Cô nhân viên ngân hàng đam mê sáng chế vì môi trường
Khi thi đại học, Linh chọn ngành khoa học môi trường và từ đó bắt đầu cơ duyên nghiên cứu, chế tạo với tình yêu môi trường ngày càng lớn dần.
Đó là câu chuyện về Trương Bội Linh - cô kỹ sư khoa học môi trường Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Linh từng sáng chế, nghiên cứu rất nhiều dự án về xử lý rác thải, tái chế rác thải nhựa thành sợi cho máy in... nhằm nâng cao ý thức, truyền tải thông điệp hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.
Hiện tại Bội Linh chuyển sang làm một lĩnh vực khác, nhưng tình yêu môi trường của cô vẫn không thay đổi.
Bội Linh vẫn thường xuyên đọc thêm sách báo, cập nhật các thông tin về môi trường và tự mình cùng gia đình, bạn bè hạn chế rác thải nhựa, làm những việc bảo vệ môi trường mà mình có thể làm hằng ngày.
Tình yêu đặc biệt
Ngày nhỏ, Trương Bội Linh (24 tuổi, hiện đang làm nhân viên tại một ngân hàng ở TP.HCM) đã sớm bộc lộ tình yêu với môi trường. Linh thích cây cỏ, yêu động vật, thích tìm hiểu về các tổ chức, sách, tài liệu liên quan đến môi trường... Đến khi thi ĐH, Linh chọn ngành khoa học môi trường và từ đó bắt đầu cơ duyên nghiên cứu, chế tạo với tình yêu môi trường ngày càng lớn dần.
Suốt quãng đời sinh viên, Linh không nhớ rõ mình đã tham gia bao nhiêu chương trình, nghiên cứu bao nhiêu dự án về môi trường. "Có cái thành hình, thành dạng, có cái được một thời gian thì tắt ngúm vì nhiều lý do. Thời sinh viên mình làm các chương trình, bài tập, dự án phục vụ môn học, ngoài ra vì quá yêu thích nên mình tự mày mò, tự làm thôi" - Linh chia sẻ.
Đây cũng là những tháng ngày một cô gái trẻ không màng đến việc trang điểm, mua mỹ phẩm mà chỉ dành toàn thời gian cho các hoạt động học tập, nghiên cứu, "chơi" với rác thải, bùn thải...
Sinh ra và lớn lên ở TP.HCM, nhìn thấy một thành phố nhộn nhịp với lượng rác thải rất lớn mỗi ngày, Bội Linh cùng các cộng sự của mình là TS môi trường Ngô Trà My và kỹ sư môi trường người Đức Karl Wallum quyết tâm thực hiện dự án phi lơi nhuận Tái chế rác thải nhựa thành sợi cho máy in 3D (gọi tắt là Precious Plastic). Nhóm đã chế tạo thành công máy nghiền và đùn nhựa từ các thiết bị điện tử (nhựa IBS), tạo thành sợi nhựa làm nguyên liệu cho máy in 3D.
Tái chế rác thải nhựa thành sợi cho máy in 3D là một trong bốn dự án được chọn trong chuyên mục Làm việc cùng kiến tạo: Các dự án phát triển bền vững ở VN theo 17 mục phát triển trong Hội nghị mạng lưới Fablab châu Á lần 4 năm 2018, trong đó máy quấn sợi nhựa đã đoạt giải nhất FAN prize.
Trước đó, Bội Linh cũng từng tham gia nghiên cứu và tái chế bồn thải, sáng chế thành công nước tẩy rửa sinh học từ rác. Dự án này nhận được huy chương bạc tại Liên hoan Sáng tạo trẻ TP.HCM.
Dùng kết quả nghiên cứu để nâng cao ý thức
Các dự án mà Bội Linh tham gia thực hiện đều là những dự án hướng đến cộng đồng và môi trường. Với dự án Tái chế rác thải nhựa thành sợi cho máy in 3D, Linh cùng các cộng sự của mình đem đi triển lãm, trưng bày ở nhiều nơi trong suốt thời gian dài nhằm tuyên truyền và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa.
