Học sinh dân tộc Xơ Đăng: Sáng chế “Máy thái và trộn thức ăn trong chăn nuôi”
Bằng sự đam mê, sáng tạo, 2 em học sinh A Minh Khiêm và A Trường, lớp 8, Trường phổ thông DTBT THCS Ngô Quyền xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) đã sáng chế ra “Máy thái và trộn thức ăn trong chăn nuôi” nhằm giảm bớt thời gian và sự vất vả cho người nông dân.
Chia sẻ về ý tưởng trên, A Minh Khiêm và A Trường cho biết: Vốn sinh ra tại một xã miền núi còn nhiều khó khăn. Nhiều lần chứng kiến những vất vả của cha mẹ trong việc cắt, thái các loại nguyên liệu làm thức ăn cho gia súc trong nhà nên 2 em đã nảy sinh ra sáng kiến trên để giảm bớt thời gian, sự vất vả cho bố mẹ.
Để thực hiện ý tưởng trên, Khiêm và Trường đã tìm kiếm và tận dụng các vật liệu cũ như thanh sắt, tôn, thép, các loại mô tơ cũ… để tiết kiệm chi phí. “Máy thái và trộn thức ăn trong chăn nuôi” được thiết kế với chiều cao 95cm, rộng 40cm, dài 85cm. Máy có 6 chân, khung máy có thể tháo rời vì được thiết kế bởi các mối hàn, đai ốc, ổ bi. Trục mô tơ được gắn lưỡi dao cắt, liên kết với bộ phận trộn thức ăn. Trục quay được gắn thanh đũa nhào trộn thức ăn và có bộ phận đẩy thức ăn đã xử lý xuống hộp đựng ở phần đáy.
Sau 3 tháng miệt mài lắp ráp với sự quyết tâm và sự hỗ trợ nhiệt tình của các thầy cô giáo, chiếc máy đã được hoàn thiện với chi phí 2,2 triệu đồng. Sau khi tiến hành thử nghiệm tại trường, chiếc máy đã nhận được nhiều lời khen từ phía thầy cô, các bạn học sinh. Đồng thời, sáng kiến này đã đạt giải Nhì Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm 2019 - 2020, do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Kon Tum tổ chức.
Em Khiêm cho biết: “Trong quá trình thực hiện ý tưởng, chúng em đã nhận được rất nhiều sự đồng thuận, hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất và tinh thần của nhà trường và gia đình. Nhà trường đã hỗ trợ kinh phí, giúp chúng em mua vật liệu để hoàn thành sáng kiến trên. Quá trình thực hiện tuy còn nhiều khó khăn, do chúng em chưa thuần thục việc sử dụng máy móc để hàn gắn các mối cũng như khó khăn trong khâu lắp ráp vì ý tưởng trên giấy và thực tế còn nhiều sự khác biệt. Tuy nhiên, sau 3 tháng miệt mài, “đứa con tinh thần” của em và Trường đã ra đời và nhận được rất nhiều lời khen từ thầy cô, gia đình và bạn bè”.
“Sự cố gắng của em cũng được đáp đền, khi sáng kiến đạt giải Nhì, chúng em vui lắm!. Đây chính là một trong những động lực để em và Trường phấn đấu hơn trong tương lai. Thời gian tới, chúng em vẫn sẽ tiếp tục tìm hiểu, học hỏi thêm các kinh nghiệm về chế tạo máy móc, cơ khí phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi”, A Minh Khiêm cho biết thêm.
Thầy Đinh Văn Truyền, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Ngô Quyền cho biết: “Để giúp các em phát huy hết khả năng sáng tạo, phát triển tư duy, đưa ý tưởng vào thực tiễn phục vụ cho cuộc sống thì Nhà trường luôn tạo điều kiện hết mức. Hỗ trợ kinh phí, động viên tinh thần, đồng hành cùng các em nhằm tạo động lực để các em phát huy tối đa sự sáng tạo của mình. Đây cũng là những tấm gương sáng cho học sinh trong trường noi theo để bước vào những sân chơi sáng tạo, bổ ích trong thời gian tới”.
Ông Nguyễn Hương Tích, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hồi chia sẻ: “Nhằm giúp các em phát triển tư duy, sự sáng tạo, chúng tôi luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho các em học sinh đưa ra các sáng kiến hay, bổ ích để ứng dụng vào thực tiễn. Sáng kiến của hai em Khiêm và Trường rất thiết thực. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa sản phẩm của hai em tham gia cuộc thi do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức”.
Theo Báo Dân tộc