Biện pháp xây dựng lớp học thân thiện

Trong nhiều năm qua, bản thân tôi đã thực hiện tương đối tốt mối quan hệ giữa thầy và trò, đồng thời tạo điều kiện xây dựng cho học sinh có mối quan hệ thân thiện với nhau và sử dụng các phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập, từng bước đưa chất lượng giáo dục của lớp tôi chủ nhiệm đi lên. 

1. Thuận lợi

- Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Ban giám hiệu và các bộ phận có liên quan trong nhà trường...

- Thầy cô giáo viên bộ môn nhiệt tình có trách nhiệm trong việc dạy học và giáo dục nhân cách cho học sinh.

- Hầu hết quý phụ huynh đều rất quan tâm đến việc học tập và phát triển nhân cách của con em mình.

- Đa số các em xác định được việc học tập của bản thân nên có động cơ học tập đúng đắn từ đó các em rất ngoan.

- Ban cán sự lớp là những học sinh tích cực, nhiệt tình có trách nhiệm, dễ hòa đồng luôn giúp đỡ bạn bè.

- Ngoài ra còn nhiều hoạt động tập thể thi đua sôi nổi giúp các em gần gũi và gắn kết nhiều hơn.

2. Khó khăn

Là giáo viên, ai cũng mong muốn cho học sinh của mình ngoan ngoãn hơn, chăm chỉ học tập hơn, thực hiện chuyên cần hơn và mỗi em thấy “ mỗi ngày tới trường là một ngày vui”. Song để thực hiện tốt điều này là một việc làm khó đối với giáo viên. Bởi sự không kiềm chế của bản thân khi học sinh không làm bài hay nghịch ngợm mà đã sử dụng ngôn ngữ nặng lời, thậm chí dùng biện pháp trừng phạt thân thể học sinh,… làm cho không khí của tiết học trở nên nặng nề. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa phát huy tính tích cực học tập của học sinh. Có thể chúng ta chưa  thực sự khơi dậy ở học sinh tính hăng say tích cực, chủ động, sáng tạo trong suy nghĩ, hoạt động.  Chính vì vậy mà tôi đã tiến hành khảo sát, điều tra các em học sinh lớp 5C tôi đang chủ nhiệm. Qua khảo sát điều tra cho thấy đa số các em chưa thực sự tích cực trong mọi hoạt động, chưa mạnh dạn, tự tin chia sẻ ý kiến cùng thầy cô, bạn bè cũng như môi trường học tập, vui chơi chưa thực sự thân thiện với các em.

 3. Giải pháp

Để xây dựng thành công “ Lớp học thân thiện, học sinh tích cực” trước hết phải tạo cho học sinh có một môi trường học tập và giáo dục “ thân thiện”. Chính vì vậy mà tôi đã thực hiện các bước sau:

Bước 1: Xây dựng lớp học thân thiện

  “Xây dựng lớp học thân thiện” là tạo ra môi trường học tập thân thiện, an toàn, gần gũi với học sinh, làm cho học sinh cảm thấy “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. Xây dựng được “lớp học thân thiện” thì sẽ có “học sinh tích cực”. Xây dựng được lớp học thân thiện, học sinh tích cực thì sẽ hạn chế được tỉ lệ học sinh lưu ban, bỏ học, sẽ nâng cao được chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Để xây dựng lớp học thân thiện, tôi tiến hành như sau: 

* Tạo môi trường lớp học thân thiện

Lớp học thân thiện phải có cây xanh, phải luôn sạch sẽ, ngăn nắp và được trang trí đẹp, đảm bảo tính thẩm mĩ và tính giáo dục cao. Do vậy, tôi hướng dẫn và cùng với học sinh thực hiện các công việc sau đây: 

- Trồng cây xanh trong lớp.

- Trang trí lớp đẹp, hài hòa đảm bảo tính thẩm mĩ và tính giáo dục cao.     

