Học sinh THPT chế giấy ‘đo’ chất lượng thực phẩm

Từ củ nghệ, giấy lọc và ancol etylic (cồn 96 độ), nhóm học sinh ở Thừa Thiên Huế đã tạo ra loại giấy có thể kiểm tra sự tồn tại của các chất bảo quản trong thực phẩm.

Chủ nhân của đề tài trên chính là bạn Hồ Xuân Vũ Quốc Huy và Hồ Thị Phương Dung (trường THPT Nguyễn Chí Thanh, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) cùng sự hướng dẫn của thầy giáo Trần Như Ý.

Thí nghiệm với cá. Ảnh: Nhật Tuấn.

Thí nghiệm với cá. Ảnh: Nhật Tuấn.

Dễ dàng phát hiện thực phẩm bẩn

Huy cho hay, trong quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm, người ta thường sử dụng nhiều phương pháp để làm cho thực phẩm luôn tươi ngon như: làm đông lạnh, sử dụng một số hóa chất bảo quản như diêm tiêu (KNO3, NaNO3), Na2B4O7 (hàn the)… Tuy nhiên, việc sử dụng các hóa chất này không đúng liều lượng làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

“Mặt khác, vì tiện lợi dễ sử dụng và giá thành thấp, nhiều nơi còn sử dụng một số chất bảo quản khác như: Ure (NH2)2CO để bảo quản cá thịt làm cho cá, thịt tươi lâu, Fomol HCHO làm cho cá thịt ươn hết mùi thối, bánh phở, sợi bún khó bị hỏng khi để lâu vì hàn the…

Do đó, chúng em muốn giúp người tiêu dùng có được phương pháp để dễ dàng phát hiện ra thực phẩm bẩn, giúp người tiêu dùng có được độ tin cậy nhất định khi lựa chọn thực phẩm trên thị trường”, Huy chia sẻ.

Dễ dàng phân biệt đâu là thịt tươi. Ảnh: Nhật Tuấn.

Dễ dàng phân biệt đâu là thịt tươi. Ảnh: Nhật Tuấn.

Sử dụng nguyên liệu chế giấy ‘đo’ thực phẩm từ ‘trong bếp’

Trong thời gian khoảng 3 - 4 tháng, các em nghiên cứu đề tài kiểm tra sự tồn tại của các chất bảo quản trong thực phẩm bằng dung dịch chiết xuất từ củ nghệ. Sau đó, tiếp tục phát triển đề tài này.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về kiến thức cũng như phương tiện cần thiết, thời gian tập trung cho đề tài còn hạn hẹp, song với mong muốn đóng góp thêm một loại giấy có thể phát hiện ra các chất bảo quản có trong thực phẩm, giúp đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người tiêu dùng, đồng thời, khẳng định lòng say mê và ham hiểu biết, các bạn đã hoàn thiện tốt sản phẩm này.

Lúc đầu, các bạn chỉ khảo sát về hàn the trong chả. Sau khi được thầy hướng dẫn, đề tài đã mở rộng sang các sản phẩm chứa hàn the khác như sợi bún, sợi phở. Sau đó, đề tài lại tiếp tục nghiên cứu và mở rộng sang lĩnh vực là thịt, cá ươn đã hoặc chưa qua xử lí. Chỉ một tờ giấy nghệ, chúng ta có thể kiểm tra được rất nhiều thực phẩm mà chúng ta nghi ngờ.

Theo Huy, nghệ làm sạch, loại bỏ vỏ, giã nhuyễn trong cối sứ, thêm 50ml cồn 96 độ trộn đều, ngâm 3 phút. Lọc bã qua tấm lọc, thu được dung dịch chiết xuất từ củ nghệ.

Sau đó, ngâm giấy lọc trong dung dịch chiết xuất từ nghệ trong 1 phút, lấy ra đem sấy khô (không được phơi dưới ánh nắng mặt trời), thu được giấy chiết xuất từ củ nghệ. Từ đó, tạo ra loại giấy nhận biết được các chất bảo quản như hàn the, fomol, methanol chứa trong thực phẩm.

Giấy nghệ có sự khác biệt giữa chả không có và có hàn the. Ảnh: Nhật Tuấn.

Giấy nghệ có sự khác biệt giữa chả không có và có hàn the. Ảnh: Nhật Tuấn.

Cụ thể, trong chả, bún, phở thường chứa hàn the. Khi hàn the tan sẽ tạo ra môi trường có tính kiềm. Giấy nghệ trong môi trường kiềm sẽ chuyển từ màu vàng sang màu đỏ.

Đối với thịt, cá, khi thối thì protein sẽ phân hủy tạo ra các chất như H2S, NH3. Chính Nh3 khi tan sẽ tạo thành NH4OH có tính kiềm. Vì vậy, giấy nghệ trong cá thịt thối sẽ chuyển từ màu vàng sang đỏ.

Hoặc khi cá thịt thối được người ta đem tẩm fomol để protein trong thịt đông tụ, săn chắc, không còn mùi, được tẩm ure cho cá để cá tươi lâu hơn, hết mùi. Nhưng dù sao trong đó vẫn tồn tại một lượng NH3 đáng kể làm cho giấy nghệ chuyển từ màu vàng sang đỏ.

Dung cho hay: “Hiện nay, trên thị trường có một bộ kit thử hàn the của Bộ công an với giá là 250-300 ngàn đồng. Cách sử dụng phức tạp, thời gian đợi từ 20-30 phút. Trong khi đó, đề tài phát hiện được 1-2 phút và giá cả để làm sản phẩm rất rẻ. Chúng em mong muốn, mọi người dân đều làm được, sử dụng được chứ không phải là tạo sản phẩm để bán lấy tiền”.

Với sản phẩm này, khi nào đi ăn, đi chợ, chúng ta luôn sử dụng được để kiểm nghiệm các sản phẩm. Qua đó, giúp mọi người tránh được các thực phẩm bẩn như  thực phẩm có chứa hàn the, thực phẩm thối, thực phẩm đóng hộp.

Theo Huy, quá trình tạo dung dịch nghệ để tạo ra giấy nghệ rất đơn giản, người dân có thể tự làm ở nhà. Tuy nhiên, giấy nghệ chỉ có thể sử dụng không vượt quá 15 ngày (nếu bảo quản tốt).

Huy nhận giải tại cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019. Ảnh: Nhật Tuấn.

Huy nhận giải tại cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019. Ảnh: Nhật Tuấn.

Mới đây, đề tài này đã giành giải Nhì cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019 và mới nộp hồ sơ cho vòng thi Quốc gia.

Trao đổi với chúng tôi, thầy Ý cho hay, tính sáng tạo của các em xuất phát từ nhu cầu cuộc sống, tạo ra sản phẩm để giúp người dân có thể sử dụng một cách dễ dàng để phát hiện ra những thực phẩm không tươi sống, có chất bảo quản, hàn the…

“Đề tài này có giá trị cao, có thể thay thế được bộ kít thử hàn the của Bộ công an, đồng thời, phát hiện ra các loại thịt không được tươi tắn do người ta sử dụng các chất bảo quản, chất làm tươi trên thị trường… Sản phẩm có khả năng áp dụng rộng rãi”, thầy Ý chia sẻ.

                                                                                      Nhật Tuấn