''Phòng thí nghiệm vui vẻ'' của thầy Ninh
Gần 15 năm gắn bó với nghề dạy học tại Trường THCS Hoàng Diệu (phường Hố Nai, TP.Biên Hòa), đến năm 2002 thầy Võ An Ninh, giáo viên môn Vật lý được Sở GD-ĐT điều về Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Đồng Nai công tác. Làm quản lý nhưng vì nhớ nghề, thầy đã mở ngay tại nhà phòng thực hành thí nghiệm để khi rảnh rỗi lại hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm.
Phòng thực hành thí nghiệm vật lý của thầy Ninh chỉ rộng gần 30m2 nhưng có đến cả ngàn thiết bị, đồ vật liên quan đến môn Vật lý từ lớp 6 đến lớp 9 được thầy sắp xếp gọn gàng, khoa học. Để có được “gia sản” này, thầy Ninh đã cất công sưu tầm gần 30 năm theo kiểu “kiến tha lâu đầy tổ”. Có những thứ thầy bỏ tiền ra mua, có những thứ thì mày mò tự làm hay gửi mua từ nước ngoài về.
Tìm cảm hứng cho học trò
Học sinh tìm đến phòng thực hành của thầy Ninh hầu hết đều có đam mê với môn Vật lý, nhiều em không muốn chỉ dừng lại kiến thức của môn học này ở những bài lý thuyết còn có vẻ mơ hồ. Ở phòng thí nghiệm của thầy Ninh, thay vì dạy lý thuyết, thầy chỉ cho thực hành. Mỗi buổi thầy chuẩn bị sẵn cho các em một bộ đồ dùng thí nghiệm riêng gắn với bài tập trong sách giáo khoa. Học sinh tự tay làm thí nghiệm và tự rút ra kết luận từ hiện tượng vật lý mình quan sát được. Nhờ được thực hành nhiều mà học sinh hiểu được tận gốc bản chất của hiện tượng vật lý có trong cuộc sống hằng ngày.
Thầy Ninh nêu ví dụ, ở trên lớp giáo viên giới thiệu cho học sinh quy trình và nguyên lý hoạt động của nhà máy thủy điện, nếu chỉ giới thiệu qua lời nói mà không có thiết bị quan sát, thực hành thí nghiệm thì các em sẽ chỉ hiểu hiện tượng một cách mơ hồ. Tuy nhiên khi phát cho mỗi học sinh một mô hình máy phát điện thu nhỏ chạy bằng nước, sau đó tự tay đổ nước vào làm quay cánh quạt và tua-bin phát ra điện thì lập tức các em hiểu được hiện tượng mà thầy không phải nói nhiều. Không dừng lại ở đó, khi tua-bin phát ra điện các em còn có thể dùng thiết bị điện kế đo dòng điện.
Hay khi giới thiệu với học sinh hiện tượng nhật thực và nguyệt thực trong tự nhiên, nếu giáo viên chỉ nói miệng sẽ có học sinh không hình dung ra được. Tuy nhiên chỉ cần 3 trái bóng to nhỏ khác nhau tượng trưng cho trái đất, mặt trăng, mặt trời xếp thẳng hàng nhau, sau đó dùng đèn pin rọi vào, học sinh đã có thể hiểu vì sao có hiện tượng nhật thực, nguyệt thực.
Em Nguyễn Quang Thắng, học sinh Trường THCS Hùng Vương (phường Quang Vinh) chia sẻ: “Ở phòng thực hành thí nghiệm vật lý của thầy Ninh em không cảm thấy việc học bị áp lực mà ngược lại còn rất thú vị. Thiết bị đồ dùng thí nghiệm phong phú, em thích nhất là những món đồ do thầy tự chế ra như kính tiềm vọng làm từ ống nhựa và mặt gương phẳng, hay gương cầu lồi và gương cầu lõm được làm từ chiếc vá múc canh inox…”.
