Biện pháp hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh lớp 5 năm học 2022- 2023

1. Đặt vấn đề

- Mục đích của giáo dục là trang bị đầy đủ cả kiến thức, năng lực và phẩm chất cho các em học sinh nhằm giúp các em trở thành người tích cực, tự giác, sáng tạo, đáp ứng nguồn nhân lực cho sự nghiệp Công nghiệp hóa-Hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. 

- Hình thành, phát triển về năng lực, phẩm chất cho học sinh tiểu học nhằm xây dựng cho trẻ em những tính cách nhất định và bồi dưỡng cho các em những hành vi, quy tắc ứng xử, thể hiện thái độ với bạn bè, gia đình và những người xung quanh. 

- Trường học là nơi đặt viên gạch đầu tiên về tri thức và xây dựng nhân cách cho học sinh để cho các em được phát triển toàn diện. Do đó, ngoài việc giảng dạy các môn học, giáo viên còn phải thường xuyên quan tâm, giáo dục cho học sinh phát triển về năng lực, phẩm chất. Bởi vì “tri thức” chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ để cho các em tự tin bước vào tương lai.

- Chính sự cần thiết ấy, bản thân tôi cũng nhận thấy: Giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất là một việc làm cần thiết và vô cùng quan trọng trong nhiệm vụ giáo dục của mình. Đó là lý do tôi chọn đề tài “Biện pháp hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh” nhằm đưa ra biện pháp để giúp các em hình thành và phát triển về năng lực, phẩm chất một cách tốt hơn ở năm học 2022-2023 và đối tượng mà tôi áp dụng là học sinh lớp Năm 1.

2. Thực trạng

2.1. Thuận lợi

- Trường lớp khang trang, thiết bị dạy học đầy đủ, không gian sạch sẽ thoáng mát.

- Được sự chỉ đạo, quan tâm sâu sát của Ban Giám hiệu nhà trường.

- Các em mạnh dạn, tự tin, ham học hỏi và hứng thú tham gia vào các hoạt động.

- Phụ huynh nhiệt tình, có trách nhiệm, phối hợp tốt trong các hoạt động.

2.2. Khó khăn

- Các em còn rụt rè, nhút nhát, nhiều lúc chưa sôi nổi tham gia vào các hoạt động học tập và các hoạt động tập thể.

- Tâm lý của học sinh tiểu học thích “bắt chước” nên các năng lực, phẩm chất của các em có thể thu nhận qua tranh, ảnh, sách, báo, giao tiếp, phim, kịch,… nhưng các em chưa biết lựa chọn những cái tốt, phù hợp với mình để học tập mà các em lại bắt chước cái không tốt một cách vô thức. 

- Phụ huynh quá quan tâm cưng chiều con, dẫn đến việc ỷ lại, không chủ động, thiếu tự tin.

- Một số bộ phận phụ huynh còn chưa chú trọng đến việc giáo dục các kỹ năng sống, các hành vi thông qua sự mẫu mực của người lớn.

3. Biện pháp

Bước 1. Nắm bắt tâm lí học sinh

- Giáo viên tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của học sinh bằng nhiều cách khác nhau như: sơ yếu lý lịch; gọi điện thoại trao đổi,… Đồng thời, giáo viên quan sát các hoạt động vui chơi, học tập của học sinh để kịp thời giúp đỡ các em.

- Giáo viên hiểu học sinh, yêu thương, biết lắng nghe, chia sẻ cùng học sinh. Tạo cho các em sự yêu mến, tin tưởng để giúp đỡ các em.

Hình 1. Cuộc nói chuyện, chia sẻ giữa thầy - trò

Bước 2. Nâng cao chất lượng giảng dạy trong mỗi tiết học

- Giáo dục học sinh là giúp các em phát triển toàn diện về năng lực, phẩm chất mà còn một yêu cầu giáo viên phải yêu nghề. Giáo viên luôn cải tiến, đổi mới phương pháp giảng dạy. Tiết sau “mới” hơn tiết trước. Sau một tiết học, trò học được nhiều tri thức bổ ích tạo nên sự đam mê học hỏi, khám phá tự tin, khẳng định mình.

- Phải biết hỏi “gợi mở” mang tính “phát động”, nhất định sẽ nhận được câu trả lời độc đáo. Giáo viên cần hướng dẫn cụ thể những việc mà học sinh hỏi, tránh để học sinh cảm thấy mình lạc lỏng, cảm giác vì mình học dở nên không ai quan tâm, ai cũng khi dễ mình, không ai thèm chơi, để ý đến mình.

