Sáng chế vì cộng đồng

Sau khi thành công với sáng chế “Máy phát bao cao su tự động” đưa vào sử dụng gần một năm qua, Nguyễn Công Tín (sinh viên Trường ĐH Duy Tân) và nhóm bạn đang thực hiện tiếp mô hình tủ bán bao cao su tự động (thực hiện bằng tin nhắn). Gần 5 năm làm sinh viên (SV), đến nay Tín có 7 công trình nghiên cứu được nghiệm thu, tất cả đều hướng đến mục đích phục vụ cộng đồng.

Giống như một tủ thuốc gia đình, chiếc máy phát bao cao su (BCS) tự động hoạt động với cơ chế hoàn toàn… tự động. Trong tủ có một ống vuông chứa BCS, dưới ống có một máng trượt. Khi ấn chiếc nút duy nhất có trên thân máy thì BCS trong ống sẽ tự trượt ra kèm theo lời chào “Cảm ơn bạn đã sử dụng!”. Góc bên phải tủ còn có một khe nhỏ để các nhà hảo tâm có thể ủng hộ tiền từ thiện.

Do hoạt động đồng thời bằng hệ thống điện và bằng kỹ thuật cơ khí nên dù mất điện, hệ thống lò xo vẫn giúp máy hoạt động bình thường. Đặc điểm của chiếc tủ này là lưu lại thời gian người dùng nhấn nút lấy BCS ở một chiếc thẻ nhớ gắn trong máy. Và mỗi lần bổ sung, chiếc hộp đựng sẽ chứa được tối đa 50-60 chiếc BCS. Máy sẽ tự động gửi thông tin về lượng bao cao su về cho máy chủ để người quản lý cập nhật thông tin và tiếp tục “nạp nhiên liệu”. Cũng thông qua hệ thống đèn LED, máy phát hiển thị trực tiếp số lượng bao cao su còn lại trong máy để người sử dụng được biết.

Nhóm thiết kế gồm các bạn SV năm thứ nhất, thứ hai là Võ Thành Nghĩa, Đoàn Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Minh Hằng, Trần Minh Đan Thư, Nguyễn Anh Duy và Nguyễn Công Tín, SV năm cuối, đều cùng Khoa Điện-Điện tử, Trường Đại học Duy Tân. Với vai trò là nhóm trưởng, Nguyễn Công Tín chia sẻ ý tưởng về thiết kế thông minh này: Thực tế là chúng em rất đắn đo khi thực hiện đề tài này vì vấn đề sử dụng BCS khá nhạy cảm với người Việt Nam. Nhưng nhận thấy sự cần thiết nên có chiếc máy vì nhiều người cần BCS mà ngại đến tiệm thuốc. Sự bất tiện này sẽ được giải quyết khi có chiếc máy phát miễn phí, ngăn ngừa việc mang thai ngoài ý muốn và lây nhiễm HIV cũng như một số bệnh khác.

Với chiếc máy đầu tiên lắp đặt phía trước cổng Quận Đoàn Hải Châu, Công Tín cho biết, thời gian đầu người sử dụng thường đến lấy BCS từ 12 giờ khuya đến khoảng 5 giờ sáng hôm sau. Cứ khoảng 21 giờ các bạn đến bỏ, thì đến sáng hôm sau đến kiểm tra thấy không còn chiếc nào.

Một tháng sau, cứ vài ngày các bạn mới “nạp nhiên liệu” một lần, thời gian người sử dụng lấy BCS cũng giãn ra chứ không còn tập trung một buổi như trước. Sau 6 tháng lắp đặt chiếc máy đầu tiên, 2 máy tiếp theo được lắp ở 2 Trung tâm Y tế phường Hòa Khánh Nam và Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu), do ở đây tập trung nhiều SV, công nhân.

Mô hình này của các bạn đã đoạt giải cao nhất cuộc thi Kinh tế cộng đồng dành cho sinh viên các trường ở miền Trung hồi tháng 1-2016, tham gia Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc năm 2016.

Hiện nay, Nguyễn Công Tín và nhóm sáng chế này tiếp tục nghiên cứu mô hình tủ bán BCS tự động. Khi người dùng nhấn nút ở trên tủ, trên màn hình sẽ hiện ra một mã số. Lấy mã số này nhắn tin đến tổng đài, tổng đài sẽ nhắn đến điện thoại của bạn mã số bán hàng. Nhập mã số này lên màn hình máy, chiếc BCS sẽ tự động nhả ra khe. Mô hình này mới thành công ở quy mô phòng thí nghiệm, dự kiến từ đây đến cuối năm sẽ cho ra mắt sản phẩm hoàn chỉnh. Chiếc máy bán BCS tự động này sẽ giải quyết được vấn đề trộm cắp, miễn phí và tâm lý của người cần dùng.

Hầu hết những công trình nghiên cứu do Nguyễn Công Tín khởi xướng đều hướng đến mục tiêu vì cộng đồng. Và từ khi là SV năm thứ 2 đến nay - khi sắp tốt nghiệp, Tín đã có 7 công trình khoa học được nghiệm thu. Trong đó phải kể đến những sản phẩm sáng tạo như Robot dẫn người qua đường, Hệ thống cảnh báo sạt lở đất, Máy đo nồng độ cồn, Hệ thống trình chiếu slide bằng cử chỉ…

Ước mơ của chàng kỹ sư tương lai này là tiếp tục học cao lên và có thêm nghiên cứu giúp ích hơn nữa cho cộng đồng.

Theo Báo Đà Nẵng

Tindmstsáng chế