Một số giải pháp giúp học sinh tiếp thu bài chậm của lớp học tiến bộ
I. ĐẶT VẤN ĐỀ:
Lớp Một có thể coi như là nền móng khởi đầu cho quá trình học tập của một đứa trẻ. Các em phải hiểu, nắm bắt và vận dụng những kiến thức, kỹ năng cơ bản của chương trình thì mới có thể tiến xa hơn trên con đường học tập. Điều này đòi hỏi người giáo viên phải có các biện pháp sư phạm tối ưu, phải tổ chức các hoạt động học tập tích cực, phải biết vận dụng linh hoạt, mềm dẻo các hình thức, phương pháp dạy học nhằm giúp học sinh tự chiếm lĩnh các kiến thức cơ bản cần có.
Thực tế hiện nay trình độ của học sinh khi vào lớp Một là không đồng đều gây khó khăn cho giáo viên khi giảng dạy ở lớp Một, đồng thời cũng dẫn đến tình trạng phân hoá trình độ trong học sinh một cách rõ rệt. Một trong những vần đề khiến tôi luôn lo lắng là làm thế nào để giúp học sinh tiếp thu bài chậm của lớp học tiến bộ. Qua các vấn đề trên, tôi chọn đề tài: “Một số biện pháp giúp học sinh tiếp thu bài chậm của lớp học tiến bộ”.
II. THỰC TRẠNG:
Năm học 2022 – 2023, tôi chủ nhiệm lớp Một 2, sĩ số 35 em, nữ 16 em. Đa số các em thuộc con gia đình cha mẹ là công nhân, lao động, đi làm xa nhà, có vài em học sinh cha mẹ đi làm cả tuần mới về nhà, ông bà ở nhà dạy cháu học thì lớn tuổi, có 3 trường hợp phụ huynh lại không biết chữ. Một số phụ huynh thì chưa nắm được nhiều về biện pháp dạy học cho con cũng như cách tự nhận xét đánh giá quá trình học tập của con em mình.
Lớp có 5 em chưa được đi học qua lớp mẫu giáo vì tình hình dịch bệnh phụ huynh không cho các em đến trường, chưa quen với trường lớp, bạn bè, 2 em sinh dấu hiệu bệnh tự kỷ khả năng tiếp thu kiến thức rất chậm, rối loạn hành vi hay nghịch phá các bạn và thường xuyên chưa có ý thức giữ gìn sách vở, dụng cụ học tập. Ngoài ra, lớp có 7 em nói phát âm chưa rõ ràng, đọc phát âm hay nhầm với âm khác, làm tính cộng trừ kết quả chưa chính xác và chậm, học các phân môn còn lại thì nhút nhát, ít phát biểu, thụ động.
Từ những tình hình thực tế của lớp như trên, tôi có những giải pháp sau:
III. NHỮNG GIẢI PHÁP ĐÃ ÁP DỤNG:
1. Tìm hiểu đối tượng:
Vào đầu năm học, việc đầu tiên sau khi nhận lớp là tôi tìm hiểu tình hình học sinh của lớp về sức khoẻ, khả năng tiếp thu và hoàn cảnh gia đình thông qua hồ sơ đầu năm của học sinh. Kế đến tôi tiến hành lập danh sách học sinh, phân chia học sinh theo từng đối tượng vào sổ cá nhân. Trong đó tôi đặc biệt chọn lọc và khoanh vùng những học sinh tiếp thu chậm để tìm hiểu nguyên nhân. Qua theo dõi và trao đổi với phụ huynh, với học sinh và tự tìm hiểu tôi nhận thấy học sinh học chậm là do những nguyên nhân sau đây:
- Học sinh học tiếp thu bài chậm do nhút nhát: Đây là những em học sinh do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chưa được đi học mẫu giáo, chịu ảnh hưởng từ cách giáo dục của gia đình, có trình độ tiếp thu chậm đâm ra sợ sệt dẫn đến nhút nhát. Tâm lí sợ sệt xuất hiện ngay từ những ngày đầu đi học như hay khóc nhè, không chịu đi học điều này khiến các em dần dần học tiếp thu bài chậm.
