Trường học nhận rác thải nhựa thay học phí

Nhằm hạn chế rác thải nhựa cũng như nâng cao nhận thức cho học sinh, một trường học tại Đông Bắc Ấn Độ đã quyết định nhận rác thải nhựa thay cho học phí. Ý tưởng này đang nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía cộng đồng.

Ấn Độ đang phải đối mặt với nạn rải thải nhựa, với khối lượng thải ra 26.000 tấn mỗi ngày. Ở huyện Pamohi, thuộc bang Assam phía Đông Bắc, người dân thường đốt rác để sưởi ấm vào những ngày mùa đông khắc nghiệt, dưới chân núi Himalaya.

Ngôi trường nhận rác thải nhựa

Tuy nhiên, 3 năm trước, cô Parmita Sarma và anh Mazin Mukhtar đã đến nơi đây và lập nên ngôi trường Akshar, với một ý tưởng táo bạo: đề nghị phụ huynh trả học phí bằng rác thải nhựa.

Hàng sáng, ngoài cặp sách, học sinh của trường Akshar còn mang theo các túi to đựng rác thải nhựa.

Hàng sáng, ngoài cặp sách, học sinh của trường Akshar còn mang theo các túi to đựng rác thải nhựa.

Anh Mazin từng làm kỹ sư hàng không, sau đó nghỉ việc để làm công tác cộng đồng, hỗ trợ các gia đình khó khăn ở Mỹ. Khi quay về Ấn Độ, anh gặp cô Parmita, một sinh viên tốt nghiệp ngành công tác xã hội.

Cùng nhau, họ đã phát triển ý tưởng về một ngôi trường cho cộng đồng, yêu cầu mỗi học sinh phải mang đến ít nhất 25 món rác thải mỗi tuần.

Anh Mazin Mukhtar, Đồng sáng lập trường Akshar Forum, chia sẻ với phóng viên SCMP: “Khi lần đầu chúng tôi đề nghị các phụ huynh nộp rác thải nhựa, họ tỏ ra không mấy hứng thú với việc tham gia nỗ lực tái chế. Do đó chúng tôi đưa ra chính sách nộp rác nhựa thay cho học phí. Về học phí, các phụ huynh ko phải nộp tiền cho trường, chúng tôi đề nghị họ nộp rác nhựa thay cho tiền mặt”.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng phải cam kết không được đốt rác thải nhựa.

Mặc dù ngôi trường này mang tính thiện nguyện và vận hành bằng các khoản đóng góp hảo tâm, việc nhận “học phí” bằng rác thải nhựa làm cho cộng đồng nơi đây gắn bó với ngôi trường hơn, rằng họ cũng đang đóng góp một phần công sức vào việc học của con em mình.

Theo tổ chức phi chính phủ Environ, hiện nay, chỉ riêng thành phố Dispur với chưa đầy 1 triệu dân, đã thải loại ra 37 tấn rác mỗi ngày, tăng gấp 7 lần lần so với 14 năm trước.

Prasanta Rocksal, một học sinh của trường Akshar cho biết: “Chúng em từng đốt rác nhựa tại nhà, hành động đó có thể gây ung thư. Bây giờ chúng em không đốt rác nhựa nữa, mà mang nộp cho nhà trường 2 lần mỗi tuần”.

Học sinh được học cách trồng cây tại trường.

Học sinh được học cách trồng cây tại trường.

Hiện tại, trường có hơn 100 học sinh. Nó không chỉ tạo ra hiệu ứng tích cực với môi trường, mà còn bắt đầu cải biến cuộc sống của các hộ gia đình, xóa đi nạn sử dụng lao động trẻ em.

Thay vì phải bỏ học để đi làm việc vặt, làm trong mỏ đá ở địa phương với mức lương 2,5 USD/ngày, các học sinh lớn có thể dạy cho trẻ em nhỏ tuổi hơn và nhận được lương của trường. Khi chúng học càng cao lên, tiền lương này cũng tăng theo.

