Điều khiển và giám sát nhà ở bằng điện thoại
Đam mê sáng tạo, Huỳnh Công Duy và Lê Nhựt Khang, học sinh lớp 12A2 Trường THPT An Khánh (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) đã chế tạo thành công hệ thống điều khiển và giám sát nhà ở bằng điện thoại.
Khang cho biết, hằng ngày thấy cha mẹ đi làm về mệt mỏi mà phải đóng mở các thiết bị điện trong gia đình, vừa mất thời gian, vừa có nguy cơ gặp nguy hiểm nếu lỡ tay chạm trúng ổ điện hoặc cầu chì bị rò điện nên nảy ra ý tưởng làm “ngôi nhà thông minh” có thể điều khiển tất cả trang thiết bị trong nhà bằng điện thoại di động.
Chung niềm đam mê, tháng 9.2018, Khang và Duy bắt tay vào sáng tạo “ngôi nhà thông minh”. Sau quá trình nghiên cứu chế tạo, lập trình và nâng cấp, cùng với sự hướng dẫn tận tình của thầy cô, sản phẩm đã hoàn thiện. Hệ thống hoạt động dựa trên sự điều khiển board mạch Arduino với việc liên kết các cảm biến (nhiệt độ, ánh sáng, chuyển động, độ ẩm…) thông qua một chương trình được thiết lập từ máy tính hoặc điện thoại thông minh.
“Ngôi nhà thông minh” là một hệ thống kết nối tất cả thiết bị trong nhà thành một hệ thống mạng và chúng có thể được điều khiển theo các kịch bản thông minh, bao gồm 5 chế độ: đi làm, về nhà, đi ngủ, nhà bếp, thủ công. Sản phẩm có các tính năng ưu việt như: điều khiển các thiết bị thông qua điện thoại; giám sát thiết bị điện từ xa; tắt toàn bộ hệ thống điện trong nhà và tự động xử lý khi gặp sự cố cháy nổ; điều khiển điều chỉnh dòng điện hợp lý đảm bảo an toàn cho người già, trẻ em; tiết kiệm điện...
Theo Khang, với “ngôi nhà thông minh”, người dùng có thể dễ dàng thao tác để ra lệnh thông qua phần mềm được tích hợp sẵn trong điện thoại. Khi bấm vào chế độ đi làm, tất cả thiết bị trong nhà sẽ tắt hết, đảm bảo tiết kiệm nguồn điện. Nhưng các thiết bị bảo vệ an toàn như: báo rò rỉ khí gas, báo cháy, an ninh... vẫn hoạt động để bảo vệ ngôi nhà khi chủ vắng nhà. Đối với chế độ về nhà, sau khi bấm câu lệnh, sẽ tự động mở cửa phòng khách, bật máy điều hòa, đèn, quạt... Với chế độ đi ngủ, các thiết bị trong nhà sẽ ngừng hoạt động (trừ phòng ngủ). Đặc biệt, phía nhà bếp còn được lắp đặt cảm biến khí gas, cảm biến cháy. Khi phát hiện có cháy, nguyên nhân gây cháy hay rò rỉ khí gas, hệ thống sẽ tự động tắt các thiết bị điện trong nhà, bật hệ thống quạt thông gió từ nguồn điện dự phòng, đồng thời báo trực tiếp đến điện thoại của chủ nhà. Đối với hệ thống bảo vệ nhà, khi cài đặt chế độ, hệ thống tự động báo cho chủ nhà qua điện thoại, để chủ nhà có thể báo công an. Có thể kết hợp camera quan sát từ xa xem thực trạng ngôi nhà. Cho dù kẻ trộm cắt điện, hệ thống vẫn có nguồn dự phòng, vì thế mất điện cũng sẽ thông báo cho chủ nhà.
Chỉ cầm chiếc điện thoại di động trên tay, bất kỳ nơi đâu người sử dụng đều có thể điều khiển các thiết bị điện trong nhà thông qua kết nối mạng di động. Đó là tính năng rất nổi bật của “ngôi nhà thông minh”. Với đề tài trên, Khang và Duy đã xuất sắc đoạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng TP.Cần Thơ năm học 2018 - 2019. Chia sẻ về dự định sắp tới, 2 học sinh này cho biết sẽ tiếp tục phát triển và nâng cấp mô hình với nhiều tính năng mới và nổi trội hơn.
Theo Duy Tân (Thanh Niên)