Hằng ngày, tôi nhắc nhở các em thực hiện theo các nhiệm vụ của người học sinh và  yêu cầu của lớp học thân thiện.

 - Phân công theo dõi các tổ làm trực nhật hàng ngày. Nhưng một tuần đầu, tôi phải đi sớm để hướng dẫn các em làm vệ sinh lớp như: lau bảng, giặt khăn, rửa cốc chén, tưới cây.....

-  Đối với bồn hoa của lớp, mỗi tổ sẽ chăm sóc một tuần. Quy định bồn hoa phải sạch cỏ, đất không khô trắng, không có cành gãy và lá khô. 

* Tạo mối quan hệ thân thiện giữa học sinh với học sinh:

 Con người giao tiếp thân thiện với nhau bằng nhiều phương tiện khác nhau như cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt nhưng giao tiếp bằng ngôn ngữ vẫn là quan trọng hơn cả. Để học sinh có được mối quan hệ thân thiện với bạn trong lớp, giáo viên cần hướng dẫn học sinh sử dụng lời nói với bạn sao cho thể hiện sự tôn trọng, tế nhị, lịch sự trong giao tiếp.

Nhận thức được việc dạy cho học sinh cách thể hiện lời nói thân thiện cùng bạn là cần thiết, trong những năm qua cũng như đầu năm học này , thông qua tiết dạy, tôi đã cố gắng uốn nắn , sửa chữa lời nói cho học sinh. Chẳng hạn trong tiết Kể chuyện, khi trao đổi nội dung với bạn kể, tôi thường hướng các em xưng hô tôi và bạn cũng như: “ Xin mời bạn, bạn cho tôi biết…., cảm ơn bạn…” Hay trong tiết Sinh hoạt lớp, khi nhận xét bạn, tôi hướng các em nhận xét bằng từ ngữ tế nhị, lịch sự. 

Ngoài việc hướng dẫn học sinh sử dụng ngôn ngữ tế nhị, thiện cảm, tôi cũng đã sử dụng “ đôi bạn cùng tiến”, “ các nhóm năng khiếu”, “ nhóm cùng sở thích” thông qua các đội, nhóm, các em đã có trách nhiệm giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Từ đó, các em đã hạn chế sự gây gổ, cãi nhau trong lớp học mà trở nên thân thiết, gắn bó với nhau hơn.

*  Giao tiếp thân thiện giữa thầy-trò:

Để có được mối quan hệ thân thiện với học sinh, trước hết giáo viên cần thể hiện cách giao tiếp thực sự tôn trọng học sinh từ cử chỉ, thái độ, ngôn ngữ góp phần đáng kể tạo nên phong cách con người. Đối với học sinh tiểu học, giáo viên càng cẩn thận trọng trong cách giao tiếp. Chúng ta không những là người thầy, mà còn người bạn để các em có thể tâm sự và chia sẻ. 

Trong quá trình giảng dạy, tôi thường lên lớp với tâm trạng vui tươi, luôn mỉm cuời thiện cảm, chăm chú dõi theo và tôn trọng học sinh. Đồng thời luôn tìm những lời khen thích hợp cho từng học sinh, từng tình huống dạy học. Ví dụ: “ Bạn Tuấn hôm nay đọc bài có tiến bộ rất nhiều”;  “Nam đọc còn hơi nhỏ, lần sau cố gắng hơn nhé” hoặc “ Cô mời em ngồi xuống, cảm ơn em, …”. Trong nhiều năm qua tôi thường sử dụng cách xưng hô nói trên đã mang lai hiệu quả rõ rệt. Trước hết, tôi nhận thấy học sinh hăng hái phát biểu bài hơn vì các em thấy được sự gần gũi với thầy cô hơn. Các em trở nên tự tin hơn và sẽ không sợ khi phát biểu sai. Tôi nhận thấy cách xưng hô như trên không những làm tăng thêm tính nghiêm túc, tôn trọng mà còn mà còn giáo dục học sinh biết lễ phép và tạo nên mối quan hệ thân thiện trong lớp hơn.