- Học sinh học tiếp thu bài chậm do bị bỏ bê: Thường là những em sống trong gia đình không êm ấm thiếu tình cảm, bố mẹ li hôn, mồ côi cha mẹ sống với ông bà. Do không được quan tâm lại còn nhỏ mà không có người hướng dẫn, dìu dắt thêm khi ở nhà nên các em thường hay trầm lặng ít nói, ít tập trung trong giờ học nên trong các hoạt động trên lớp ít khi thấy các em đưa tay phát biểu dù vấn đề rất đơn giản.
- Học sinh học tiếp thu bài chậm do sức khoẻ và trí tuệ chậm phát triển: Thường là các em bị các bệnh về não, khiếm thính, khả năng tiếp thu hạn chế, tư chất kém, rối loạn hành vi,…và gia đình lại có tư tưởng em học đến đâu hay đến đó mà không giúp em cố gắng nổ lực trong học tập.
Dựa vào các nguyên nhân trên tôi tiến hành lập kế hoạch để giúp các em học tập tiến bộ theo các biện pháp sau:
2. Thực hiện công tác phối hợp:
Để dạy học hiệu quả cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhà trường và gia đình. Những học sinh tiếp thu bài chậm được học trong môi trường được thầy cô hết lòng dạy dỗ, được sống trong mái ấm một gia đình hạnh phúc có bố mẹ quan tâm, chăm sóc chu đáo thì chắc chắn trẻ sẽ học tập rất tốt. Đặt biệt đối với những học sinh học chậm nhớ, để giúp các em tiến bộ trong học tập thì rất cần sự phối hợp song song giữa hai phía: giáo viên và phụ huynh học sinh.
2.1. Về phía phụ huynh:
Dạy học sinh tiếp thu bài chậm không thể đạt hiệu quả nếu không có sự kết hợp của phụ huynh học sinh. Vì trong mỗi giờ dạy giáo viên phải chăm lo rất nhiều học sinh trong lớp, mà thời gian dạy học ở lớp không đủ để kèm riêng cho các em. Do vậy trước khó khăn này tôi cần tìm sự giúp đỡ từ phía phụ huynh.
Trước tiên tôi tiến hành tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, công việc của bố mẹ và cách dạy dỗ cũng như việc học ở nhà của các em dựa vào hồ sơ nhập học hoặc qua cuộc nói chuyện với phụ huynh. Khi trao đổi với phụ huynh về việc học của học sinh, bao giờ cũng vậy tôi luôn nhẹ nhàng phân tích cho phụ huynh thấy được mặt mạnh, mặt yếu kém của học sinh và chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến sự học tiếp thu bài chậm cho phụ huynh hiểu. Đối với mặt mạnh, đáng khen của học sinh tôi đề nghị phát huy, bồi dưỡng. Còn đối với mặt học còn hạn chế tôi đề nghị phụ huynh cùng tìm biện pháp giúp đỡ các em để tiến bộ.
Cuối cùng tôi đề nghị phụ huynh phải kiên trì thường xuyên, đồng bộ với giáo viên và phải có lòng tin vào sự tiến bộ của con em mình, nhưng việc thực hiện các biện pháp cần có sự thống nhất giữa giáo viên và phụ huynh tránh trường hợp “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Đối với học sinh học tiếp thu bài chậm tôi và phụ huynh cùng thống nhất mỗi ngày sẽ dành thời gian kèm cặp, hướng dẫn, theo dõi và ghi nhận lại sự tiến bộ vào vở.
Ví dụ: Trường hợp của em Nguyễn Trọng Nhân học yếu do sức khoẻ yếu và chưa học qua mẫu giáo. Khi trao đổi về việc học của em tôi cho phụ huynh thấy em rất ham thích được học nhưng em chỉ học và nhớ được môn toán, còn môn Tiếng Việt em chưa đọc và viết được vì em nhớ rất chậm lại ham chơi chưa thể tự học một mình ở nhà nên rất cần phụ huynh dành thời gian hướng dẫn em thêm. Tôi đề nghị giải pháp: Ở lớp giáo viên kèm đọc, viết sau đó ghi lại lời dặn dò vào vở về nhà phụ huynh giúp em thực hiện theo lời dặn dò, hôm sau giáo viên sẽ kiểm tra việc thực hiện lời dặn dò và ghi lại lời nhận xét vào vở.
* Một số điều cần lưu ý với phụ huynh:
Học sinh lớp Một còn bé rất, cần sự quan tâm dìu dắt của người lớn. Phụ huynh hãy chú ý theo dõi từng bước đi của các em để kịp thời hướng dẫn, giúp đỡ chớ để tự học một mình.