Trong quá trình triển lãm, trưng bày sản phẩm, Linh nghĩ ra nhiều hoạt động tuyên truyền như đổi rác là vỏ nhựa của các thiết bị điện tử để nhận các phần quà nhỏ như sách vở, bút viết... Cùng với đó, Linh và nhóm nghiên cứu "tranh thủ" tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề tuyên truyền những lợi ích thiết thực khi sử dụng các sản phẩm tái chế và hạn chế rác thải nhựa để bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, Linh cho rằng việc đem đi triển lãm, tổ chức các hoạt động này chỉ mang tính phong trào, sẽ không đọng lại gì nhiều để người dân có ý thức cải thiện, hạn chế rác thải nhựa.
"Chính vì thế, nhóm mới nghĩ ra cách tổ chức các buổi học cho học sinh tham gia trực tiếp vào quá trình làm máy, nghiên cứu khoa học dưới sự hướng dẫn của thành viên trong nhóm. Các em sẽ tham gia học các buổi lý thuyết, làm một số công đoạn nhỏ để làm ra chiếc máy nghiền và đùn nhựa.
Chỉ có cách cho các em trở thành một phần để tạo ra sản phẩm, các em mới hiểu rõ được tâm huyết và ý nghĩa, từ đó yêu môi trường hơn" - Linh chia sẻ.
Một lớp học hơn 30 học sinh cấp III được Linh và các cộng sự ra yêu cầu trong quá trình học các em không được hoặc hạn chế tối đa đồ dùng bằng nhựa. Các em tự đem theo hộp đựng để mua cơm, đem theo giỏ, balô để đựng đồ thay vì đựng trong túi nilông, đem theo ly và ống hút bằng tre, inox để sử dụng...
Cô kỹ sư trẻ quan niệm: trẻ em, học sinh chính là lứa tuổi dễ tiếp thu, là thế hệ cần được giáo dục, nâng cao ý thức nhất.
"Trong quá trình làm dự án, mình nhận được nhiều sự không ủng hộ lẫn những từ chối giúp đỡ vì nghĩ rằng nó không khả thi, không mang lại lợi nhuận kinh tế. Tuy nhiên, tụi mình vẫn quyết tâm thực hiện cho bằng được vì muốn nhờ kết quả những nghiên cứu này làm công cụ đem lại một thông điệp tích cực, vận động mọi người cùng chung tay bảo vệ và cải thiện môi trường, hạn chế rác thải nhựa và sống xanh", Linh nói.
Thay đổi được người khác
Bạn Nguyễn Lê Khánh Trâm - sinh viên năm cuối ĐH Nguyễn Tất Thành, từng làm tình nguyện viên trong các dự án - cho biết trong quá trình hỗ trợ dự án làm máy tái chế của Precious Plastic vào năm 2018, Khánh Trâm thấy được tâm huyết của đội ngũ dự án cho môi trường là rất nhiều.
"Mình cũng được tham gia lớp học, được nghe hướng dẫn và được tận mắt xem quá trình tạo ra một chiếc máy từ những ngày đầu. Sau mấy tháng ròng đi cùng nhau, bản thân mình cảm thấy mình thay đổi khá nhiều, có thêm nhiều kiến thức về môi trường hơn và từ đó biết quan tâm đến môi trường nhiều hơn trước" - Trâm nói thêm.
Phan Hồng Diễm, bạn chung trường ĐH và hỗ trợ Bội Linh trong nhiều dự án về môi trường, cho biết ngày còn đi học, Linh học rất tệ tiếng Anh. Tuy nhiên, làm nghiên cứu phải đọc thêm nhiều tài liệu, sách vở quốc tế, vì yêu nghề quá mà Linh bỏ công sức, đầu tư học tiếng Anh khiến Diễm rất ngạc nhiên.
"Linh đam mê với môi trường hơn mình nên lúc ra trường vẫn cố gắng tiếp tục làm và tham gia nhiều dự án liên quan đến môi trường khác nữa" - Diễm nói.
Theo Minh Trâm ( Tuổi Trẻ)