Đội cứu hỏa “hai lúa” miền Tây sáng chế "siêu xe" chữa cháy
Ám ảnh bởi tình trạng cháy nổ thường xuyên xảy ra trên cù lao Phú Tân, tỉnh An Giang, một nhóm nông dân đã tự tìm tòi và sáng chế 2 “siêu xe” chữa cháy độc nhất vô nhị tại miền Tây.
Đội chữa cháy “hai lúa” ra đời
Có dịp đến với cù lao Phú Tân (thuộc huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), chỉ cần hỏi về xe chữa cháy của những lão nông ở xã Hòa Lạc thì ai cũng tỏ tường.
Anh Lê Văn Phú (ngụ ấp Hòa Hưng 1, xã Hòa Lạc), cho biết: “Từ hồi có 2 chiếc xe chữa cháy này, bà con ở xứ cù lao vô cùng phấn khởi. Chúng tôi mừng vì giảm bớt được nỗi lo “bà hỏa” ghé thăm; thứ hai là có thể chủ động ứng phó với với hỏa hoạn trong mọi tình huống khẩn cấp”.
Cù lao Phú Tân vốn được bao quanh bởi sông Tiền và sông Hậu. Do đặc điểm địa hình phức tạp, kênh rạch chằng chịt, đường giao thông nhỏ hẹp nên mỗi khi xảy ra sự cố hỏa hoạn, người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Huỳnh Bảo Ý (66 tuổi, ngụ ấp Hòa Hưng 1, xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân), nhớ lại: “Cách đây chừng chục năm, người dân phải chứng kiến trận cháy kinh hoàng tại ấp Hòa Hưng 1. Thời điểm ấy, do đường giao thông còn nhỏ hẹp, xe cứu hỏa chuyên dụng không thể tiếp cận được hiện trường. Trong khi đó, sức người có hạn, chủ yếu chữa cháy thủ công, nên vụ hỏa hoạn đó đã thiêu rụi 4 căn nhà. Dù không thiệt hại về người nhưng vụ cháy đã khiến 4 hộ dân với hàng chục nhân khẩu phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất”.
Từ thực tế đó, ông Ý cùng với những người bạn cùng chí hướng nảy ra ý định thành lập đội chữa cháy lưu động. Ban đầu các thành viên cùng nhau góp tiền để mua chiếc xe đẩy tay về cải tiến thành xe chữa cháy.
Ông Ý bộc bạch: “Nhận thấy địa phương là vùng nông thôn nên khi cải tiến xe chữa cháy đã chú ý làm sao cho chiếc xe được tiện dụng, dễ di chuyển, khi xảy ra sự cố là mình tới tại chỗ phục vụ liền. Vốn là nông dân, khi mới thành lập, cả đội không ai biết gì về chữa cháy; nhưng đáng quý là ai cũng chịu khó và đồng lòng”.
“Tôi phụ trách việc vẽ phác thảo hình dáng xe chữa cháy, còn các thành viên khác người thì phụ trách cơ khí, người thì lo tài chính” - ông Ý chia sẻ. Tiếp lời, một thành viên kỳ cựu cho biết: “Nói chung cũng khó dữ lắm, nhưng chúng tôi tâm niệm không làm thì thôi, đã làm thì phải tươm tất, đàng hoàng” - ông Ý cho hay.
Khi mới bắt tay vào làm thiếu thốn đủ thứ, nhưng chính quyền và bà con ở đây đều đồng lòng ủng hộ. Ai có tiền ủng hộ tiền, ai có công thì góp công. Mỗi người một việc, dù vất vả và gian nan nhưng chiếc xe chữa cháy cải tiến theo kiểu nông dân đã xuất hiện.
Ban đầu, đó chỉ là chiếc xe chữa cháy đẩy tay lưu động với đội hình vài thành viên thưa thớt. Ông Trần Lạc Hồng (ngụ ấp Hòa Hưng 1, xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân), thành viên đội chữa cháy, cho biết: “Lúc ấy, không ai được đào tạo nghiệp vụ chữa cháy bài bản, các thành viên phải tự trang bị kiến thức chữa cháy thông qua sách, báo. Sau đó, chúng tôi được ngành chức năng địa phương tập huấn nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ”.
Bỏ chiếc áo nông dân, mỗi khi có sự cố về hỏa hoạn, những thành viên này trở thành người lính cứu hỏa chuyên nghiệp. Với tuổi đời đã ngoài 60, người trẻ nhất cũng gần 40 tuổi, ấy thế mà ai cũng nhanh nhẹn, tháo vát và vô cùng chuyên nghiệp. Mỗi người đảm trách một công việc và cứ thế phối hợp nhịp nhàng với nhau để hoàn thành nhiệm vụ.