Bước 2: Khơi gợi tính chủ động, sáng tạo của học sinh

Người có vai trò trong việc phát huy tính chủ động, sáng tạo trong các hoạt động của học sinh chính là giáo viên. Đối với học sinh, mỗi ngày các em đến lớp là mỗi ngày các em được gặp thầy cô giáo của mình. Có bao giờ chúng ta tự hỏi: Có khi nào học sinh cảm thấy nhàm chán chính thầy cô của chúng không?. Có thể lắm chứ nếu như mỗi ngày học sinh của chúng ta được nhìn, được nghe thấy một câu lệnh quen thuộc, những việc làm quen thuộc. Như vậy muốn học sinh của chúng ta tích cực, chủ động, sáng tạo thì yêu cầu người giáo viên cũng phải sáng tạo, đổi mới trong mọi hoạt động.

* Chủ động, sáng tạo trong việc lập kế hoạch

Mỗi ngày đến lớp giáo viên cần phải chuẩn bị cho mình một kế hoạch bài dạy đầy đủ. Với sự chuẩn bị chu đáo chúng ta sẽ là người dẫn dắt các em trong từng hoạt động. Ngoài ra chúng ta hãy mạnh dạn giao việc cho các em. Trong các hoạt động học tập, vui chơi người giáo viên luôn cố gắng tổ chức các hoạt động sao cho tất cả học sinh được tham gia, được làm việc để tự tìm kiếm tri thức.

* Khơi gợi tinh thần trách nhiệm ở học sinh

Mỗi học sinh cần thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình trong các hoạt động học tập, vui chơi, trong cuộc sống.  Có như vậy các em mới chủ động, sáng tạo trong mọi hoạt động. Có nhiều em ngay từ nhỏ đã được gia đình quá yêu thương, chìu chuộng nên các em ỷ lại, dựa dẫm. Để tránh tình trạng đó tôi đã làm một tấm bảng nhỏ với dòng chữ “Tinh thần sống có trách nhiệm” đính trên vách lớp. Mỗi ngày đến lớp nhìn thấy tấm bảng các em sẽ cảm nhận và có ý thức hơn trong từng việc làm, từng hành vi và cách ứng xử của mình. Với tinh thần trách nhiệm cao các em sẽ chủ động, sáng tạo hơn trong các hoạt động và luôn mong muốn mình hoàn thành tốt mọi việc.

Bên cạnh đó sinh hoạt tập thể và tham gia các trò chơi bổ ích là nhu cầu, là sở thích của hầu hết các học sinh tiểu học. Vì vậy, khi tổ chức cho các em sinh hoạt tập thể và tham gia các trò chơi là giáo viên đã giúp các em khơi gợi tính chủ động, sáng tạo của học sinh  “học mà chơi, chơi mà học”. Ngoài ra, việc tổ chức các hoạt động tập thể còn là sợi dây gắn bó, kết nối, đoàn kết các em lại với nhau.

Bước 3: Khơi gợi tính tích cực của học sinh

Học sinh tích cực là biết vận dụng giữa “học đi đôi với hành”, thực hiện đúng nguyên lý giáo dục, vận dụng các kiến thức do thầy cô cung cấp với ý thức chủ động, tự giác cao. Tuy nhiên số lượng học sinh “tích cực” rất ít, chủ yếu tập trung vào một em khá giỏi. Số đông còn lại thì thụ động thiếu tự tin trong học tập lẫn trong giao tiếp. Vì vậy, để học sinh phát huy tích tích cực, giáo viên phải có trách nhiệm hướng dẫn, định hướng cho học sinh chủ động tiếp nhận kiến thức. Ngoài ra, học sinh còn phải biết tích cực, tự giác trong trong các hoạt động của nhà trường và xã hội. 