“Ở các mỏ đá, những học sinh ngày được trả 150-200 rupee mỗi ngày. Chúng tôi không bao giờ có thể trả cao như vậy, thay vào đó, chúng tôi đề xuất mô hình dạy một-kèm-một, nơi những em lớn sẽ dạy kèm các em nhỏ hơn, và được nhận tiền đồ chơi có thể dùng để mua quà bánh, quần áo, đồ chơi, giày dép…” - cô Parmita, đồng sáng lập trường, cho biết.

Các học sinh lớn dạy kèm các em nhỏ hơn.

Các học sinh lớn dạy kèm các em nhỏ hơn.

Như vậy, các gia đình có thể cho phép con họ dành thời gian ở lại trường lâu hơn. Các em không chỉ học cách quản lý tiền bạc mà còn hiểu được quan niệm rằng học tập tốt sẽ mang lại nhiều tài chính hơn nữa.

Chương trình học khác lạ

Được truyền cảm hứng bởi triết lý Nai Talim (giáo dục cơ bản cho tất cả) của Mahatma Gandhi, chương trình học ở trường Akshar pha trộn giữa các môn học kiến thức truyền thống, với huấn luyện kỹ năng thực tế. Mục tiêu là giúp các em có thể tự hỗ trợ bản thân qua các cấp học, vào đại học hay tìm cơ hội được nhận học việc.

“Một trong những vấn đề lớn của ngành là việc giáo dục có hữu ích không. Những đứa trẻ này cần sự pha trộn phù hợp giữa kiến thức lý thuyết và thực hành, có thể giúp chúng học đủ kỹ năng để làm nhiều loại công việc khác nhau” - anh Mazin chia sẻ thêm.

Thời khóa biểu cho 1 ngày đặc trưng ở trường Akshar.

Thời khóa biểu cho 1 ngày đặc trưng ở trường Akshar.

Giáo dục kỹ năng bao gồm: học cách lắp đặt và vận hành pin mặt trời, giúp đỡ trường kinh doanh trang trí tiểu cảnh – làm đẹp các khu vực công cộng của địa phương, học thêu, làm mộc, múa, hát, trồng cây organic… Trường cũng hợp tác với một tổ chức từ thiện về công nghệ, để trang bị cho các em máy tính bảng và các tư liệu học tập tương tác, để làm quen với các thiết bị thời đại số.

Không giống như các ngôi trường truyền thống, Akshar không có lớp học chia theo tuổi, mà hoàn toàn dựa trên mức độ kiến thức của học sinh.

“Chúng tôi không giống các trường thông thường, và điều đó rõ ràng ngay từ khi bạn bước vào. Ở đây, bạn sẽ thấy các học sinh theo học các lớp mở dưới mái nhà tre. Ý tưởng là giúp phá vỡ ý tưởng cũ về giáo dục. Và như vậy, thay vì lớp học chia theo tuổi, chúng tôi chia theo cấp độ kiến thức, nơi các em thuộc nhiều lứa tuổi học cùng một lớp” cô Parmita hào hứng chia sẻ.

Ngoài lớp học, một số em còn duy trì một trung tâm cứu hộ và chăm sóc động vật – chuyên cứu chữa và nuôi dưỡng các con chó bị bỏ rơi, tìm gia đình mới cho chúng. Còn trung tâm tái chế của trường thì sản xuất các loại gạch từ rác thải để dùng trong các dự án xây dựng đơn giản cho khuôn viên trường.

Anh Mazin và cô Parmita đã kết hôn năm 2018, họ mong muốn mang mô hình này ra khắp đất nước.

Anh Mazin và cô Parmita đã kết hôn năm 2018, họ mong muốn mang mô hình này ra khắp đất nước.

2 nhà sáng lập trường Akshar đã mang cách làm của họ tới thủ đô Delhi, giúp một ngôi trường khó khăn xoay chuyển tình thế chỉ trong 6 tháng. Họ dự tính sẽ lập thêm 5 ngôi trường như Akshar trong năm tới, còn mục tiêu dài hạn là tạo ra cuộc cách mạng trong các trường công lập ở Ấn Độ.

Thương Huyền (Theo SCMP)