- Để học sinh phát huy hết năng lực, giáo viên phải tạo ra nhiều tình huống, để các em không nhàm chán trong tiết dạy. Giáo viên tổ chức cho học sinh làm việc nhóm để các em phát huy khả năng hợp tác của mình. Bên cạnh đó giáo viên cũng thường xuyên thay đổi nhóm trưởng của các nhóm bằng cách xoay vòng để tất cả học sinh của các nhóm đều có thể làm nhóm trưởng, tình bày các nội dung thảo luận của nhóm. Từ đó giúp các em mạnh dạn, tự tin hơn.

Ví dụ: Trong tiết dạy tôi luôn tạo ra không khí vui tươi, thoải mái trong lớp học, tạo sự hứng thú cho học sinh phấn khởi để tiếp thu bài. Để làm được điều đó tôi luôn cập nhật, lồng ghép thông tin mới một cách phù hợp vào bài dạy. Sử dụng tình huống, tạo tình huống có vấn đề trong tiết dạy để học sinh thảo luận tìm cách giải quyết. Tôi luôn thay đổi các phương pháp để các em không nhàm chán trong tiết dạy. Những em ít hoạt động như em Nguyễn Đặng Đăng Trân; Nguyễn Ngọc Anh Thư; Phạm Tấn Dũng cũng hòa nhập với cả lớp và tích cực hơn trong việc phát biểu xây dựng bài học.

Hình 2. Học sinh làm việc nhóm 

Bước 3. Tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp một cách phù hợp

- Bám sát chủ đề hoạt động của Đội theo tuần, tháng để xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp cho lớp. Tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao, các hội thi tìm hiểu kiến thức, sinh nhật,…trong lớp, giữa các lớp trong toàn khối để các em hiểu và gần gũi nhau hơn nhằm giáo dục tinh thần tập thể cho mỗi học sinh. Sau các hoạt động tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, tuyên dương, khen thưởng để khích lệ các em học sinh.

Hình 3. Buổi tổ chức sinh nhật cho học sinh

Bước 4. Đổi mới tiết sinh hoạt lớp

- Đổi mới về hình thức tổ chức và nội dung sinh hoạt, để học sinh tự điều hành, nhận xét và tự học tập thông qua các nội dung đã được lên trong chương trình sinh hoạt.

- Đặc biệt, trong tiết sinh hoạt lớp hàng tuần giáo viên sẽ nhận xét, đánh giá các hoạt động trong tuần qua của học sinh. Nêu gương những bạn thực hiện tốt nội quy trường, lớp, chăm ngoan, vâng lời, tích cực trong học tập để những em chưa thực hiện tốt sẽ cố gắng phấn đấu thực hiện tốt hơn.

Hình 4. Lớp trưởng điều khiển tiết Sinh hoạt lớp

Bước 5. Đổi mới cách thức họp phụ huynh

- Đổi mới hình thức tổ chức họp phụ huynh bằng nhiều cách trao đổi khác nhau, có thể là trò chơi, có thể hình ảnh, clip, có thể là các bức thư để phụ huynh có thể hiểu và đồng hành cùng cô giáo chủ nhiệm phối hợp giáo dục ở trường cũng như ở nhà.

Hình 5. Cuộc trò chuyện giữa đôi bạn vào giờ ra chơi

Bước 6. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục giữa các lực lượng trong và ngoài nhà trường

+ Phối hợp với Ban tư vấn học đường

- Phối hợp với ban tư vấn học đường tổ chức các chuyên đề, xây dựng các tiểu phẩm về bạo lực học đường hoặc cho học sinh đóng kịch về các tình huống bày tỏ lòng yêu thương và sự tôn trọng nhau. Các tiểu phẩm, tình huống này giáo viên có thể để học sinh thiết kế, xây dựng để phát huy tính tích cực của học sinh. Sau mỗi chuyên đề, tiểu phẩm, tình huống giáo viên sẽ phân tích, đánh giá mỗi cách ứng xử giúp các em lựa chọn cách ứng xử tốt nhất. Qua các hoạt động này, các em sẽ được rèn các kĩ năng sống cơ bản như: kĩ năng giao tiếp, kĩ năng ứng xử, kĩ năng kiềm chế cảm xúc, kĩ năng giải quyết vấn đề,…

- Phối hợp với Ban tư vấn học đường tư vấn cho phụ huynh học sinh biết những phương pháp giáo dục phù hợp với tâm lý lứa tuổi của học sinh vì thái độ và cách tiếp cận của phụ huynh đối với những việc làm sai của con cái có ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi của trẻ.

Hình 6. Nụ cười vui vẻ của giáo viên và học sinh sau khi học sinh được tư vấn

+ Phối hợp với tổ chức Đoàn, Đội

- Khuyến khích học sinh tham gia một cách tích cực các hoạt động, phong trào do Đoàn, Đội tổ chức như: về nguồn, thăm các di tích lịch sử, thăm các gia đình thương binh liệt sĩ, giao lưu với trẻ em khuyết tật, viết thư thăm chú bộ đội, phong trào nụ cười hồng, nuôi heo khuyến học,… Từ đó cho các em thấy được sự cống hiến của cha ông đối với dân tộc, Tổ quốc cũng như để các em biết được giá trị cao cả của lòng yêu thương, sự chia sẻ và đặc biệt là sức mạnh của tinh thần đoàn kết.

