Nam sinh sáng tạo thiết bị giúp trẻ tự học
Nhằm giúp trẻ có môi trường học tập 'ảo' an toàn, hiệu quả, Lê Duy Khánh, nam sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đã sáng tạo 'Hệ thống bổ trợ tăng cường tự học cho trẻ em'.
Dự án vừa đoạt giải nhì tại cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp dành cho sinh viên "HUTECH Startup Wings 2019", bởi nó đã gây ấn tượng với việc ứng dụng các công nghệ hiện đại như: Platform AI, IoT vào thực tế, giúp phụ huynh hoặc giáo viên có thể quản lý và đưa ra những số liệu cần thiết thông qua quá trình sử dụng sản phẩm.
“Với thực trạng ngày nay số lượng trẻ em biết chữ trong tầm 3-6 tuổi khá ít, và thậm chí các em qua ngưỡng 6 tuổi vẫn còn khó khăn trong việc viết chữ. Và với những kiểu học chữ chấp vá không được sự kèm cặp kỹ từ thầy cô, cho nên chữ của các em có chất lượng ngày càng đi xuống”, đó là lý do mà Khánh quyết tâm thực hiện và hoàn thiện nghiên cứu dự án này.
Khánh cho biết: “Sản phẩm gồm có phần mềm và phần cứng. Phần cứng là một cây bút, trong đó có chứa những thiết bị cảm biến và mạch truyền tín hiệu qua wifi. Phần mềm là website/game giúp trẻ em thực hiện trực tiếp qua giao diện. Dữ liệu học của bé sau đó được lưu trữ và được quan sát của phụ huynh, giáo viên quản lý. Cách thức hoạt động là bé sẽ cầm cây bút, vẽ nét chữ trong không gian 3 chiều. Thiết bị thu thập dữ liệu từ cảm biến, sau đó gửi dữ liệu lên hệ thống. Hệ thống dựa vào dữ liệu truyền tải lên, đồng thời phân tích với các tập dữ liệu đã được huấn luyện và đưa ra kết quả”.
Khánh cho biết, dưới tác động của thời đại công nghệ, trẻ em tiếp cận với internet từ khi còn rất nhỏ không khó bắt gặp. Thay vì triệt để không cho trẻ em tiếp cận với internet thì Khánh mang đến một nền tảng công nghệ giúp cho các bé thay đổi cách tiếp cận internet và thích thú học hơn khi sử dụng nền tảng này. “Và nền tảng này cũng giúp cho các bậc phụ huynh cũng như thầy cô mầm non, tiểu học, các tổ chức giáo dục có thêm một phương án mới trong việc dạy trẻ học viết và việc tự học hiệu quả hơn”, Khánh chia sẻ.
Theo Duy Khánh, sản phẩm "Thiết bị giúp trẻ tự học" được xây dựng trên cơ sở tích hợp của các công nghệ IoT (Internet of Things - mạng lưới kết nối vạn vật) và AI (trí tuệ nhân tạo), vốn đang là xu hướng phát triển nổi bật của kỷ nguyên số và mang lại sự mới mẻ trong việc học.
“Công nghệ IoT ứng dụng vào thiết bị cứng sẽ giúp thu thập dữ liệu hành động của đối tượng trẻ em và gửi về hệ thống máy chủ chủ. Tiếp đó, công nghệ AI trên phần mềm sẽ giúp phân tích dữ liệu hành động của đối tượng và chuyển kết quả thông qua âm thanh nhân tạo hoặc giao diện hình ảnh để đối tượng sử dụng nhận biết hành vi, quy trình đang hướng đến, đồng thời thống kê, báo cáo tình hình cho đối tượng quản lý như phụ huynh, người bảo hộ qua thiết bị di động…”, Khánh nói.
Duy Khánh, cho biết: “Sản phẩm không chỉ hỗ trợ cho các cá nhân mà trong tương lai, mà còn có thể mở rộng đến các tổ chức, cơ sở giáo dục, đặc biệt là các trường tiểu học để giáo viên và nhà trường dễ dàng định hướng, quản lý hành vi tiếp cận internet của học sinh, qua đó đảm bảo môi trường học tập 'ảo' an toàn, điều đặc biệt cần thiết trong thời đại số hóa hiện nay”.
Nhận xét về dự án này, PGS.TS. Võ Đình Bảy, Trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nói: "Với mục tiêu thực tế, hướng phát triển rộng và tiềm năng hoàn thiện cao, 'Thiết bị giúp trẻ tự học' được kỳ vọng sẽ là một sản phẩm hiệu quả để hỗ trợ giáo dục trong thời công nghệ”.
Với tầm nhìn và đam mê của mình, Khánh hy vọng sẽ kết hợp thêm các nền tảng khác, giúp cho trẻ em nhận biết được nét chữ mình đang viết, cũng như cảnh báo hoặc đưa ra lời khuyên khi chữ viết của bé đang trong giai đoạn phát triển.
Không chỉ dừng lại với lĩnh vực giáo dục, với nền tảng công nghệ nhận diện hành vi con người, Khánh kỳ vọng: “Sản phẩm sẽ được áp dụng và triển khai ở nhiều lĩnh vực, giúp thúc đẩy sự phát triển và cách sử dụng công nghệ hiệu quả trong cách mạng công nghiệp 4.0”.
Theo Lê Thanh (Thanh Niên)