Sinh viên TP.HCM chế nước uống hỗ trợ phòng chống tiểu đường từ nguyên liệu siêu rẻ

Với sự hướng dẫn của TS. Lâm Văn Mẫn, hai sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM gồm: Ngô Hoàng Anh và Trần Đỗ Ngọc Khuê đã nghiên cứu và chế biến nước uống chức năng từ lá dâu tằm.

Nước uống này có vị ngọt tinh khiết, khả năng tái tạo khoáng cho răng, hỗ trợ phòng tránh bệnh tiểu đường.

Nước uống từ lá dâu tằm thành phẩm.

Nước uống từ lá dâu tằm thành phẩm.

Tốt cho răng, đường huyết

 Sản phẩm được làm từ 100% đường Isomalt là chất ngọt dinh dưỡng được tinh chế hoàn toàn từ củ cải đường có vị ngọt tinh khiết, khả năng tái tạo khoáng cho răng, không làm ảnh hưởng đến đường huyết.

 Nước dùng để chế biến là sản phẩm nước uống đóng chai được kiểm định theo quy chuẩn QCVN 6-1:2010 Bộ y tế về sản phẩm nước uống đóng chai và nước khoáng. Acid citric được lựa chọn sử dụng cũng nằm trong danh mục cho phép sử dụng của Bộ y tế.

 Theo đó, các tính chất hóa lý của lá dâu tằm tươi được xác định trước khi đưa vào  sấy và chế biến. Lá sau sấy có độ ẩm trung bình là 7% được sử dụng để trích ly và phối chế để chế biến nước uống chức năng.

 Kết quả nghiên cứu cho thấy nước uống có thành phần DNJ (1-Deoxynojirimycin) và Isomalt được đánh giá cao nhất về mặt cảm quan, cũng như giá trị sinh học.

 Theo Trần Đỗ Ngọc Khuê, đại diện nhóm tác giả nghiên cứu, hiện có rất nhiều nghiên cứu và phương pháp được đưa ra để ngăn ngừa, phòng tránh bệnh tiểu đường bằng các loại thuốc theo phương pháp Tây y. Tuy nhiên nếu xét về mặt lâu dài thì nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên là sự lựa chọn tốt nhất.

 Do đó, nhóm đã bắt tay vào thực hiện đề tài nghiên cứu trên.

 Sử dụng nguyên liệu có sẵn, giá rẻ

 Nhóm đã quyết định lựa chọn nguyên liệu là lá dâu tằm từ giống dâu Sa nhị luân, đây là giống được trồng nhiều ở khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Lá dâu được lựa chọn là các lá bánh tẻ, không bị héo, không sâu bệnh và có màu xanh đậm ở bề mặt trên và mặt dưới của lá có màu xanh nhạt.

Nhóm tác giả bên thầy hướng dẫn - TS. Lâm Văn Mẫn (ngoài cùng bên phải).

Nhóm tác giả bên thầy hướng dẫn - TS. Lâm Văn Mẫn (ngoài cùng bên phải).

Quy trình có thể tóm tắt như sau: đầu tiên, nhóm tiến hành khảo sát quá trình sấy khô lá dâu tằm ở các nhiệt độ khác nhau từ 400C - 500C -  600C - 700C. Sau đó, tiến hành khảo sát tỉ lệ nước và lá dâu tằm dùng để trích ly bằng cách cân và nghiền nhỏ lá dâu tằm theo khối lượng xác định. Sau đó đem đi trích ly với tỉ lệ dung môi: Nguyên liệu lần lượt là 10:1, 30:1, 50:1 và 70:1.

 Khảo sát nhiệt độ trích ly: Cân và nghiền nhỏ lá dâu tằm rồi sau đó đun nóng ở độ 700C và 1000C với tỉ lệ nước: lá là 50:1 trong 30 phút.

 Nghiên cứu tỷ lệ phối chế đường đến chất lượng sản phẩm: phối trộn đường với các tỉ lệ 0%, 5%, 10% và 15% vào dung môi và thực hiện đánh giá cảm quan về màu sắc và mùi vị.

 Nghiên cứu tỉ lệ phối chế acid citric đến chất lượng sản phẩm: khảo sát công thức phối trộn tỷ lệ khác nhau của acid citric. Các loại nguyên liệu khác như đường,  khối lượng dịch trích ly không thay đổi; Thực hiện đánh giá cảm quan về màu sắc và mùi vị.

 Tuy từ lâu, một số quốc gia trên thế giới đã sử dụng lá cây dâu tằm trong các bài thuốc chữa trị và ngăn ngừa bệnh tiểu đường. Tuy nhiên lại chưa có sự đề cập nào tới các thành phần có tác dụng mà hoàn toàn dựa theo kinh nghiệm.

 Một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng sản phẩm trà lá dâu bổ dưỡng Mori chiết xuất từ lá dâu của trường Đại học y Phương Nam (Trung Quốc) về tác dụng của sản phẩm cho thấy: Với liều lượng 20ml/người/ngày, dùng đều đặn trong 3 tháng, tùy theo biểu đồ máu của người dùng sẽ cho thấy hiệu quả rõ rệt, cụ thể là đường máu của bệnh nhân trở về mức độ bình thường là 50,88%.

 Điều đặc biệt, theo Ngọc Khuê, với nghiên cứu này, nhóm chỉ phải chi khoảng 500.000 đồng chi phí nguyên liệu nghiên cứu.

 Hiện nhóm đang tìm đối tác để thực nghiệm và đưa vào sản xuất với quy mô thương mại và chuyên nghiệp hơn.

 Dự kiến trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu tạo thêm các hương vị khác nhau trên nền nguyên liệu lá dâu tằm.

Mai Dung