Các em học chậm nhớ thì phụ huynh cần hổ trợ nhiệt tình, liên tục bằng các biện pháp nhẹ nhàng hiệu quả. Đó là những lời động viên, lời khen hoặc là phần thưởng khi các em tiến bộ. Nghiêm khắc nhưng phụ huynh tránh nóng vội, quát nạt, đòn roi khiến trẻ chai lì, học như một cỗ máy. Phụ huynh tham gia nhận xét đánh giá con em mình theo Thông tư 30 và Thông tư 22.
2.2. Về phía giáo viên:
Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo.
Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền.
Cô và mẹ là hai cô giáo, mẹ và cô ấy hai mẹ hiền.
Mỗi khi nghe bài hát này tôi nghĩ quả đúng thật giáo viên chính là người bố, người mẹ của các em, ở trường và tôi luôn tâm niệm mình chính là mẹ và cũng là người cô để giúp các em học tập tiến bộ và thực hiện theo phương châm dạy “sát người, đạt việc” tôi đã thực hiện theo từng bước sau:
* Bước 1: Quan tâm tận tình với mọi đối tượng học sinh và dạy theo cá thể hóa:
Sau khi đã tìm hiểu kỹ từng đối tượng học sinh của lớp tôi tiến hành dạy học nhắm vào từng đối tượng cụ thể:
Đối với học sinh học tiếp thu bài chậm do bị bỏ bê:
Tôi tìm cách để liên hệ với gia đình những học sinh này. Thường thì phụ huynh thoái thác không chịu gặp giáo viên. Có trường hợp viết thư mời nhiều lần phụ huynh không đến tôi đã phải đến tận nhà thậm chí còn nhờ sự can thiệp của Ban Giám Hiệu, của ban chấp hành cha mẹ phụ huynh của lớp. Tôi cùng thống nhất với phụ huynh cách dạy đọc, viết, làm tính. Hằng ngày, tôi kiểm tra ôn và dạy lại những gì mà các em học chậm nhớ mau quên, còn chưa nắm chắc cho đến khi thấy nắm vững vàng rồi bắt đầu dạy sang kiến thức mới.
Đối với học sinh học tiếp thu bài chậm do nhút nhát:
Tôi liên hệ, trao đổi với phụ huynh về những biểu hiện tâm lý của học sinh khi ở lớp và ở nhà để nắm bắt nguyên nhân khiến các em nhút nhát, thụ động. Sau đó tôi cùng phụ huynh bàn bạc tìm những biện pháp giải quyết tình trạng đó. Chẳng hạn ở nhà phụ huynh cần khuyến khích học sinh nói, nhận xét, nêu ý kiến trước mọi vấn đề mà học sinh quan tâm hoặc khi đọc bài thì yêu cầu đọc thật to, rõ. Nếu học sinh làm tốt thì khen ngay không nên chê khi chưa tốt vì như thế lần sau sẽ không hứng thú để làm nữa. Còn ở lớp, vào giờ chơi tôi thường xuyên gọi học sinh lên để hỏi han, trò chuyện tạo sự thân thiện cởi mở, xua tan dần nổi “sợ” cô và khiến học sinh từ từ mạnh dạn, chịu “nói” và không còn ngại ngùng. Trong tiết học tôi thường gọi các em tiếp thu bài chậm phát biểu những câu hỏi dễ, lặp lại lời bạn và nhất là khuyến khích gọi lên bảng làm bài một cách thường xuyên để giúp trẻ bới nhút nhát trước đám đông. Nếu các em làm tốt, tôi liền cho cả lớp vỗ tay tuyên dương, còn khi làm chưa tốt thì tôi hướng dẫn làm lại và nhắc nhở các bạn khác không được cười bạn.
Đối với học sinh tiếp thu bài chậm do vấn đề sức khoẻ và trí tuệ chậm phát triển:
Đối với những học sinh này thì giáo viên phải kèm cặp đặc biệt và phải kiên trì nhẫn nại dạy dỗ bằng tình thương, bằng cả tấm lòng thì mới hy vọng có sự tiến bộ từ phía các em. Trong khi giảng dạy, giáo viên cần vận dụng một cách linh hoạt mọi cách dạy khác nhau và cần sử dụng nhiều dụng cụ trực quan, vật thật phù hợp đúng lúc, đúng chỗ sao cho học sinh hình dung và dễ tiếp thu. Tuy nhiên giáo viên cần lưu ý thời gian dạy học vừa sức với học sinh vì khả năng chú ý của các em không bền vững.
