Anh Nguyễn Văn Mạnh với sáng chế máy bẻ tay dê cải tiến áp dụng hiệu quả
Sau thời gian mày mò nghiên cứu về ưu, nhược điểm của một số máy bẻ tay dê hiện có trên thị trường, anh Nguyễn Văn Mạnh (ấp Hòa, xã Nhị Bình, huyện Châu Thành) đã sáng chế thành công "Máy bẻ tay dê cải tiến" rất tiện dụng. Chiếc máy này có ưu điểm là bẻ được nhiều loại thép (kể cả thép tái chế không đạt chuẩn) và công suất bẻ có thể đạt 14 tay dê/phút.
Anh Mạnh cho biết, qua trải nghiệm thực tế và tìm hiểu một số nhà thầu xây dựng cùng những người đã sử dụng máy bẻ tay dê trong nước sản xuất hay nhập từ Trung Quốc, anh nhận thấy, các loại máy này đều có cấu tạo chung là sử dụng động cơ servo (động cơ điện được điều khiển bởi bộ vi xử lý) với lực kéo được thiết kế chỉ phù hợp với loại thép đạt chuẩn (bề mặt tròn, láng).
Việc sử dụng nguyên liệu là thép không đạt chuẩn hoặc thép tái chế (bề mặt không tròn, không láng, có cạnh...), công suất của máy sẽ giảm, thậm chí máy bị đứng do lực cản từ các vòng thép đan, dính vào nhau làm vô hiệu hóa lực kéo của động cơ servo. Từ đó, anh nảy sinh ý tưởng sáng chế "Máy bẻ tay dê cải tiến" nhằm khắc phục nhược điểm của một số máy bẻ tay dê hiện có.
"Máy bẻ tay dê cải tiến" do anh Mạnh sáng chế có cấu tạo gồm 3 phần: Bộ phận cơ khí, bộ phận thủy lực và tủ điện điều khiển. Trong đó: Bộ phận cơ khí gồm mâm chứa cuộn thép, khung máy, nhông truyền động, ru lô và con lăn thép (chuyển động xoay tròn) để cuốn thép vào, dao cắt (được làm từ thép SKD được gia nhiệt đạt độ cứng tiêu chuẩn để chống mài mòn), thùng chứa nhớt (dung tích 10 lít); Bộ phận thủy lực gồm 1 đầu bơm thủy lực áp suất 70 kg/cm2, 1 mô-tơ thủy lực có tốc độ 750 vòng/phút, 2 ben thủy lực, một van phân phối, 3 van điện; Tủ điện điều khiển gồm 1 bo mạch điện PLC Mitsubishi, màn hình cảm ứng 7 inch, 1 bộ phát xung 500 xung/vòng...
Về vận hành: Sau khi khởi động máy, muốn bẻ tay dê với kích cỡ, loại thép như ý muốn, người vận hành chỉ cần nhập thông tin vào màn hình cảm ứng. Hệ thống điều khiển gồm các driver điều khiển (từ tủ điện kết nối với màn hình với chương trình phần mềm đã được viết sẵn) sẽ truyền các lệnh dưới dạng xung điện để xuất lệnh điều khiển các động cơ thủy lực, van điện phối hợp thực hiện đồng bộ các công đoạn bẻ thẳng (kéo), bẻ tạo hình và cắt tay dê theo lập trình. Chiếc máy này được thiết kế để bẻ tay dê thép có đường kính thông dụng là Æ6 và Æ8 (mm) với nhiều kích cỡ (theo ý muốn), hình dạng khác nhau như: Vuông, tam giác, lục giác, lò xo, dạng chữ L, U, đai mang…
Theo anh Mạnh, máy bẻ tay dê do anh sáng chế có ưu điểm là sử dụng động cơ thủy lực nên lực kéo mạnh hơn động cơ servo, công suất hoạt động vì thế cũng cao hơn. Do lực kéo mạnh nên máy có thể vận hành tốt khi bẻ tay dê đối với thép nguyên liệu không đạt chuẩn, kể cả thép tái chế. Tính từ khi sáng chế máy bẻ tay dê đầu tiên, đến nay, anh Mạnh đã xuất bán được 10 máy cho khách hàng ở trong và ngoài tỉnh với mức giá 40 triệu đồng/máy.
Nhận xét về "Máy bẻ tay dê cải tiến" do anh Nguyễn Văn Mạnh sáng chế, anh Nguyễn Văn Vinh (xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) cho biết, anh mua máy bẻ tay dê của anh Mạnh đã 3 năm. Hiện tại, máy vẫn hoạt động tốt, mỗi ngày anh cung ứng trên 800 kg thép tay dê cho nhà thầu xây dựng hoặc hộ dân có nhu cầu.
Còn anh Nguyễn Văn Phong - nhà thầu xây dựng ở xã An Cư (huyện Cái Bè) nhận xét: "Cách đây 2 năm, tôi mua hai máy bẻ tay dê do anh Mạnh sản xuất. Nhờ có hai chiếc máy trên, tôi có thể đảm bảo đủ nguồn tay dê cung ứng cho các công trình nhận thầu (trung bình mỗi máy bẻ khoảng 1 tấn tay dê/ngày), giúp tôi vừa đảm bảo tiến độ công trình xây dựng, vừa tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh doanh".
Do đảm bảo các tiêu chí về tính mới, sáng tạo và khả năng ứng dụng nên giải pháp "Máy bẻ tay dê cải tiến" do anh Nguyễn Văn Mạnh sáng chế được Hội đồng giám khảo thống nhất đề xuất Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XIII (2018 - 2019) xem xét trao giải Ba.
Theo Tiengiang.gov.vn