Lan tỏa tấm lòng hào hiệp
Tham gia đội chữa cháy cách đây 2 năm, anh Nguyễn Thành Nghĩa - thành viên trẻ tuổi nhất đội, cho biết: “Cảm kích trước việc làm của các chú, nên tôi tình nguyện đăng ký tham gia. Tôi thường phụ trách phần lái xe. Khi diễn tập hay có sự cố cháy xảy ra ở bất kỳ đâu, dù trên địa bàn xã hay những địa phương lân cận tôi đều có mặt”.
Tiếng lành đồn xa, dần dà nhiều người đến xin tham gia vào đội. Hiện đội chữa cháy “hai lúa” này có 20 thành viên, trong đó có 6 thành viên nòng cốt thay phiên túc trực 24/24 giờ.
Từ những hiệu quả thiết thực, vào đầu 2018, đội chữa cháy tiếp tục trang bị và cải tiến chiếc xe chữa cháy chuyên nghiệp. Từ một chiếc xe tải cũ và tận dụng chiếc máy suốt lúa, các thành viên đã cải tiến làm thành hai chiếc xe cứu hỏa. Bồn chứa được chế thành từng ngăn và trang bị thêm một chiếc máy dầu nhỏ để bơm nước trực tiếp từ sông lên bồn chứa nước của xe.
Ngoài ra, đội còn trang bị thêm ống dẫn nước dài hơn 100m, lực nước bắn xa hơn 30m. Với dung tích mỗi xe khoảng 2.500 lít và 4.000 lít nước, đã tiết kiệm thời gian di chuyển và dập lửa hiệu quả hơn.
Dù là sản phẩm tự chế, nhưng chi phí đầu tư cho một chiếc xe chữa cháy vào khoảng 50 - 80 triệu đồng (tùy loại), nguồn lực chủ yếu do các thành viên và các Mạnh Thường Quân đóng góp. Dù chẳng qua trường lớp đào tạo, thế nhưng những “kỹ sư” tay ngang này lại sáng chế ra những chiếc xe chữa cháy vô cùng độc đáo và đầy tiện ích.
Đánh giá cao những đóng góp mà đội chữa cháy “hai lúa” mang lại, trung tá Đỗ Thành Nghị - Đội trưởng đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Phú Tân, nhận định: “Mô hình xe ôtô chữa cháy của các nông dân mang lại hiệu quả rất cao, phù hợp với địa bàn dân cư cách xa trung tâm của huyện, thuận lợi cho công tác chữa cháy tại chỗ”.
Cũng theo ông Nghị, khoảng 3-4 tháng trước trên địa bàn xuất hiện vụ cháy, người dân hô hoán, đội chữa cháy “hai lúa” đã kịp thời điều xe đến hiện trường hỗ trợ dập lửa. Nhờ phương tiện chữa cháy tại chỗ, ngọn lửa nhanh chóng được dập tắt, thiệt hại tài sản không đáng kể. Từ khi mô hình xe chữa cháy cải tiến đi vào hoạt động thì người dân ý thức hơn trong việc phòng cháy chữa cháy tại nhà, số vụ cháy xảy ra ít hơn. Nếu như năm 2016 trên địa bàn Phú Tân xảy ra 3 vụ cháy, thì cả năm 2018, địa phương chỉ xảy ra 1 vụ cháy.
“Sắp tới, chúng tôi vẫn tiếp tục tuyên truyền và nhân rộng mô hình hiệu quả này để đảm bảo ở mỗi xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Tân đều có xe chữa cháy tại chỗ” - anh Nghị thông tin.
Từ khi có các xe chữa cháy cải tiến, chính quyền và người dân Phú Tân thoát khỏi nỗi ám ảnh của hỏa hoạn. Bỏ sau lưng những vất vả, lo toan của cuộc sống ngày thường, những thành viên đội cứu hỏa “hai lúa” vẫn luôn sẵn sàng hỗ trợ người dân chữa cháy. Chỉ cần nhận được tin báo phát hiện “giặc lửa”, thì đội chữa cháy ngay lập tức điều động xe đến hiện trường để hỗ trợ dập lửa. Và cứ thế, những “chuyến xe hào hiệp” lại bắt đầu lăn bánh với hy vọng góp phần làm giảm thấp nhất thiệt hại do hỏa hoạn gây ra.
Mô hình xe ôtô chữa cháy của các nông dân mang lại hiệu quả rất cao, phù hợp với địa bàn dân cư cách xa trung tâm của huyện, thuận lợi cho công tác chữa cháy tại chỗ”.
Trung tá Đỗ Thành Nghị
Theo Chúc Ly - Mai Anh (Dân Việt)