Hình 7. Hình ảnh học sinh viếng di tích Hố Bần xã Phong Phú

+ Phối hợp với giáo viên bộ môn

- Luôn trao đổi cùng các giáo viên bộ môn để tạo được sự đồng bộ trong việc giáo dục học sinh. Luôn tiếp thu ý kiến của các giáo viên bộ môn về tình hình lớp để kịp thời củng cố, đưa ra những biện pháp giáo dục phù hợp với các em. 

+ Phối hợp với Ban giám hiệu nhà trường

- Thường xuyên báo cáo tình hình lớp với Ban giám hiệu nhà trường, xin ý kiến tư vấn, chỉ đạo của Ban giám hiệu nhà trường khi gặp những vấn đề khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

* Kết quả

Đánh giá năng lực, phẩm chất đến giữa học kì 2 năm học 2022-2023 của lớp:

Phong trào:

+ Tập thể đạt giải Nhì Hội thi vẽ tranh, làm tranh đất sét chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11; Năm học 2022-2023.

+ Tập thể đạt giải Ba hội thi Kết hoa mai, hoa đào giả mừng xuân Quý Mão năm 2023.

+ Em Nguyễn Lê Bảo Châu đạt giải Nhất Hội thi cờ vua chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11; Năm học 2022-2023.

+ Em Trần Nhất Ân đạt giải Nhì Hội thi cờ vua chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11; Năm học 2022-2023.

+ Em Võ Lê Tuấn Tú đạt giải Ba Hội thi cờ vua chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11; Năm học 2022-2023.

+ Em Nguyễn Thảo Vy đạt giải Nhất Hội thi vẽ tranh chào mừng Đại hội ĐTNCSHCM lần thứ XI; Năm học 2022-2023.

+ Em Đoàn Nữ Hiểu Quân đạt giải Nhì Hội thi vẽ tranh chào mừng Đại hội ĐTNCSHCM lần thứ XI; Năm học 2022-2023.

+ Em Nguyễn Tường Vy đạt giải Nhì hội thi "Viết bài cảm nhận về chú bộ đội" kỉ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; Năm học 2022-2023.

+ Tập thể đạt giải Nhất (thể loại múa) hội diễn văn nghệ học sinh Mừng Đảng - Mừng Xuân năm 2023.

+ Tập thể đạt giải Nhì hội thi Viết thư pháp mừng xuân năm 2023.

+ Tập thể đạt giải Nhì hội thi Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh; Năm học 2022-2023.

+ Em Nguyễn Lê Bảo Châu đạt Huy chương vàng cờ vua nữ cấp huyện lứa tuổi 10 đến 11 tuổi; Năm học 2022-2023.

+ Em Nguyễn Ngọc Đan Thanh đạt Huy chương đồng giải bơi lội nội dung trườn sấp nữ 25m; Năm học 2022-2023.

+ Em Võ Lê Tuấn Tú đại diện huyện Bình Chánh tham dự hội thi Tài năng Tin học Tiểu học cấp thành phố lần 9 năm học 2022-2023.

+ Có 8 học sinh tham gia kì thi trực tuyến IOE cấp quốc gia năm học 2022-2023.

4. Kết luận

Để hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh, người giáo viên cần:

Tìm hiểu nắm vững đối tượng học sinh; có kế hoạch, biện pháp cụ thể kịp thời.

Phải nhiệt tình, hăng say, nắm được công tác giáo dục.

Nắm được hoàn cảnh của từng học sinh; luôn có mối quan hệ chặt chẽ với cha mẹ học sinh; phối hợp tốt với các lực lượng trong và ngoài nhà trường.

Phải yêu nghề, yêu trẻ, thực sự đi sâu vào tâm hồn các em, nâng cao ý thức trách nhiệm, thực sự xứng đáng là người giáo viên nhân dân.

5. Bài học kinh nghiệm

Để hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh một cách toàn diện thì cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ba bên: gia đình, nhà trường và xã hội. 

Nhà trường, giáo viên cần tăng cường quản lý học sinh, phát huy hiệu quả các hoạt động ngoại khóa nhằm giảm bớt áp lực học tập, giải tỏa tâm lý “sợ đi học” ở học sinh. 

Giáo viên chủ nhiệm cần theo dõi biến động tâm lý học sinh để có phương án giáo dục kịp thời, hiệu quả.  

istar.doimoisangtao.vn