* Bước 2: Thực hiện tốt công tác chủ nhiệm.
Sắp xếp chỗ ngồi phù hợp với học sinh học tiếp thu bài chậm:
Những học sinh học tiếp thu bài chậm thông thường nên xếp ngồi những bàn đầu hoặc ở vị trí gần tầm kiểm soát của giáo viên nhất để tiện việc kiểm tra, theo dõi. Khi sắp xếp chỗ ngồi điều thứ nhất cần tránh là xếp những em học tiếp thu bài chậm ngồi ở vị trí cuối lớp vì khả năng tập trung, chú ý và tiếp thu của các em thường rất kém đồng thời việc kèm cặp trong giờ học cũng khó khăn cho giáo viên. Điều thứ hai cần tránh là cho học sinh tiếp thu bài chậm ngồi “cách ly” hoặc ngồi “ưu tiên” trên bàn giáo viên vì như thế sẽ bị cô lập, mặc cảm.
Chia tổ:
Trong lớp đảm bảo các đối tượng học sinh, năng khiếu được chia đều cho các tổ. Giáo viên cần tạo sự thi đua học tập tích cực giữa các tổ ngay từ đầu năm học bằng cách phổ biến rõ nhiệm vụ, nội qui, cách thưởng. Nhờ có sự thi đua trong học tập, học sinh có động lực để cố gắng trong học tập, tạo được sự hổ trợ động viên, nhắc nhở cùng nhau học tập tật giữa các thành viên trong tổ.
Xây dựng Ban tự quản:
Sau khi bầu Ban tự quản giáo viên cần hướng dẫn, bồi dưỡng vì đây là những trợ thủ đắc lực có khả năng giúp đỡ giáo viên trong vấn đề tự quản lý và xây dựng nề nếp lớp tốt. Đây là những học sinh “đầu tàu” trong học tập, trong các phong trào thi đua của lớp, của trường. Mặt khác, Ban tự quản còn là người có khả năng giúp đỡ các học sinh tiếp thu bài chậm của lớp, hổ trợ giáo viên trong việc kiểm tra, kèm cặp học sinh tiếp thu bài chậm cùng với giáo viên.
Xây dựng đôi bạn cùng học tập tiến bộ:
Một điều mà ai cũng thừa nhận là “Học thầy không tài học bạn”. Vâng, câu tục ngữ trên lúc nào tôi thấy đúng với học sinh trong mọi lúc.
Ngay trong những ngày đầu tiên của năm học mới, sau khi sắp xếp chỗ ngồi, tôi cho học sinh tự làm quen, tự tìm hiều nhau về tên, tuổi, sở thích một cách thoải mái. Qua đó các em sẽ tự tìm thấy người bạn phù hợp, thân thiết của mình, giúp các em cảm thấy vui, mạnh dạn hơn mỗi khi đến lớp. Tôi thành lập câu lạc bộ “Đôi bạn học tập cùng tiến bộ”. Học sinh thật sự rất thích được “làm thầy, làm cô” cho nên các em rất khoái chí khi được giao trọng trách tôi phân công nhiệm vụ cụ thể và có phần thưởng vào cuối tuần đối với đôi bạn có tiến bộ: đọc bài to, viết chữ đẹp, làm tính nhanh.
Tổ chức hình thức và phương pháp dạy học phong phú, đa dạng:
Trong giờ dạy học tôi luôn vận dụng các hình thức tổ chức, vận dụng phối hợp nhiều phương pháp dạy học ngoài các phương pháp truyền thống còn vận dụng thêm các phương pháp như: Bàn tay nặn bột, kĩ thuật mảnh ghép, khăn phủ bàn, đồng thời kết hợp dạy theo cá thể hóa để dạy từng học sinh sau cho đảm bảo mọi đối tượng học sinh của lớp đều được tham gia. Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình học tập, tình hình sức khoẻ và những biến đổi bất thường của học sinh để kịp thời thông báo cho phụ huynh cùng tìm cách giải quyết những khó nhăn.
