Ông Tư Sáng và chiếc máy xúc lúa tiện ích

Là nông dân rặt, chưa học hết lớp 3, nhưng với lòng đam mê, sáng tạo, ông Nguyễn Văn Sáng (còn gọi là Tư Sáng), ở khu vực 4, phường 1, thị xã Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) đã chế tạo thành công chiếc máy xúc lúa với nhiều tính năng tiện ích. Chiếc máy xúc lúa của ông Tư Sáng không chỉ giúp nông dân đỡ nhọc công trong lao động sản xuất mà còn góp phần gia tăng giá trị hạt lúa làm ra cũng như tăng thu nhập cho nhiều nông hộ...

Ông Nguyễn Văn Sáng đang miệt mài lắp ráp các bộ phận của máy xúc lúa.

Ông Nguyễn Văn Sáng đang miệt mài lắp ráp các bộ phận của máy xúc lúa.

CÁI KHÓ LÓ CÁI KHÔN

Chúng tôi đến thăm cơ sở cơ khí của ông Tư Sáng khi ông và các cộng sự của mình đang khẩn trương hoàn thành máy xúc lúa giao cho khách hàng. Tiếng máy cắt sắt, máy hàn inh ỏi, lấn áp cả tiếng nói chuyện giữa chúng tôi với ông Tư Sáng. Dừng tay, chưa kịp lau những giọt mồ hôi ướt đẫm trên gương mặt sạm nắng, ông Tư Sáng vui vẻ nói: “Chú em thông cảm chờ tôi một chút! Đợi tôi hàn cho xong thùng đựng lúa ráp vào máy, ngày mai là tới hẹn giao hàng cho người ta rồi, làm ăn mà thất hứa kỳ lắm”.

Vốn xuất thân từ nông dân, hơn ai hết ông Tư Sáng rất thấu hiểu nỗi cực nhọc của nghề nông. Không riêng gì ở thị xã Vị Thanh mà hầu hết các tỉnh, thành của ĐBSCL vào vụ sản xuất hè thu, thu đông, việc phơi lúa rất khó khăn, do thời tiết thất thường, nhất là trời hay mưa. Tới mùa thu hoạch, lúa được đem về phơi trước sân. Tranh thủ lúc trời quang mây tạnh, người phơi lúa phải cào lúa ra, khi trời chuyển mưa thì lại xúc lúa vô bao. Làm không kịp, lúa bị ướt, lên mộng trắng xóa, nhiều khi người nông dân đành phải đem cho vịt, gà ăn.

Ông Tư Sáng nói: “Đời nông dân được mùa mừng dữ lắm! Phơi lúa xong, chưa kịp xúc vô bao, mây đen kéo đến, thình lình mưa trút xuống như nước đổ, đành ngậm ngùi nhìn thành quả của mình trôi theo dòng nước mà lòng đau như cắt”. Thời gian qua, sự ra đời của lò sấy lúa đã giúp nông dân khắc phục được nhược điểm phơi lúa nhờ trời. Tuy nhiên, ở các lò sấy lúa, lúa được sấy khô người ta phải cào lúa thành đống, xúc vô bao, công việc rất vất vả và mất nhiều thời gian. Nhiều lần chở lúa đi sấy, ông Tư Sáng thở muốn không ra hơi nhưng vẫn không sao kịp xúc lúa vô bao, phải thuê mướn thêm nhân công, tốn kém. Từ cái khó này đã làm cho ông Tư Sáng ao ước: “Phải chi có máy xúc, cào lúa vô bao, mình chỉ buột miệng bao thì tiện biết mấy”. Thế là ý tưởng chế tạo ra chiếc máy xúc lúa của ông Tư Sáng hình thành từ đó. Đem ý nghĩ này tâm sự với mấy người bạn lão nông trong xóm, ông Tư Sáng được họ nhiệt tình ủng hộ: “Nhà ông có sẵn cơ sở làm cửa sắt, tiện cho việc chế tạo máy, ông hãy cố gắng làm ra máy xúc lúa để giúp nông dân tụi mình đỡ cực”. Từ sự động viên này, càng thôi thúc ông quyết tâm làm ra máy xúc lúa cho bằng được.

CHIẾC MÁY XÚC LÚA TIỆN ÍCH



Máy xúc lúa do ông Nguyễn Văn Sáng chế tạo.

Máy xúc lúa do ông Nguyễn Văn Sáng chế tạo.

“Nhưng công việc chế tạo máy bắt đầu từ đâu? Hình thù chiếc máy xúc lúa ra sao?”. Đó là những câu hỏi luôn hiện diện trong đầu ông trong giai đoạn manh nha ý định chế tạo máy. Công việc đầu tiên của ông Tư Sáng là tìm đến những chiếc máy gặt liên hợp, máy tuốt lúa để tìm hiểu nguyên lý hoạt động, nhất là công đoạn lấy và đưa lúa xuống bao. Từ Hậu Giang ông Tư Sáng đi đến các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, để thọ giáo nhiều người có kinh nghiệm sản xuất máy gặt liên hợp, máy tuốt lúa. Rong ruổi mấy tháng trời, cuối cùng những bộ phận chính và hình thù chiếc máy xúc lúa cũng đã được ông Tư Sáng hình dung ra. Lúc đầu, ông Tư Sáng tiện một đoạn kim loại lớn có hình dáng giống như mũi khoan nhưng có các rãnh sâu hơn (bộ phận này có chức năng đưa lúa qua ống); hàn các tấm kim loại làm thành thùng đựng lúa; ống đưa lúa ra ngoài, rồi ông ráp chúng lại với nhau tạo thành máy xúc lúa. Qua chạy thử bằng tay, nó cho kết quả khả quan. Nhưng nếu vận hành thủ công thì công suất và hiệu quả hoạt động không cao. Do đó, ông Tư Sáng tiếp tục nghiên cứu gắn thêm bộ phận mô- tơ điện để làm động cơ hoạt động. Vậy là chiếc máy xúc lúa thế hệ đầu tiên của ông Tư Sáng ra đời. Ông Tư Sáng nhớ lại: “Thấy máy xúc lúa đơn giản vậy chứ tôi phải mất hơn nửa năm trời mới làm xong”.

