việc thay bóng đèn (đuôi vặn) trên cao và nhất là nơi có không gian hẹp hoặc nơi khó dùng các phương tiện hỗ trợ như nhà thi đấu, cột đèn xóm… Từ đó, chúng em nghiên cứu và tạo ra chiếc cần hái đa dụng”, Huy trình bày.

Phần để cầm tay sử dụng cần hái. Ảnh: Nhật Tuấn.

Phần để cầm tay sử dụng cần hái. Ảnh: Nhật Tuấn.

Trong hai tháng, các bạn đã tiến hành lên ý tưởng, thực hiện và thử nghiệm sản phẩm. Cần hái gồm có 3 ống trụ (mỗi ống dài 2 mét) ghép nối với nhau bằng khớp để có thể tăng giảm chiều dài. Tùy theo độ dài, chúng ta có thể tăng số lượng ống trụ 1 khớp động và 2 má kẹp, 1 động cơ có vòng tua chậm, 1 bộ nguồn 12 vôn, 1 bộ điều khiển và 1 công tắc đảo chiều, 1 dao hái.

Sản phẩm đã được các em thử nghiệm và cho kết quả tốt, phù hợp với địa phương, nơi có nhiều cây cau là sản phẩm phổ biến, mang lại thu nhập kinh tế cao cho người dân.

Sử dụng dễ dàng, phù hợp với vùng nông thôn

Thử nghiệm thay bóng đèn. Ảnh: NVCC.

Thử nghiệm thay bóng đèn. Ảnh: NVCC.

Theo Huy, khi hái trái cây, người sử dụng cần hái tiến hành lắp dao hái vào ống trụ, điều khiển chiều dài của các ống trụ cho phù hợp với độ cao cần hái. Di chuyển lưỡi hái đến cuống buồng cau, đồng thời bật công tắc điều khiển cho mở kẹp ra, đẩy mạnh lưỡi hái sao cho xén đứt cuống buồng cau kết hợp điều khiển cho mỏ kẹp kẹp chặt buồng cau để đưa xuống an toàn.

Trong khi đó, muốn thay bóng đèn, người dùng cần lấy lưỡi dao hái ra, điều chỉnh độ cao ống trụ phù hợp, rồi di chuyển mỏ kẹp đến vị trí bóng đèn. Sau đó, tiến hành điều khiển công tắc để mỏ kẹp mở ra, điều chỉnh mỏ kẹp sao cho kẹp chặt bóng đèn, vặn ống trụ theo chiều mở bóng đèn, thay bóng mới và thao tác ngược lại.

Hái cau. Ảnh: NVCC.

Hái cau. Ảnh: NVCC.

Huy cho biết, sản phẩm đáp ứng tốt yêu cầu của người lao động với thao tác nhanh, hiệu quả, đảm bảo an toàn, thuận lợi trong các điều kiện, đặc biệt là việc thu mua vào mùa mưa. Lúc đó, cây bị ướt nên rất dễ trơn trượt gây tai nạn lao động khi phải trèo để hái cau. Ngoài ra, khi di chuyển có thể thu gọn lại dễ dàng, chứ không như lúc trước phải mang vác sào, thang cồng kềnh.

“Sản phẩm là sự kết hợp của các khớp động, bộ điều khiển, động cơ, má kẹp, dao hái để tạo thành một sản phẩm với nhiều công dụng phục vụ đắc lực cho các công việc nguy hiểm của mọi người. Sản phẩm giúp giải quyết các công việc nhanh chóng, an toàn và không phải leo trèo. Khả năng ứng dụng vào thực tiễn rất cao, đây là công cụ mà mọi người mong muốn để cải thiện cuộc sống tốt hơn”, Huy chia sẻ về tính sáng tạo của cần hái.

Thành quả của việc dùng cần hái. Ảnh: NVCC.

Thành quả của việc dùng cần hái. Ảnh: NVCC.

Mới đây, đề tài được đạt giải Khuyến khích cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019.

Sắp tới, các bạn dự định sẽ tìm ra những cái mới và cố gắng hoàn thiện. Bởi vì các em ở nông thôn chưa tiếp xúc với các vật liệu cao cấp nên còn nặng nề. Hiện nay, các em đã tìm ra vật liệu mới để thay ống trụ sắt bằng ống sợi cacbon cho nhẹ nhàng hơn, không làm mỏi cơ tay khi hái quá lâu.

Huy nhận giải tại cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019. Ảnh: Nhật Tuấn.

Huy nhận giải tại cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019. Ảnh: Nhật Tuấn.

Thầy Trần Bá Minh – Giáo viên hướng dẫn cho biết: “Đề tài được hình thành với mục tiêu ứng dụng trong đời sống ở quê hương mình, nhất là vào mùa đông, người buôn cau trèo cây cau dễ tai nạn, trơn trượt. Do đó, khi cần hái ra đời đã làm công việc hái cau rất nhanh và tiện lợi. Ngoài ra, dụng cụ này còn được dùng để thay bóng đèn mà không cần dùng thang và tránh được nguy hiểm. Hiện nay, sản phẩm đã được ứng dụng vào thực tế và đã thành công. Tuy nhiên, nếu sản xuất đại trà cần thay thế vật liệu cho nhẹ hơn”.

                                                                                           Nhật Tuấn