Một khi đã tạo nên lớp học thân thiện thì phần nào đó cũng đã góp phần tác động đến tính tích cực của học sinh. Khi đã xây dựng được lớp học thân thiện, chúng ta cần giáo dục tính tự tin cho học sinh và có một kế hoạch tổ chức các hoạt động thích hợp nữa thì việc học sinh tích cực hoạt động là không khó.

Ví dụ: Trong những tiết dạy, tôi thường cho học sinh thảo luận sau đó cho nhiều em lên trình bày kết quả. hoặc cho học sinh đặt câu hỏi để bạn trả lời hay tự nhận xét, đánh giá lẫn nhau. Trong tiết Sinh hoạt lớp, tiết Hoạt động ngoài giờ, tôi cho học sinh thay phiên nhau tự quản để tăng thêm tính tích cực, tự tin cho các em.

4. Hiệu quả của biện pháp

Học sinh đã thực sự hứng thú, tích cực khi đến lớp học. Các em không còn rụt rè, sợ hãi như những ngày đầu mà thay vào đó, các em rất mạnh dạn học tập, gần gũi, chia sẻ với thầy cô, bạn bè và hoàn thành tốt nhiệm vụ được thầy cô giao cho. 

KẾT LUẬN

1. Ý nghĩa

Xây dựng lớp học thân thiện, học sinh tích cực là tạo nên một môi trường giáo dục an toàn, bình đẳng, tạo hứng thú cho học sinh trong học tập, góp phần bảo đảm quyền đi học của học sinh. Trong môi trường, trường học thân thiện, các em sẽ cảm nhận được sự thoải mái khi việc học của mình vừa gắn kiến thức trong sách vở, vừa trải nghiệm của chính bản thân trong các hoạt động ngoại khoá, trong các trò chơi dân gian, các hoạt động tập thể vui mà học. Như thế mỗi ngày các em đến trường là một ngày vui.

2. Nhận định về việc áp dụng và khả năng phát triển của biện pháp

Các biện pháp trên  có thể áp dụng cho giáo viên chủ nhiệm ở tất cả các khối lớp trong toàn trường, đồng thời phần nào đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp hiện nay, tạo không khí giờ học thật sự vui, hứng thú, phát triển được năng lực phẩm chất cho học sinh.

Với nội dung nghiên cứu “Biện pháp xây dựng lớp học thân thiện, học sinh tích cực”, tôi nhận thấy khả năng áp dụng vào thực tế là khả thi, có hiệu quả. Giáo viên toàn trường đều có thể áp dụng để thực hiện. Việc thực hiện không gặp khó khăn hay trở ngại gì lớn. Chỉ cần chúng ta thực sự tâm huyết, đầu tư về thời gian chuẩn bị. 

3. Bài học kinh nghiệm

- Duy trì và sáng tạo trong công tác xây dựng “lớp học thân thiện học sinh tích cực”, làm sao để tất cả các em luôn cảm thấy “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. 

- Giáo viên thực sự là người bạn của học sinh có tấm lòng bao dung, thông cảm, thương yêu, gần gũi, động viên, khen thưởng kịp thời biết lắng nghe ý kiến của học sinh, khuyến khích học sinh tâm sự với mình để nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của các em.

- Luôn biết khích lệ biểu dương các em kịp thời. Hãy khen ngợi những ưu điểm sở trường của các em để các em thấy giá trị của mình được nâng cao, có niềm tin và tích cực hơn trong học tập . 

- Tạo điều kiện để học sinh tự tin khi thể hiện mình. 

4. Đề xuất, khuyến nghị

- Duy trì Hội thi Trang trí lớp học.

- Duy trì và sáng tạo trong công tác xây dựng “lớp học thân thiện học sinh tích cực”, làm sao để tất cả các em luôn cảm thấy “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. 

istar.doimoisangtao.vn