- Tạo mối tương tác trong nhóm nhỏ (2 - 4 HS): Tôi xếp học sinh nhút nhát, thụ động, học tiếp thu bài chậm ngồi chung với học sinh tiếp thu bài tốt, lanh lợi nhằm tạo sự hổ trợ cùng học tập giữa học sinh tiếp thu bài chậm với học sinh học tốt và giúp các em xoá dần khoảng cách với bạn bè, tạo tình thân và cũng như trách nhiệm cụ thể. Từ đó nảy sinh tinh thần học tập tích cực hơn.
- Tạo tinh thần thi đua giữa các tổ: Ở bất cứ môn học nào, tôi luôn tổ chức trò chơi thi đua giữa các tổ như: trúc xanh, thỏ ăn củ cà rốt, ong về tổ,… và đây chính là động lực giúp các em đoàn kết, hổ trợ nhau, khuyến khích nhau cùng tham gia để chiến thắng. Những học sinh tiếp thu bài chậm, nhút nhát luôn được tạo điều kiện tham gia trò chơi, trình bày ý kiến của mình trước tổ.
- Luôn khuyến khích, tuyên dương, khen thưởng kịp thời: Khi nêu các câu hỏi hay các bài tập thực hành tôi luôn chú ý có các câu hỏi và bài tập mức độ dễ cho đối tượng học sinh của lớp, thường xuyên động viên học sinh giơ tay phát biểu trả lời câu hỏi của cô, khuyến khích lên bảng làm bài hay nêu nội dung tranh. Đầu tiên tôi gọi những học sinh học tốt phát biểu trước, sau đó cho học sinh học chậm lập lại câu trả lời từ dễ đến khó, dù chính xác hay chưa chính xác thì những học sinh đó luôn được lớp thưởng một tràng pháo tay thật lớn.
Nếu tự học sinh thực hiện được yêu cầu của cô, thì luôn luôn có phần thưởng cho học sinh hay cả tổ được cắm cờ chiến thắng, lúc đó khó mà tả được vẻ mặt rạng ngời hảnh diện pha lẫn ngại ngùng của các em.
Lúc đầu, mỗi tiết tôi chỉ gọi học sinh tiếp thu bài chậm hai lần, dần dần số lần mời tăng lên có lúc thì cô chọn, có lúc bạn mời, có lúc chính các em xung phong,…Khi học sinh tiếp thu bài chậm phát biểu hoặc có biểu hiện tiến bộ trong học tập, tôi liền nêu gương, tuyên dương, thưởng quà đột xuất, khen trước lớp.
3. Xây dựng nề nếp lớp thật tốt:
Trong mỗi cuộc họp phụ huynh, tôi thường nêu qua nội dung chương trình học của lớp, gợi ý giúp đỡ cho học sinh tiếp thu bài chậm học ở nhà. Cách giúp các em tự soạn bài, tự ôn bài ở nhà và yêu cầu phụ huynh không làm thay mà chỉ hướng dẫn hoặc cùng làm với học sinh cho đến khi nào thấy các em làm tốt. Tôi còn cho phụ huynh nắm nội quy trường, lớp, cách đánh giá học sinh theo Thông tư 30 và Thông tư 22 đã quy định, những nhiệm vụ mà học sinh lớp cần thực hiện được trong năm học. Trong đó vấn đề an toàn sức khoẻ, vệ sinh cá nhân, vệ sinh trường lớp tôi nhờ phụ huynh đặc biệt kiểm tra nhắc nhở, giáo dục các em mỗi ngày.
Kết hợp với tổng phụ trách, sao đỏ, ban cán sự lớp xây dựng nề nếp và ý thức xếp hàng ra vào lớp, giữ vệ sinh trường lớp, tham gia các phong trào của trường. Tôi từng bước hướng dẫn xây dựng nề nếp học tập ở lớp thật tốt theo phương châm “nề nếp tốt – hoc tập tốt”
4. Phối hợp chặt chẽ với Ban giám hiệu nhà trường:
Việc giúp học sinh tiếp thu bài chậm học tiến bộ cũng là mối quan tâm hàng đầu của Ban giám hiệu. Do vậy, giáo viên phải thông báo cụ thể tình hình các đối tượng học sinh tiếp thu bài chậm ngay từ đầu năm học cũng như quá trình rèn học sinh tiến bộ theo hàng tháng cho tổ trưởng và Ban giám hiệu nắm.
