Thầy giáo chế máy biến phụ phẩm thành viên nén thức ăn chăn nuôi

Anh Nguyễn Văn Chúng, giáo viên dạy môn Toán, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Châu Thành, An Giang) sáng chế máy xay, nghiền, tạo thức ăn nén phục vụ chăn nuôi.

Chiếc máy đơn giản nhưng ý tưởng sáng tạo từ thực tế. Tận dụng đồ phế liệu anh Chúng đã mày mò, nghiên cứu và chế tạo trong 2 năm dù trước đó đã nhiều lần thất bại.

Trộn nguyên liệu trước khi đưa vào máy ép viên.

Trộn nguyên liệu trước khi đưa vào máy ép viên.

Cấu tạo của chiếc máy gồm một motor 2 HP, bộ nhông ốp tắt, cây cốt nối với mặt ram được khoan nhiều lỗ thủng kèm một trục ép nguyên liệu xuống máng ra thức ăn viên thành phẩm. Tất cả đều nằm trên giá đỡ bằng kẽm, có thể di chuyển dễ dàng. Giá sản xuất khoảng 9 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Chúng cho biết: “Những hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ kiểu hộ gia đình khi sử dụng chiếc máy tạo thức ăn tại nhà rất giảm chi phí chăn nuôi. Chỉ cần dùng những nguyên liệu có sẵn như xác tàu hũ, cám hoặc lúa hay bắp trộn đều để vô máy ra thành viên để cho gia súc, gia cầm ăn thậm chí cá ăn thì rất tiện lợi”.

Anh Chúng giới thiệu công đoạn nghiền thức ăn từ máy.

Anh Chúng giới thiệu công đoạn nghiền thức ăn từ máy.

Ưu điểm của chiếc máy là có thể xay, nghiền, nén hai loại thức ăn lớn, nhỏ. Nếu mặt ram lỗ nhỏ thì 1 giờ máy có thể chạy ra 60 kg thức ăn viên; còn mặt ram lỗ lớn thì 1 giờ có thể sản xuất ra 100 kg thức ăn viên thành phẩm.

Chiếc máy hoạt động rất nhanh, viên nén rất đẹp và kích cỡ đều đặn, có tính năng ưu việt được nhiều người chăn nuôi ở nông thôn ưa chuộng, bởi thành phẩm thức ăn tạo ra đầy đủ chất dinh dưỡng, kích thích vật nuôi phát triển nhanh chóng.

“Chiếc máy kiểm soát được nguyên liệu và chất lượng thức ăn. Những nguyên liệu sẵn có như bắp, cám, gạo lức, lúa có thể trộn thêm chất đậm đặc hoặc dùng ốc bươu vàng, đầu cá trộn vô rồi nghiền ra viên. Khi cho vật nuôi ăn thì có thể trộn thêm Vitamin hay thuốc ngừa bệnh tùy theo ý muốn”, anh Chúng chia sẻ.

Thay thế sức lao động của con người, việc tạo thức ăn nén bằng chiếc máy tự chế đã giúp anh Chúng giảm chi phí chăn nuôi, kiểm soát được dịch bệnh từ đó tăng lợi nhuận sản xuất, cải thiện tốt kinh tế hộ gia đình.

Sắp tới anh Nguyễn Văn Chúng dự kiến sẽ làm thêm một chiếc máy sấy thức ăn để khi viên nén chạy ra kịp thời sấy khô thức ăn dự trữ lâu dài. Anh cũng muốn biến ý tưởng sáng tạo để thương mại hóa sản phẩm tự chế giúp người chăn nuôi có thêm lợi nhuận.

Theo Bảo Phong (Nông nghiệp Việt Nam)