Sáng chế nệm thông minh cho người bệnh

Chiếc nệm thông minh giúp những bệnh nhân gặp khó khăn trong vận động tự điều chỉnh theo ý muốn, không cần phải có người thân túc trực.

Đó là sáng chế của nhóm sinh viên gồm Nguyễn Quốc Thanh Giao, Hồ Hoàng Minh Chính, Định Nhân, Võ Văn Quốc (khoa cơ khí) và Trần Thị Minh Khuê, Lê Thị Thu Hiền (khoa quản lý dự án) Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng.

Cùng bệnh nhân sáng chế

Võ Văn Quốc (20 tuổi) chia sẻ bản thân từng chứng kiến người ông của mình bị tai biến, bà phải chăm ông rất khó khăn. "Việc khó nhất là thay đổi tư thế nằm của ông khi mà bà lại không đủ sức, phải gọi thêm người phụ giúp rất vất vả. Mình đã nghĩ nếu có một chiếc giường chỉ với chiếc nút bấm giúp ông tự dịch chuyển được những tư thế đơn giản thì tốt biết mấy" - Quốc nói.

Quốc đã trao đổi ý tưởng này với các bạn và nhanh chóng quyết tâm sáng chế một chiếc nệm thông minh. Hai tháng liền, các bạn lặn lội vào từng phòng bệnh của Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu và Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng trực tiếp gặp các bệnh nhân và người nhà, tìm hiểu những khó khăn và nhu cầu của họ.

Các bạn quan sát thấy nhiều người bệnh về xương khớp hoặc khó khăn trong vận động không thể tự thay đổi tư thế nằm hoặc ngồi một mình, nhiều bệnh nhân ngại vận động vì sợ phiền hà, điều đó có thể làm chậm quá trình điều trị.

Mỗi tuần, khi chế tạo thêm một chức năng nào cho sản phẩm, nhóm lại đưa mô hình đến cho bệnh nhân xem và góp ý để hoàn thiện. Chiếc nệm đa năng này khác với những chiếc nệm bình thường ở chỗ có 3 phần rõ rệt ứng với phần thân trên, phần thân dưới và phần chân; có thể lắp thêm các thiết bị đo nhiệt độ cơ thể, đo độ ẩm nệm... tùy nhu cầu.

Mô hình hiện tại của nhóm làm bằng gỗ, được gắn bởi các khớp bán động với chức năng nâng đầu, hạ chân và xoay người. Bên trên lớp đệm gỗ lót nệm êm khi sử dụng. Một hệ thống điều khiển bằng chiếc nút bấm với bảng điều khiển và màn hình hiển thị được lắp vào nệm.

Chiếc nệm giúp người nằm tự thay đổi tư thế và hướng chỉ bằng một nút ấn. Hệ thống điện tử thông minh cũng ghi lại tình trạng bệnh nhân thông qua các chỉ số nhiệt độ cơ thể, độ ẩm nệm, còi báo động... để gia đình người bệnh theo dõi được tình trạng sức khỏe của họ.

Giá thành phù hợp với Việt Nam

Nhắc lại hành trình chế tạo nên chiếc nệm thông minh vừa đoạt giải nhất cuộc thi EPICS (Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng) diễn ra tại TP.HCM, nhóm bạn cho biết khó khăn nhất là về phần cơ khí và điện tử, thiết kế các cơ cấu.

Ngoài giờ học trên lớp, nhóm tìm gặp các thầy giáo hướng dẫn để được hỗ trợ và nhiều lúc cả nhóm phải thức xuyên đêm trong phòng trọ để hoàn thành một ý tưởng vừa nghĩ ra. Nhiều kết cấu và chi tiết khó, các bạn tìm tòi với nhiều cách khác nhau để đạt kết quả mới thôi.

Nhiều người nhà bệnh nhân sau khi xem mô hình chiếc nệm thông minh của nhóm đã không ngớt trầm trồ khen ngợi và mong ngóng sản phẩm hoàn thành.

Chị Hồ Nhật Tuyền (33 tuổi) chăm mẹ bị tai biến ở Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng chia sẻ: "Nếu có một chiếc nệm như vậy, gia đình tôi chắc chắn mua một chiếc. Với người bệnh nằm điều trị lâu ngày, đặc biệt người già bị tai biến thì chiếc nệm sẽ giúp bệnh nhân và người nhà thoải mái hơn nhiều".

Nguyễn Quốc Thanh Giao (20 tuổi, thành viên của nhóm) cho biết chiếc nệm khi được sản xuất và ra thị trường ngoài việc điều chỉnh kích thước, mẫu mã để hợp với mỗi người dùng thì các vật liệu cũng đa dạng với nhiều mức giá. Tùy nhu cầu có thể thêm, bớt các chức năng để phù hợp với túi tiền.

Trước đó, theo tìm hiểu của nhóm, ở một số nước tiên tiến trên thế giới, chiếc giường thông minh cũng có những chức năng tương tự nhưng giá thành khá cao. Nhóm bạn trẻ kỳ vọng chiếc nệm có mức giá vài triệu đồng sẽ ưu việt hơn khi được sản xuất tại Việt Nam.

Theo Tuổi trẻ

Tindmstsáng chế