5. Kiểm tra – đánh giá việc học tập của học sinh:
Việc theo dõi, kiểm tra, đánh giá thường xuyên theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT nhằm giúp giáo viên nắm được sự tiến bộ của học sinh, nhằm có hướng phát huy hoặc tiếp tục tìm biện pháp khắc phục. Thông thường việc kiểm tra, động viên học sinh tiếp thu bài chậm được thực hiện theo hai thời điểm: trong các tiết học và vào cuối tuần, vào giờ sinh hoạt tập thể, học sinh sẽ tổng kết những bông hoa học tốt, bông hoa phát biểu, bông hoa làm việc tốt, bông hoa vở sạch chữ đẹp giữa các tổ. Mỗi tháng giáo viên sẽ tổng kết, phát thưởng cho học sinh tiến bộ, đôi bạn học tập cùng tiến bộ của lớp. Phần thưởng là cây bút, đồ chơi, quyển truyện, viên phấn,…
Nhìn chung những món quà dù nhỏ nhưng lại là động lực vô cùng to lớn trong việc khích lệ học sinh tiến bộ trong học tập.
IV. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TỪ NHỮNG GIẢI PHÁP:
Qua thời gian vận dụng các giải pháp trên của sáng kiến lớp đạt được những kết quả như sau:
- Học sinh tiếp thu bài chậm của lớp mau tiến bộ, theo kịp các bạn trong lớp, 7 em đầu năm phát âm chưa rõ ràng, đọc phát âm hay nhầm với âm khác đến GHKII các em đọc bài phát âm rất tốt, biết dùng từ đặt câu. 5 em chưa qua lớp Mẫu giáo các em đến nay rất mạnh dạn, tự tin, phát biểu tích cực, tiếp thu bài nhanh.
- Học sinh của lớp 100% đều đọc thông viết thạo, các em có những kiến thức và kĩ năng tốt để vận dụng khi làm các bài tập của các môn học trên lớp.
- Nề nếp lớp học tốt, học sinh mạnh dạn, tự tin và có ý thức tự học tốt.
- Chất lượng đào tạo được nâng lên, giảm hẳn sự phân hoá trình độ trong học sinh của lớp.
- Hoàn thành chương trình lớp học: đạt 100% (Không có học sinh xếp loại Chưa hoàn thành).
- Năng lực và Phẩm chất 100% học sinh từ: Đạt với Tốt (Không có học bị xếp loại Cần cố gắng).
- Nề nếp lớp tốt nhờ có Ban tự quản tốt.
- Bản thân giáo viên tạo được niềm tin ở phụ huynh, sự an tâm cho Ban giám hiệu và hơn nữa là làm tốt nhiệm vụ của một người giáo viên là “trồng người – ươm mầm tương lai”.
Khen thưởng các phong trào đạt được trong học kỳ I năm học 2022 -2023 với những kết quả như sau:
+ Lớp đạt giải nhì: Thi trang trí lồng đèn Trung thu.
+ Học sinh đạt giải nhất: Cờ tướng.
+ Học sinh đạt giải nhì: Cờ tướng.
+ Học sinh đạt giải nhất: Cờ vua.
+ Học sinh đạt giải nhì: Cờ vua.
+ Lớp đạt giải nhì: Xé dán tranh chủ đề ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
+ Lớp đạt giải ba: Báo ảnh xuân.
+ Lớp đạt giải nhì: Đạp bong bóng,
+ Lớp đạt giải nhì: Thi văn nghệ,
+ Lớp đạt giải ba: Làm thiệp xuân,
+ Lớp đạt giải nhì: Kết hoa mai, hoa đào giả
Đánh giá định kỳ và hoạt động giáo dục đến giữa HKII: đạt 100%.
- Kết quả về đánh giá hoạt động giáo dục giữa học kỳ II năm học 2022-2023:
- Kết quả về năng lực chung cuối học kỳ II năm học 2022 – 2023:
- Kết quả về năng lực đặc thù giữa học kỳ II năm học 2022 – 2023:
- Kết quả về phẩm chất giữa học kỳ II năm học 2022 – 2023:
V. KẾT LUẬN:
- Sáng kiến kinh nghiệm này có thể áp dụng được tất cả các lớp ở bậc Tiểu học góp phần giúp giảm số lượng học sinh tiếp thu bài chậm của trường, tạo niềm tin của phụ huynh khi cho con em vào học ở trường.
