Những nhà sáng chế tuổi học trò
Hàng ngàn dự án, sản phẩm sáng chế khoa học độc đáo gắn liền với thực tiễn đã được học sinh giới thiệu tranh tài tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh và cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2017-2018. Tại tỉnh Lâm Đồng có những sáng kiến của các em học sinh mang đậm dấu ấn cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mở ra những định hướng phát triển trong tương lai…
Hệ thống sơn tay cải tiến
Em Nguyễn Phạm Phúc Đức, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Di Linh, huyện Di Linh (Lâm Đồng) người đã đoạt giải Nhì về giải pháp “Hệ thống sơn tay cải tiến” tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lâm Đồng lần thứ 14, năm 2018.
Là học sinh xuất sắc từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông, Nguyễn Phạm Phúc Đức không chỉ nỗ lực trong học tập, em còn say mê nghiên cứu để ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào thực tiễn cuộc sống. Phúc Đức chia sẻ: “Hệ thống sơn tay cải tiến được cấu tạo gồm bình sơn, hệ thống đường ống, van điều khiển và con lăn. Bình sơn áp lực được làm bằng kim loại hoặc bằng nhựa, được thiết kế với thể tích chứa từ 10-15 lít dung dịch, bình có chiều cao từ 40-45 cm, trọng lượng từ 1,5-2,5 kg, chịu áp suất nén khoảng 2,5 atm. Bình sơn áp lực có áp suất cao đẩy sơn ra ngoài qua hệ thống ống dẫn, đến van điều khiển đưa sơn ra con lăn”.
Tính sáng tạo của “Hệ thống sơn tay cải tiến” là sơn được đưa đến bề mặt con lăn một cách bán tự động với một lượng sơn nhất định thông qua đường ống và van điều khiển. Người thợ sơn có thể điều chỉnh lượng sơn theo ý muốn để lượng sơn vừa đủ, chất lượng và đồng đều.
Với ưu điểm vượt trội hơn hẳn so với sơn tay thông thường nên hệ thống này đã được Ban Giám khảo cuộc thi đánh giá cao về hiệu quả, tính khả dụng, ứng dụng thực tiễn. Bên cạnh đó, với thiết kế đơn giản, giá thành thấp, dễ sử dụng, không hao hụt sơn…, hiệu quả tăng gấp 1,5 lần so với sơn tay thông thường, góp phần đáng kể trong lĩnh vực phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.
Với niềm đam mê cháy bỏng trong lĩnh vực khoa học, công nghệ thông tin, em Nguyễn Phạm Phúc Đức ước mơ sau này sẽ trở thành kỹ sư chuyên ngành thiết kế, chế tạo ô tô.
Real Act - “bánh mì chuyển ngữ”
Real Act là thiết bị hỗ trợ người khiếm thính, khiếm thanh của 2 em học sinh Nguyễn Công Minh và Hồ Nguyễn Phương Uyên, cùng học Trường THPT Bảo Lộc, huyện Bảo Lộc (Lâm Đồng). Thiết bị Real Act như chiếc “bánh mì chuyển ngữ” trong câu chuyện chú mèo máy thông minh Doraemon đã giành giải Ba Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2017-2018 và giành giải Nhì Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lâm Đồng lần thứ 14, năm 2018.
Nói về ý tưởng sáng chế Real Act, em Hồ Nguyễn Phương Uyên, học sinh lớp 11A7, Trường THPT Bảo Lộc cho biết: “Trong cuộc sống người bình thường nếu không biết ngôn ngữ ký hiệu sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi giao tiếp với người khiếm thính, khiếm thanh. Trong khi đó, các thiết bị chuyển ngữ dành cho các đối tượng này hiện còn quá ít, giá thành lại cao và khó sử dụng. Từ thực tế trên, em cùng bạn Nguyễn Công Minh đã mày mò chế tạo Real Act có khả năng chuyển đổi ngôn ngữ ký hiệu thành ngôn ngữ viết hoặc ngôn ngữ nói và ngược lại chuyển đổi ngôn ngữ viết hoặc ngôn ngữ nói sang ngôn ngữ ký hiệu”.
Theo thầy giáo Hoàng Trung Sơn, giáo viên Vật lý Trường THPT Bảo Lộc, người trực tiếp hướng dẫn Hồ Nguyễn Phương Uyên và Nguyễn Công Minh sáng chế Real Act-thì thiết bị này có tính ứng dụng thực tế rất cao. Giá thành mỗi chiếc máy Real Act chỉ khoảng 6 triệu đồng. Thiết bị này lại dễ sử dụng hơn và cũng hiệu quả hơn so với các thiết bị hiện có. Bên cạnh đó, Real Act còn phù hợp với mọi lứa tuổi, có thể sử dụng cho nhiều đối tượng khác nhau.
Cùng quan điểm với thầy giáo Hoàng Trung Sơn, cô giáo Nguyễn Thị Thùy Phương, Hiệu trưởng Trường THPT Bảo Lộc đánh giá, “Real Act cũng cho thấy tính nhân văn rất cao trong việc hỗ trợ người khiếm thính, khiếm thanh trao đổi với người bình thường được dễ dàng hơn, giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống, cũng như bớt sự phụ thuộc vào người khác. Với việc giành giải Ba cấp quốc gia và giải Nhì cấp tỉnh đã nói lên sự vượt trội về mặt khoa học kỹ thuật của sản phẩm do các em sáng chế”.
Theo Báo Dân tộc