* Tìm niềm vui với nghề
Thầy Võ An Ninh chia sẻ, đã 17 năm không còn thường xuyên đứng lớp nhưng đam mê sưu tầm và tự làm các thiết bị đồ dùng dạy học, hướng dẫn học sinh thực hành thí nghiệm đã mamg lại cho thầy rất nhiều niềm vui. Có đến hơn một nửa số đồ dùng thiết bị trong phòng thí nghiệm là do thầy tự mày mò chế tạo, trong đó có nhiều thiết bị được chế tạo từ phế liệu. Những buổi cuối tuần dù không có học sinh đến học, thầy vẫn mở toang các cánh cửa phòng, tự mình lau chùi, sửa chữa, hiệu chỉnh lại thiết bị đồ dùng ngay ngắn lại.
Từ phòng thí nghiệm của mình, thầy Ninh đã tự mang lại cho mình rất nhiều niềm vui lẫn hạnh phúc với nghề. Như chuyện một cô giáo ở Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Biên Hòa) gửi con đến nhờ thầy hướng dẫn học thực hành thí nghiệm chương trình Vật lý lớp 8. Cô hướng con tập trung vào môn Ngữ văn để sau này thi vào lớp chuyên Văn của Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh. Thế nhưng chỉ sau một thời gian học môn Vật lý với thầy, học sinh này đã quyết định từ bỏ ý định thi vào lớp chuyên Văn và chuyển hẳn sang mục tiêu thi chuyên Lý.
Trong số hàng trăm học sinh thầy Ninh từng dạy, từng hướng dẫn, có người trước đây là học trò, nay có con vào lớp 6 cũng lại nhớ và đưa con đến gửi nhờ thầy hướng dẫn. Thầy Ninh cho biết, thiết bị thực hành thí nghiệm đối với môn Vật lý, Hóa học ở trường THCS-THPT khá đắt đỏ nên không phải trường nào cũng mua sắm đủ cho học sinh thực hành nên không tránh khỏi tình trạng phải học “chay”. Do đó, khi có điều kiện thực hành với thiết bị các em đều như được tiếp thêm hưng phấn và sáng tạo nhiều hơn.
Thầy Ninh chia sẻ thêm, khi học sinh tìm đến với phòng thí nghiệm tại nhà, thầy không đặt mục đích dạy thêm kiếm tiền mà chỉ nghĩ đến việc tiếp thêm đam mê môn Vật lý cho các em. Do phòng học khá nhỏ, việc thực hành môn Vật lý không thể nhận cùng lúc nhiều học sinh nên mỗi lớp chỉ có 7-8 em, từ khối 6 đến khối 9 mỗi khối có 1 lớp. Mỗi khóa thầy thu mỗi em 200 ngàn đồng, số tiền này được thầy dùng mua thêm thiết bị thực hành thí nghiệm, vật tư, trả tiền điện nước.
Không chỉ hướng dẫn cho những học sinh đam mê môn Vật lý có thêm điều kiện thực hành thí nghiệm, thầy Ninh còn là “thầy đỡ” cho nhiều thầy cô giáo trẻ môn Vật lý mới bước chân vào nghề. Thầy Ninh cho biết: “Qua lời giới thiệu hay mạng xã hội, nhiều thầy cô giáo trẻ đã biết đến phòng thí nghiệm của tôi và tìm đến nhờ tôi hướng dẫn làm thiết bị dạy học, xây dựng tiết dạy thực hành mẫu, mượn thiết bị đồ dùng về phục vụ tiết dạy trên lớp vì ở trường không có”.
Thầy Ninh chia sẻ: “Có thầy cô ở tận dưới huyện vất vả lên mượn thiết bị thực hành môn Vật lý về xây dựng tiết dạy chuẩn bị dự thi giáo viên giỏi. Khi mang đồ đến trả còn đem theo cả chục trứng gà của nhà biếu, làm tôi rất xúc động. Đời chỉ cần những niềm vui nho nhỏ vậy thôi”.
Thầy Võ An Ninh hiện là Giám đốc Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Đồng Nai. Thầy đã có trong tay 9 giải thưởng sáng tạo cấp tỉnh, trong số đó có 4 giải nhất. Thầy còn là một trong những thành viên Ban giám khảo của cuộc thi thiết bị dạy học tự làm cấp tỉnh.
Theo Công Nghĩa (Báo Đồng Nai)