Sinh viên chế tạo gậy thông minh hỗ trợ người già
Chiếc gậy thông minh vừa để người già sử dụng vừa giúp người thân có thể theo dõi từ xa, nhận thông báo nếu phát hiện có dấu hiệu trượt ngã.
Nhận thấy tình trạng ngày nay người già phải đối mặt với nhiều rủi ro trong việc đi lại hằng ngày, nhóm sinh viên khoa Điện-Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) gồm Lê Như Thiên Sao, Nguyễn Trọng Nhiên, Lê Đặng Thái Phong, Lê Thị Hướng, Huỳnh Đình Sâm đã chế tạo thành công chiếc gậy thông minh thay thế cho những dụng cụ thô sơ trước đây.
Chia sẻ việc hình thành nên ý tưởng, nhóm bạn cho biết, trong một lần tình cờ nhìn thấy nữ giảng viên lo lắng, liên tục nhìn vào điện thoại theo dõi bố mẹ già ở nhà vì bố mẹ tuổi đã cao, đi lại không vững, nhóm bạn trăn trở, suy nghĩ và bắt tay triển khai chế tạo một chiếc gậy thông minh, tích hợp ứng dụng công nghệ để hỗ trợ người già.
Ứng dụng những kiến thức được học và từ thực tế cuộc sống, sau khoảng 10 tháng ròng rã từ khi lên ý tưởng, tháng 5/2018, sản phẩm chiếc gậy thông minh hỗ trợ người già của nhóm ra đời.
Chiếc gậy sẽ đặt theo phương thẳng đứng, bằng cách sử dụng cảm biến gia tốc trọng trường, nếu chiếc gậy nghiêng một góc gần bằng 90 độ một cách đột ngột (tức lúc người già không may trượt ngã), cảm biến sẽ ghi nhận và phát ra cảnh báo. Hệ thống sẽ nhanh chóng định vị qua GPS được tích hợp sẵn, tự động gọi điện thoại, nhắn tin đến lần lượt các số điện thoại cài đặt trong app trên smartphone, gửi vị trí định vị, đồng thời phát loa ngay tại chiếc gậy để những người xung quanh biết.
Phía tay cầm của chiếc gậy cũng tích hợp sẵn các nút bấm, nếu người già cảm thấy sức khỏe không ổn định, cần sự trợ giúp thì chỉ cần nhấn nút, các cuộc điện thoại, tin nhắn và cảnh báo sẽ được gửi đi.
Việc này giúp người già và cả người thân trong gia đình chủ động trong việc theo dõi, trợ giúp. Chỉ bằng một cái nhấn nút, các cuộc gọi, tin nhắn sẽ lần lượt được phát đi theo đúng trình tự cài đặt trong app tích hợp.
“Chúng em cũng đã nhiều lần thử nghiệm, kết quả khả quan khi hệ thống hoạt động khá ổn định, chi phí lại thấp hơn nhiều so với các sản phẩm thông minh đang có ở thị trường trong và ngoài nước”, bạn Lê Đặng Thái Phong cho biết.
Thầy Phạm Duy Dưởng, giảng viên khoa Điện-Điện tử, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng), người hướng dẫn dẫn đề tài nhóm sinh viên cho biết: Nhận phụ trách hỗ trợ các em trong nghiên cứu đề tài, khi những sản phẩm này chưa được công bố, đã có những đơn đặt hàng đầu tiên, cho thấy tính ứng dụng thực tiễn và khả năng đưa sản phẩm rộng rãi ra thị trường.
“Tôi thấy rất vui khi sản phẩm chưa được công bố rộng rãi, vẫn có những đơn đặt hàng cho cả nhóm, dù đó chỉ là những đơn từ người thân quen biết. Điều này giúp tôi và các em thấy được rằng công trình nghiên cứu khoa học không chỉ gói gọn chỉ để “đi thi”, mà hoàn toàn có thể đưa ra thị trường, cạnh tranh với các sản phẩm khác nếu chúng ta có mức giá bán thấp hơn. Tôi kỳ vọng những dự án sáng tạo mang tính ứng dụng, đặc biệt trong công cuộc khởi nghiệp trẻ như hiện nay”.
Chi phí chế tạo một sản phẩm vào khoảng 500.000 đồng. Nếu cải tiến thêm kiểu dáng và đưa toàn bộ tích hợp chung vào cùng một bo mạch, chi phí chế tạo sẽ giảm hơn nhiều, từ đó sản phẩm càng có điều kiện để cạnh tranh hơn, thầy Dưởng kỳ vọng.
Hiện nhóm tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp để tạo nên một sản phẩm hoàn thiện hơn. Trước đó, sản phẩm của cả nhóm cũng đã gặt hái được những thành công qua các cuộc thi gồm: Giải Nhất Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường; giải Ba cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học TP. Đà Nẵng; Giải Nhì cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp cụm Duyên hải Nam Trung bộ (2018).
Theo Lưu Hương (VGP)