- Thông qua các biện pháp của sáng kiến kinh nghiệm, giáo viên chủ nhiệm cảm thấy gần gũi, thương yêu học sinh hơn.
- Tạo tinh thần đoàn kết cùng nhau giúp đỡ bạn vượt khó trong học tập.
- Nề nếp lớp sẽ được ổn định, học sinh tự giác chấp hành tốt các nội qui, qui định của nhà trường.
- Nhờ học tiến bộ, học sinh sẽ mạnh dạn, tự tin tham gia phong trào của lớp một cách tự giác và tích cực.
* Những bài học khi thực hiện sáng kiến kinh nghiệm, vận dụng kinh nghiệm:
Bài học:
- Quá trình giúp đỡ học sinh tiếp thu bài chậm học tiến bộ đòi hỏi người giáo viên phải đầu tư nhiều thời gian, cần phải có sự kiên trì, nhẫn nại, phải có cái tâm của một nhà giáo và nhất là không được nóng vội trong quá trình kèm cặp học sinh học tập mỗi ngày trên lớp. Khi thực hiện các biện pháp trên cần phải thực hiện đến nơi, đế chốn, tránh nửa vời.
- Trong các giờ lên lớp, giáo viên phải chuẩn bị chu đáo các hoạt động, các đồ dùng dạy học và phương pháp dạy học đa dạng, phong phú để hấp dẫn học sinh.
- Cần có sự phối hợp, hổ trợ của phụ huynh học sinh trong việc đưa đón, nhắc nhở các em học ở nhà và quan trọng là bản thân tự vận động của học sinh. Do vậy giáo viên cần kích thích sự ham thích học tập ở học sinh.
Vận dụng:
Một số điều cần lưu ý khi vận dụng kinh nghiệm:
- Khi tìm hiểu hoàn cảnh học sinh thông qua phụ huynh, giáo viên cần hết sức tế nhị và khéo léo, tránh tìm hiểu quá sâu gây ra những hiểu lầm không đáng.
- Khi kèm cặp, hướng dẫn học sinh giáo viên tránh la mắng, chê bai các em học chậm trước cả lớp dẫn đến tình trạng cácc em chán nản, bất cần không chịu học.
- Kết quả việc rèn học sinh tiếp thu bài chậm phải được cập nhật vào Sổ chủ nhiệm và sổ tay theo dõi hàng tuần đầy đủ, thường xuyên và phải thông báo, trao đổi với phụ huynh.
- Khi thực hiện công tác chủ nhiệm một điều quan trọng rất cần thiết là sự kiên trì, nhẫn nại của người giáo viên. Việc cần tránh là quát nạt, có thái độ coi khinh, chê bai trẻ học châm nhớ trước lớp, với đồng nghiệp hoặc tỏ ra tội nghiệp các em đó. Vì như thế khiến học sinh mặc cảm, xấu hổ, … Công tác rèn luyện cho học sinh tiếp thu bài chậm học tập tiến bộ không phải chỉ ngày một ngày hai là xong mà cần duy trì đến tận các lớp trên nữa.
* Tóm lại: Giúp học sinh tiếp thu bài chậm học tiến bộ là công việc cần thiết và là trách nhiệm của người giáo viên. Không phải tự nhiên mà học sinh học tập tiến bộ nếu không có sự vun đắp, rèn luyện không mệt mỏi của nhà trường, của gia đình và đặc biệt là của người giáo viên chủ nhiệm lớp. Không chỉ tìm tòi, sáng tạo trong giảng dạy để lôi cuốn học sinh, điều quan trọng không kém là chính bản thân giáo viên phải là người có lòng yêu nghề, luôn tâm huyết với nghề, bản thân “sống có trách nhiệm”, xem học sinh như con em của mình và cố hết sức để giảng dạy sao cho đạt kết quả cao nhất.
Đây chỉ là kinh nghiệm nhỏ bé tôi xin được chia sẻ cùng đồng nghiệp để góp phần san sẻ nổi lo chung của nhà trường trước vần đề chất lượng đào tạo nhằm xây dựng nền móng kiến thức vững chắc cho học sinh trước khi bước vào cấp học cao hơn.