Bà Nguyễn Thu Hà, vợ ông Tư Sáng, kể: “Nhiều đêm, ngủ thức giấc không thấy ông nhà tôi trong mùng mà đèn ở phía nhà sau cứ sáng chưng. Đi xuống thì thấy ổng đứng trầm ngâm nhìn đống kim loại. Thấy ông nhà cực khổ, tôi khuyên ổng bỏ cuộc vì từ trước tới giờ ở đây không có máy xúc lúa nông dân cũng canh tác được, có sao đâu. Nhưng ông nhà tôi bảo “mình kiên trì nhất định sẽ thành công”. Cả mấy tháng trời, ngày nào ổng cũng vật lộn với bộ đồ nghề và đống kim loại. Hôm đó, nghe tiếng ổng vui mừng la lớn “Chạy được rồi! Chạy được rồi!”, tôi đi xuống xem chuyện gì thì mới biết chiếc máy xúc lúa đã chạy, được ổng chế tạo thành công rồi”.

Từ thành công này, ông Tư Sáng quyết định tiếp tục hoàn thiện chiếc máy để kịp phục vụ cho vụ mùa hè thu năm 2007. Nhưng qua thời gian sử dụng, máy xúc lúa thế hệ đầu tiên của ông Tư Sáng cũng còn bộc lộ nhiều nhược điểm, nhất là không có tính năng tự đưa lúa vào thùng và chưa xử lý được việc đưa bụi lúa ra xa. Thất bại này không làm cho ông nản chí. Ông tiếp tục mày mò từng bước cải tiến để có được chiếc máy xúc lúa hoàn thiện như hiện nay.

Chiếc máy xúc lúa của ông Tư Sáng bao gồm các bộ phận như: Thùng đựng lúa, giàn cào lúa, trục khoan lúa, hệ thống quạt gió, hệ thống điều chỉnh độ cao thấp của thùng đựng lúa, máy vận hành bằng mô- tơ điện và 4 bánh xe cho tiện lợi khi di chuyển,... Khi vận hành, chỉ cần 1 người điều khiển, máy tự động cào lúa vô thùng bằng hệ thống giàn cào lúa, rồi đưa lúa ra ống, đổ vô bao bằng trục khoan lúa,... Nó hoạt động thích hợp trong điều kiện lúa đống, lúa phơi đệm. Công suất hoạt động của máy từ 10 đến 12 tấn/1 giờ, trọng lượng chỉ khoảng 80 kg. Giá 1 chiếc máy xúc lúa khoảng 2,5 triệu đồng.

Đối với ông Tư Sáng, việc chế tạo máy xúc lúa là để gia đình, bạn bè sử dụng cho giảm bớt cực khổ. Khi nghe ông Tư Sáng chế tạo thành công máy xúc lúa, nhiều lão nông tìm đến ông để đặt hàng. Tiếng lành đồn xa, hiệu quả của chiếc máy xúc đem lại đã thuyết phục nhiều nông dân không chỉ trong tỉnh Hậu Giang mà còn lan sang ra các tỉnh lân cận. Khách hàng tìm đến ông Tư Sáng để đặt mua máy ngày càng đông, nhất là các chủ cơ sở sấy lúa. Từ khi chế tạo máy xúc lúa thành công đến nay, ông Tư Sáng đã làm ra hơn 30 chiếc máy xúc lúa bán cho khách hàng. Ngoài việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, ông Tư Sáng còn nhiệt tình bảo trì máy miễn phí cho người mua.

Ông Danh Hy, chủ cơ sở sấy lúa ở thị xã Vị Thanh, cho biết: “Tính trung bình một tấn lúa khi xúc vô bao từ lò sấy phải cần ít nhất 4 lao động làm liên tục trong 1 giờ, lúc cao điểm phải cần đến 6 lao động làm mới xuể. Với công suất từ 10-12 tấn/1 giờ, năng suất tăng gấp nhiều lần so với cách làm thủ công. Máy xúc lúa của ông Tư Sáng không chỉ tiện lợi, hiệu quả, việc có thêm tính năng hút bụi còn làm gia tăng giá trị của hạt lúa”.

Hiện ông Tư Sáng tiếp tục nghiên cứu để chế tạo máy phun thuốc trừ sâu. Ông Tư Sáng nói: “Từ thành công của chiếc máy xúc lúa, tôi quyết tâm làm ra thêm chiếc máy phun thuốc trừ sâu để giúp nông dân giảm bớt cực nhọc trong sản xuất”.

Theo Vân Lâm (Báo Cần Thơ)